Ngày 19-1, Thường trực Thành ủy Hà Nội làm việc với Sở Du lịch và ngành Du lịch Hà Nội về kết quả thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 26-6-2016 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo”, kết quả của ngành Du lịch thành phố năm 2020; định hướng nhiệm vụ, giải pháp năm 2021 và giai đoạn 2021-2025. Dự Hội nghị có các đồng chí: Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Chu Ngọc Anh, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội.
Báo cáo tại cuộc làm việc, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, Hà Nội đã có nhiều thành tựu trong thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU. Giai đoạn 2016-2019, lượng khách du lịch đến Hà Nội tăng bình quân đạt 10,1%/năm; tốc độ tăng trưởng tổng thu từ khách du lịch bình quân đạt 17,6%/năm, trong đó năm 2019 đạt 103.812 tỷ đồng.
Tính đến hết năm 2019, thành phố đã vượt nhiều chỉ tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 06. Tuy nhiên, do tác động của dịch Covid-19, lượng khách trong nước và quốc tế đều sụt giảm nghiêm trọng. Năm 2020, du lịch Hà Nội thiệt hại khoảng 3,6 tỷ USD.
Việt Nam hiện đang kiểm soát tình hình dịch bệnh Covid-19 tốt, tạo điều kiện để du lịch phục hồi, song tình hình thế giới vẫn còn phức tạp. Với tình hình hiện nay, năm 2021, ngành du lịch Thủ đô xây dựng ba kịch bản phát triển. Trong đó, đặt kỳ vọng một kịch bản sớm phục hồi, phấn đấu thu hút 15,34 triệu lượt khách nội địa, bằng 70% năm 2019 và tăng hai lần so với năm 2020.
Tại hội nghị, đại diện các Hiệp hội Du lịch, doanh nghiệp lữ hành… đã phát biểu “hiến kế” để tìm giải pháp phục hồi ngành du lịch Thủ đô sớm nhất có thể. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm vẫn là làm thế nào để thu hút khách nội địa.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng Hà Nội cần tạo ra những sự kiện mang tính thương hiệu riêng, thí dụ như các sự kiện về ẩm thực, áo dài, làng nghề tầm cỡ quốc gia và khu vực; tiếp tục thúc đẩy phát triển du lịch MICE (Meeting, Incentive, Conference, Event - du lịch kết hợp hội thảo, hội nghị, sự kiện); xây dựng một trung tâm triển lãm, hội chợ lớn; tổ chức một trung tâm giới thiệu ẩm thực...
Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội Trương Quốc Hùng đề xuất giải pháp để cho người Hà Nội du lịch ngay tại Hà Nội mà không cần phải đi đến các tỉnh quá nhiều. Ngoài ra, Hà Nội hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch, nhất là các công ty lữ hành nhỏ và siêu nhỏ để có thể vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch.
Các đại biểu đều nhấn mạnh, Hà Nội cần tạo ta những sản phẩm du lịch mới, đặc trưng của Thủ đô, đồng thời phù hợp các đối tượng khách nội địa khác nhau.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đánh giá cao nỗ lực của ngành du lịch Hà Nội thời gian qua; chia sẻ những khó khăn mà ngành du lịch Thủ đô gặp phải trong năm 2020. Song, đồng chí cũng chỉ rõ, bên cạnh nguyên nhân khách quan, còn có những nguyên nhân chủ quan trong thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU thời gian qua. Dịch bệnh xảy ra làm bộc lộ rõ hơn những điểm yếu của du lịch Hà Nội như: Việc triển khai một số quy hoạch còn chậm, Hà Nội thiếu sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, chưa có giải pháp tăng chi tiêu của khách du lịch…
Đồng chí Bí thư Thành ủy nhấn mạnh: Ngành du lịch phải khẩn trương cho ra mắt những sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn; tổ chức hoặc đăng cai tổ chức những sự kiện văn hóa, thể thao, hội nghị, hội thảo, triển lãm tầm cỡ… trước hết để đáp ứng nhu cầu khách trong nước; đồng thời sẵn sàng cho việc đón khách quốc tế. Khi mở cửa đón khách quốc tế, Hà Nội phải có sẵn sản phẩm du lịch đẳng cấp. Đồng thời, ngành du lịch tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa các hoạt động du lịch; rà soát, tính toán lại các loại giá, phí tham quan cho hợp lý...
Đồng chí Vương Đình Huệ yêu cầu Sở Du lịch Hà Nội lập kế hoạch phục hồi du lịch năm 2021 trên tinh thần tập trung mọi nỗ lực để thu hút khách nội địa về với Hà Nội. Đồng chí đề nghị ngành du lịch Hà Nội phấn đấu đạt mức cao nhất là 70% lượng khách nội địa của năm 2019 trong mục tiêu năm 2021 của ngành (từ 50-70%).