Cần quyết liệt hơn nữa cho F0 cách ly tại nhà
Theo PGS, TS Nguyễn Việt Hùng, mặc dù Hà Nội đang có số ca nhiễm cao nhất cả nước liên tục 2 ngày qua và dự kiến còn tăng thêm, nhưng Hà Nội có nhiều thuận lợi trong công tác chống dịch so với TP Hồ Chí Minh cách đây nửa năm.
Đầu tiên đó là kinh nghiệm cách ly F0 tại nhà đã được nhiều tỉnh, thành phố triển khai. Do tỷ lệ bao phủ 2 mũi vaccine rất tốt, hiện tỷ lệ F0 chuyển nặng và tử vong tại Hà Nội thấp hơn nhiều so với TP Hồ Chí Minh và các địa phương khác.
Do đó, việc ghi nhận mỗi ngày khoảng vài ba nghìn ca F0 không đáng sợ. Ông Hùng cho rằng, vấn đề chính của Hà Nội có thể đối mặt với nguy cơ quá tải chính là việc thu dung, điều trị với trường hợp F0 nhẹ, không triệu chứng chưa được tổ chức bài bản, nhất quán.
Hiện Hà Nội có khoảng 70-80% trường hợp F0 nhẹ, không triệu chứng. Do đó, nếu được hỗ trợ tốt, hầu hết F0 hoàn toàn có thể tự cách ly, tự theo dõi, tự điều trị tại nhà. Nhưng thực tế, 70% F0 ở Hà Nội đang được đưa đi cách ly tập trung, tỷ lệ F0 cách ly điều trị tại nhà quá thấp.
“Tôi cho rằng, phải tổ chức sao cho hầu hết F0 nhẹ, không triệu chứng được cách ly tại nhà và khi đó các trạm y tế lưu động sẽ thực hiện chức năng quản lý, giám sát, theo dõi, hỗ trợ điều trị tại nhà và cấp cứu ban đầu những trường hợp chuyển nặng.
Hiện nay, Hà Nội đang đưa các trường hợp F0 này tới các trạm y tế lưu động tôi cho rằng chưa hợp lý vì thực tế những nơi thu dung này có điều kiện cách ly và nhân lực y tế thấp hơn bệnh viện dã chiến, không bảo đảm được các yêu cầu về một cơ sở cần cách ly, điều trị bệnh truyền nhiễm”.
Bên cạnh đó, ông Hùng cho rằng, lực lượng nhân viên y tế tại nơi thu dung này hầu hết là cán bộ y tế phường, xã không có kinh nghiệm điều trị Covid-19 lại phải làm việc quá tải, quá sức khi quản lý tập trung nhiều F0. Nếu Hà Nội không giải quyết bài toán này tốt, có thể gây ra tình trạng ùn tắc tại trạm y tế lưu động và gây lo lắng, bức xúc cho người dân.
Hà Nội cũng cần thay đổi chiến lược xét nghiệm. Khi người dân tự test nhanh, CDC hoặc y tế xã/phường có thể tiến hành test nhanh lại để nhanh chóng phân loại, quyết định sớm việc cách ly điều trị tại nhà hoặc đưa bệnh nhân đi điều trị nếu cần. Bộ Y tế đã có hướng dẫn rất cụ thể cho các địa phương về vấn đề này. Nếu vẫn duy trì phương án chờ kết quả rRT-PCR thì sẽ chậm trễ trong việc đánh số, cách ly điều trị F0.
Thời gian qua, nhiều người dân bức xúc vì khi gọi tới y tế cơ sở thông báo về các triệu chứng nghi nhiễm Covid-19 nhưng không được hướng dẫn cụ thể, phải chờ đợi kết quả xét nghiệm rRT-PCR quá lâu để được đưa đi điều trị.
“Về mặt tư tưởng, tôi cho rằng Hà Nội vẫn chưa quyết liệt rõ ràng việc cách ly tại nhà. Chúng ta phải rõ ràng những trường hợp nào đủ điều kiện có thể cách ly tại nhà, trường hợp nào nhà không bảo đảm điều kiện về cách ly hoặc người có bệnh lý nền, diễn biến nặng mới cần tới bệnh viện điều trị”, PGS Hùng bày tỏ.
Để triển khai việc này, ông Hùng cho rằng Hà Nội cần có chủ trương nhất quán để người dân ý thức được việc nếu điều trị tại nhà sẽ phải làm những việc gì và được hỗ trợ như thế nào. Chính quyền, ngành y tế cần tạo nhiều kênh thông tin để người dân có thể tiếp cận bất kỳ lúc nào thì người dân sẽ yên tâm.
Thiết lập mạng lưới bác sĩ hỗ trợ y tế từ xa
Trước nguy cơ F0 tăng nhanh trong thời gian tới lên 2.000-3.000 ca/ngày, khi F0 được điều trị tại nhà nhiều hơn, PGS, TS Nguyễn Việt Hùng cho rằng Hà Nội cần phải nhanh chóng thiết lập các mạng lưới hệ thống y tế tư vấn từ xa.
“Hà Nội phải phát huy sức dân, vai trò trách nhiệm của mỗi hộ gia đình trong tự cách ly, tự theo dõi điều trị. Trên nền tảng như vậy, Hà Nội cần tổ chức mạnh mẽ hơn hệ thống tư vấn từ xa với sự tham gia của các bác sĩ tình nguyện, bệnh viện tư nhân hỗ trợ người dân về mặt kỹ thuật. Khi tăng tỷ lệ cách ly tại nhà, Hà Nội cũng cần phải tăng vai trò của tổ Covid cộng đồng, có thể đi chợ, mua thuốc giúp dân”, ông Hùng nói.
TP Hồ Chí Minh đã thành công khi thiết lập nhiều mạng lưới với mỗi nhóm khoảng 15-30 chuyên gia thuộc nhiều chuyên ngành để hỗ trợ F0 điều trị, cách ly tại nhà không chỉ về bệnh Covid-19 mà còn các bệnh lý khác nhằm tránh quá tải hệ thống điều trị.
Hà Nội nên tổ chức mỗi quận một nhóm chuyên gia tư vấn sẽ rất tốt. Hà Nội cũng cần học TP Hồ Chí Minh thành lập trung tâm điều phối thuốc, đặc biệt là thuốc kháng virus. Trung bình mỗi ngày Hà Nội ghi nhận 1.600 ca nhiễm, nếu cứ loanh quanh với thủ tục hành chính sẽ chậm cấp phát thuốc cho người dân, giảm hiệu quả điều trị.
Tăng tốc tiêm vaccine nhắc lại, bổ sung; hạn chế tụ tập dịp nghỉ lễ
Dự đoán về diễn biến dịch tại Hà Nội, PGS, TS Nguyễn Việt Hùng cho rằng, Hà Nội có thể sẽ tăng nhanh số ca nhiễm mới nhưng không rơi vào tình trạng như TP Hồ Chí Minh thời gian trước. Tỷ lệ tử vong và chuyển nặng của Hà Nội thấp hơn nhiều so với TP Hồ Chí Minh. Hà Nội có lực lượng y bác sĩ và nhiều cơ sở khám chữa bệnh tuyến Trung ương lớn, nhiều kinh nghiệm trong chống dịch nên thuận lợi hơn.
Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến hết ngày 22/12, Hà Nội đang điều trị cho 16.590 nghìn trường hợp F0. Trong đó, số F0 nặng, nguy kịch phải điều trị ở tầng 3 khoảng 90 người tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương; 185 trường hợp tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 95 trường hợp tử vong, chiếm tỷ lệ khoảng 0,3%.
PGS Hùng cho rằng, dịp cuối năm là thời điểm có nhiều hoạt động lễ hội, tụ tập. Hà Nội cần xem xét áp dụng một số biện pháp tăng cường phòng, chống dịch như hạn chế các hoạt động tổ chức đông người trong nhà, hạn chế tổ chức lễ hội đầu xuân, đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát các tổ chức và người dân tuân thủ quy định 5K…
“Mặc dù Hà Nội có tỷ lệ tiêm chủng 2 mũi cơ bản cao nhưng vẫn còn một số người có nguy cơ như người tuổi cao hoặc mắc bệnh lý nền chưa tiêm. Một số người cao tuổi, ốm yếu, có bệnh nền, miễn dịch suy giảm nên tiêm liều tăng cường. Hà Nội cần nhanh chóng tiêm nhắc lại, liều bổ sung để tăng cường hơn nữa miễn dịch cho cộng đồng”, ông Hùng nói.