Hà Nội bán 600 biệt thự cũ, đấu giá hoặc đấu giá cho thuê biệt thự chuyên dùng

NDO -

Hà Nội đề xuất bán 600 biệt thự cũ thuộc danh mục được bán, thuộc sở hữu nhà nước; xây dựng phương án bán đấu giá hoặc đấu giá cho thuê từ 10 đến 15 năm; trả tiền 1 lần đối với 34 biệt thự chuyên dùng.

Quận Hoàn Kiếm tổ chức trưng bày, triển lãm xin ý kiến của các chuyên gia đối với phương án cải tạo biệt thự 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài. (Ảnh: Duy Phạm)
Quận Hoàn Kiếm tổ chức trưng bày, triển lãm xin ý kiến của các chuyên gia đối với phương án cải tạo biệt thự 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài. (Ảnh: Duy Phạm)

UBND TP Hà Nội vừa có quyết định ban hành Chuyên đề “Giải pháp đẩy mạnh công tác quản lý, sử dụng các biệt thự công được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021-2025”.

Năm 2013, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 7177/QĐ-UBND ngày 28/11/2013 về danh mục 1.565 biệt thự để quản lý theo Quyết định số 52/2013/QĐ-UBND ngày 28/11/2013 của UBND TP về việc ban hành Quy chế quản lý, sử dụng nhà biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954. 

1.565 biệt thự bao gồm: 1.253 biệt thự được xây dựng trước năm 1954 và 312 biệt thự là các trường hợp là nhà phố, nhà cổ, được xác định không thuộc đối tượng quản lý.

Sau khi rà soát, danh mục 1.216 biệt thự được phân loại về sở hữu, quản lý như sau: 367 biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước (trong đó, 177 biệt thự nhóm 1; 131 biệt thự nhóm 2; 59 biệt thự nhóm 3); 732 biệt thự thuộc sở hữu hỗn hợp (giữa Nhà nước với các hộ dân hoặc giữa các hộ dân với nhau); 117 biệt thự thuộc sở hữu tư nhân.

Thành phố cũng đưa ra hàng loạt giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, sử dụng các biệt thự công được xây dựng từ trước năm 1954.

Về nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách, chuyên đề đề xuất cần sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô với các nội dung về biệt thự cũ, nhà cổ và các công trình kiến trúc khác. Theo đó, cần hoàn thiện khung pháp lý về cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị; Hoàn thiện cơ chế hợp tác giữa nhà nước và tư nhân trong thực hiện công tác cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị; Khuyến khích cơ chế đối tác công tư trong thực hiện công tác cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị.

Thành phố sẽ điều phối và kiểm soát có hiệu quả việc sử dụng giá trị gia tăng từ địa tô, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân trong quá trình cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị; xây dựng và khuyến khích cơ chế thu gom và điều chỉnh đất đai để tái thiết đô thị, đặc biệt trong khu vực nội đô lịch sử. Nghiên cứu, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thống nhất về đất đai, tài sản tại khu vực nội đô lịch sử.

Thành phố được đấu thầu, cho thuê biệt thự cũ thuộc sở hữu nhà nước để kinh doanh du lịch, dịch vụ văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực; được đấu giá bán biệt thự cũ (trừ công trình có giá trị đặc biệt hoặc công trình có hiệu quả cao về cho thuê) gắn với cam kết về giữ gìn, tôn tạo, bảo trì công trình.

Để tạo lập nguồn vốn thực hiện cải tạo, chỉnh trang, tái thiết khu nội đô lịch sử đối với các công trình nhà cổ, biệt thự cũ, các công trình kiến trúc khác, thành phố tiếp tục bán 600 biệt thự cũ thuộc danh mục được bán, thuộc sở hữu nhà nước, đang bán dở dang, hiện do Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội quản lý cho thuê nhà ở cũ theo quy định.

Rà soát trong danh mục 207 biệt thự cũ thuộc sở hữu nhà nước thuộc danh mục biệt thự không được bán tại Đề án quản lý biệt thự để xác định chủ thể quản lý của các cơ quan, tổ chức Trung ương và thành phố đang quản lý, sử dụng hoặc thuê làm trụ sở, cơ sở sản xuất kinh doanh, để xử lý như sau: Xây dựng phương án bán đấu giá hoặc đấu giá cho thuê từ 10 đến 15 năm theo giá thị trường, trả tiền 1 lần đối với 34 biệt thự chuyên dùng do Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội đang quản lý một phần hoặc toàn bộ biệt thự.

Nghiên cứu điều chỉnh Danh mục biệt thự không được bán tại Đề án quản lý biệt thự, rà soát 105 biệt thự cũ thuộc sở hữu nhà nước do thành phố quản lý, hiện đang sử dụng đan xen trụ sở cơ quan và nhà ở của các hộ dân, để xây dựng phương án di chuyển cơ quan, tổ chức, sau đó, tổ chức bán đấu giá hoặc đấu giá cho thuê từ 10 đến 15 năm theo giá thị trường, trả tiền 1 lần…

Hà Nội cũng sẽ ban hành cơ chế hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia cải tạo, chỉnh trang, tái thiết nhà cổ, biệt thự cũ, các công trình kiến trúc khác có giá trị trong khu vực nội đô lịch sử...

Hà Nội đặt mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025 sẽ thực hiện bảo tồn, chỉnh trang 60 biệt thự, công trình kiến trúc do thành phố và Trung ương quản lý.

Hà Nội sẽ hoàn thiện và trưng bày, công bố quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, thiết kế mẫu nhà cổ, biệt thự cũ, các công trình kiến trúc khác có giá trị trong khu vực nội đô lịch sử, các quận nội thành để mọi tổ chức, cá nhân được biết và tham gia phản biện, thực hiện...