Năm 2024, Ban An toàn giao thông tỉnh, các sở, ngành, địa phương và các đoàn thể, tổ chức chính trị, xã hội tỉnh Hà Nam đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông theo chủ đề năm 2024 “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn”; công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn cơ bản đạt được các mục tiêu yêu cầu đề ra.
Năm 2024, số người bị thương vì tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh giảm so với cùng kỳ năm 2023; không xảy ra tai nạn giao thông đường thủy; không xảy ra các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng; không để ùn tắc giao thông kéo dài.
Tuy nhiên, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Hà Nam vẫn còn một số hạn chế, có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Năm 2024, tai nạn giao thông trên địa bàn tăng 2 tiêu chí về số vụ, số người chết so với năm 2023. Vi phạm các quy định về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, vi phạm đấu nối, lấn chiếm lòng lề đường, vi phạm hành lang an toàn giao thông chưa được phát hiện, xử lý kịp thời…
Nguyên nhân chủ yếu là do ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông và kỹ năng tham gia giao thông an toàn của một bộ phận người tham gia giao thông còn hạn chế; công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật an toàn giao thông chưa thật sự được đổi mới, chưa thường xuyên, chưa phù hợp với từng đối tượng, cơ sở hạ tầng giao thông đầu tư xây dựng chưa đồng bộ, chưa đáp ứng kịp với tốc độ phát triển của xã hội.
Sự phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông giữa các cơ quan, lực lượng chức năng có thời điểm chưa thường xuyên, chặt chẽ; cấp ủy, chính quyền một số địa phương có thời điểm chưa quan tâm đúng mức, thiếu quyết liệt trong chỉ đạo công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông...
Để đạt được mục tiêu thiết lập trật tự, kỷ cương trong chấp hành pháp luật về giao thông của người tham gia giao thông và lực lượng thực thi pháp luật về giao thông, nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật và xây dựng văn hóa giao thông an toàn. Phấn đấu kiềm chế, giảm tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương) so với năm 2024, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Trần Xuân Dưỡng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam đề nghị: các sở, ban ngành, tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể, Ban An toàn giao thông các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong tình hình mới. Triển khai quyết liệt đồng bộ các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông; triển khai thực hiện Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ năm 2024.
Đồng chí Trần Xuân Dưỡng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam phát biểu tại hội nghị. |
Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông, kỹ năng tham gia giao thông an toàn để nâng cao ý thức tự giác của người tham gia giao thông; xây dựng văn hóa giao thông gắn với vai trò nêu gương của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; duy trì, phát triển đa dạng các phong trào quần chúng, mô hình tự quản bảo đảm trật tự an toàn giao thông phù hợp, thiết thực, hiệu quả, xây dựng nếp sống văn hóa giao thông trong cộng đồng dân cư.
Công an tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch kiềm chế và giảm tai nạn giao thông trên địa bàn. Mở đợt cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự xã hội trong dịp nghỉ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Ất Tỵ, Lễ hội xuân 2025 và các ngày lễ, sự kiện của đất nước, của tỉnh trong năm 2025; tập trung xử lý các chuyên đề là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông, xử lý kiên quyết, đúng quy định pháp luật.