Hà Nam quan tâm mở rộng đường giao thông nông thôn

NDO - Xác định việc mở rộng đường giao thông nông thôn sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế trong vùng tăng trưởng và cải thiện đời sống nhân dân. Những năm qua, các địa phương trong tỉnh Hà Nam đã tiến hành rà soát các tuyến đường huyện, đường xã và đường thôn, xóm để tiếp tục nâng cấp, mở rộng hướng tới hoàn thiện hạ tầng hệ thống kết nối đường giao thông nông thôn, đạt chuẩn mặt đường từ 5,5m trở lên.
0:00 / 0:00
0:00
Đường nông thôn mới xã Thanh Phong, huyện Thanh Liêm.
Đường nông thôn mới xã Thanh Phong, huyện Thanh Liêm.

Lý Nhân là huyện có hệ thống đường giao thông nông thôn lớn nhất tỉnh Hà Nam. Trước đây, nhiều tuyến đường trục xã, đường thôn xóm của huyện có mặt cắt bê-tông 2 đến 3m khi hai ô-tô đi ngược chiều không tránh được nhau.

Xét thấy về lâu dài, khi chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên, nhu cầu sử dụng ô-tô ngày càng nhiều, việc mở rộng mặt đường 5,5m trở lên là rất phù hợp.

Ông Nguyễn Đức Nhương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Lý Nhân cho rằng: Quan điểm của huyện Lý Nhân khi nâng cấp các tuyến đường huyện, đường trục xã, kể cả đường thôn xóm là chỉ đạo các xã, thị trấn vận động bà con tự nguyện hiến đất mở rộng đường, phấn đấu mở rộng mặt cắt từ 5,5m trở lên, để tạo điều kiện cho nhân dân đi lại được thuận tiện, an toàn và bảo đảm được các tiêu chí của huyện nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu của huyện, của tỉnh.

Hà Nam quan tâm mở rộng đường giao thông nông thôn ảnh 1

Các tuyến đường liên xã tại xã Xuân Khê huyện Lý Nhân được mở rộng.

Hiện các dự án thi công nâng cấp các tuyến đường huyện, đường trục xã ở Lý Nhân đều có mặt cắt từ 5,5m trở lên. Vừa qua, huyện đã rà soát tất cả các tuyến đường trục xã, đường thôn xóm, nếu tuyến nào xuống cấp, xã sẽ xây dựng kế hoạch đầu tư mở rộng, bảo đảm đường trục xã rộng từ 5,5m trở lên.

Huyện Kim Bảng cũng chỉ đạo các xã, thị trấn khi nâng cấp đường trục xã, đường thôn xóm, đường trong các khu dân cư đấu giá quyền sử dụng đất có mặt cắt từ 5,5m trở lên, trong đó mặt đường rải nhựa asphalt để hướng tới lên phường.

Ngoài việc mở rộng các tuyến đường, Kim Bảng còn chỉ đạo các địa phương xây dựng hệ thống cống thoát nước, hệ thống đèn chiếu sáng công cộng, bảo đảm theo hướng phát triển đường đô thị.

Đối với các địa phương đã xây dựng đường cống thoát nước ở đường trục xã, đường thôn xóm phải tính đến điểm xử lý thu gom nước thải tập trung. Tránh tình trạng nước thải đổ thẳng ra mương máng, sông, ngòi… không được xử lý gây ô nhiễm môi trường.

Những năm qua, Hà Nam được đánh là một trong những tỉnh dẫn đầu ở khu vực đồng bằng sông Hồng có hạ tầng giao thông nông thôn tương đối hoàn thiện.

Những năm qua, Hà Nam được đánh là một trong những tỉnh dẫn đầu ở khu vực đồng bằng sông Hồng có hạ tầng giao thông nông thôn tương đối hoàn thiện. Nhất là khi thực hiện xây dựng nông thôn mới, 100% các thôn, xóm trong tỉnh thực hiện đúng theo quy hoạch đường giao thông nông thôn đã được duyệt theo quy hoạch, bảo đảm được các tiêu chí của nông thôn mới và đáp ứng được yêu cầu đi lại của nhân dân được thuận tiện.

Đến nay, 100% tuyến đường liên huyện, liên xã, liên thôn và đường trục chính nội đồng trên địa bàn tỉnh Hà Nam được đầu tư nâng cấp đồng bộ. Ước tính, trong khoảng hơn 10 năm qua, nguồn vốn của cả tỉnh Hà Nam đầu tư xây dựng và mở rộng tuyến đường giao thông nông thôn lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Trong đó, các tuyến đường huyện, đường trục xã chủ yếu dựa vào vốn đầu tư từ ngân sách; đường thôn xóm huy động nhân dân đóng góp và Nhà nước hỗ trợ một phần.

Ông Trần Xuân Dưỡng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam cho biết: Với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, quá trình làm và mở rộng đường giao thông nông thôn, tại các thôn, xóm ở Hà Nam được thực hiện tốt theo Quy chế dân chủ ở cơ sở.

Trong đó phát huy tốt trách nhiệm của nhân dân; các cấp chính quyền hướng dẫn quy trình kỹ thuật đầu tư xây dựng. Khi triển khai xây dựng công trình đường làng, ngõ xóm được các thôn xóm tổ chức họp bàn, thống nhất, dân chủ công khai về quy mô dự án, thời gian tổ chức thực hiện, chi phí đầu tư. Công tác hỗ trợ tiếp nhận, quản lý, sử dụng nguồn xi-măng hỗ trợ của Nhà nước ở hầu hết các xã, thị trấn bảo đảm đúng mục đích, không thất thoát, có sự giám sát chặt chẽ của nhân dân.

Nhằm xây dựng nông thôn kiểu mẫu và phục vụ kịp thời nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương, các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Hà Nam đang rà soát hệ thống đường giao thông từ huyện đến đường thôn, xóm để tiếp tục đầu tư nâng cấp các tuyến còn lại, hướng tới hoàn thiện đổ bê-tông, rải nhựa mở rộng mặt đường từ 5,5m trở lên, phục vụ nhân dân đi lại thuận tiện.

Hiện nhiều địa phương của tỉnh Hà Nam đã quy hoạch các tuyến đường giao thông nông thôn rộng từ 7m trở lên, nhất là các khu dân cư đấu giá quyền sử dụng đất ở, có vỉa hè và thống cống thu gom nước thải, bảo đảm kết nối với hệ thống kênh mương trong khu vực, hướng tới thuận tiện thực hiện các biện pháp xử lý, không gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư.