Tuyên Quang thúc đẩy xây dựng cầu giao thông nông thôn

Năm 2020, Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang ban hành Nghị quyết số 55/NQ-HĐND thông qua đề án bê-tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn, giai đoạn 2021-2025. Đề án nhằm tăng cường kết nối hệ thống giao thông nông thôn vùng sâu, vùng xa, giúp người dân đi lại thuận tiện, an toàn trong mùa mưa lũ và thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế.
0:00 / 0:00
0:00
Cầu Bảy Hào, thôn Lẹm, xã Kháng Nhật (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang), một trong những cầu nông thôn đã được đưa vào hoạt động.
Cầu Bảy Hào, thôn Lẹm, xã Kháng Nhật (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang), một trong những cầu nông thôn đã được đưa vào hoạt động.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Việt Lâm cho biết, giai đoạn 2010-2020, tỉnh Tuyên Quang làm được 2.900 km đường giao thông thôn, bản và đường nội đồng theo phương thức tỉnh hỗ trợ xi-măng, ống cống và chi phí quản lý; người dân hiến đất, góp cát sỏi và công lao động. Giai đoạn 2021-2025, tỉnh đặt ra mục tiêu làm 1.080 km đường bê-tông nông thôn và nội đồng.

Phấn đấu đến hết năm 2025, tất cả các thôn của tỉnh có đường ô-tô tới trung tâm (đến thời điểm này Tuyên Quang chỉ còn một thôn chưa có đường ô-tô tới trung tâm); 85% đường thôn và hơn 65% đường nội đồng được “cứng” hóa. Tuy nhiên một “nút thắt” là đường nông thôn đã có nhưng giao thông chưa thuận tiện vì trở ngại của suối, ngòi khiến việc sản xuất, vận chuyển hàng hóa của người dân gặp rất nhiều khó khăn.

Ngày 20/11/2020, Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang ban hành Nghị quyết số 55, đặt ra mục tiêu đến năm 2025 xây dựng ít nhất 200 cây cầu nông thôn, nhằm tăng cường kết nối hệ thống giao thông nông thôn vùng sâu, vùng xa. Từng bước xóa bỏ các điểm cách trở do suối, ngòi giúp người dân đi lại thuận tiện, an toàn trong mùa mưa lũ và thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế. Qua hơn hai năm, đến nay tỉnh đã xây dựng được 116 cây cầu mang lại diện mạo mới, cuộc sống mới cho nhiều nơi vùng khó khăn.

Năm 2022, thị trấn Lăng Can, huyện Lâm Bình được đầu tư hai cây cầu qua suối. Hiện cây cầu Nặm Đíp đã hoàn thành với sự ủng hộ, hiến đất của hai hộ dân, trong đó ông Nguyễn Văn Đư, thôn Nặm Đíp hiến 300 m2 và anh Nguyễn Văn Hình cùng thôn, hiến 150 m2 đất. Ông Đư chia sẻ: Tỉnh đã quan tâm chăm lo cuộc sống và sản xuất thì mình cùng đóng góp để mang lại lợi ích cho gia đình mình và người dân trong thôn.

Cây cầu Nà Khan, xã Hồng Quang (Lâm Bình) được hoàn thành cũng từ những suy nghĩ vì cộng đồng của người dân nơi đây. Xã vùng cao nên đất sản xuất ít, nhưng khi có chủ trương làm cầu qua suối, bảy hộ gia đình có đất nơi dự kiến làm cầu đã vận động nhau cùng hiến 3.000 m2 đất. Ông Dương Minh Hà, thôn Lẹm, xã Kháng Nhật phấn khởi cho biết: Nhiều năm qua, hàng trăm hộ dân thôn Lẹm bị chia cắt thường xuyên khi mưa lớn bởi nước suối dâng cao chảy xiết, người dân mong mỏi có một cây cầu qua suối để đi lại an toàn hơn trong mùa mưa bão. Mong ước đã thành hiện thực, giờ có cầu đi lại thuận tiện ai cũng mừng, nhất là các cháu đi học không phải lo mỗi khi mưa lũ. Riêng gia đình tôi hiến hơn 200 m2 đất và tự chặt bỏ 150 cây keo để lấy đất làm cầu, vì lợi ích chung.

Ông Trần Đình Hạnh, Chủ tịch UBND xã Kháng Nhật, huyện Sơn Dương cho biết: Việc xây dựng cầu Bảy Hào đáp ứng mong mỏi của người dân nhiều năm qua, vì thế việc giải phóng mặt bằng được người dân đồng thuận rất cao.

Tổng kinh phí đầu tư cho chương trình bê-tông hóa và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn trong hai năm (2021-2022) đạt 402,495 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 171,361 tỷ đồng; và hiến hơn 94.043 m2 đất để làm đường, cầu. Đã có nhiều điển hình trong phong trào hiến đất làm đường bê-tông nông thôn, cầu trên đường giao thông nông thôn như hộ gia đình ông Nguyễn Minh Hùng, thôn Tân Tiến, xã Chiêu Yên, huyện Yên Sơn hiến 1.071 m2 đất và hơn 103 triệu đồng làm đường; hộ gia đình ông Nguyễn Văn Long, thôn Trục Trì, xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa hiến 1.000 m2 đất; hộ gia đình Nguyễn Văn Khuynh, thôn Hưng Long, xã Thành Long, huyện Hàm Yên hiến 875 m2 đất làm cầu…

Cầu trên đường giao thông nông thôn đã tạo một diện mạo mới về hạ tầng giao thông Tuyên Quang. Từ chỗ toàn tỉnh chỉ có 59,45% số đường giao thông nông thôn được nhựa hóa, bê-tông hóa và cấp phối, 40,55% là đường đất, đến hết năm 2022, hơn 68,02% các tuyến đường nông thôn trên địa bàn tỉnh đã được bê-tông hóa; vượt tiến độ một năm so với mục tiêu của Nghị quyết và đạt hơn 44% kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025.