Hà Nam nâng cao tiêu chí thu nhập cho người dân

Hà Nam là địa phương đứng thứ tư trong cả nước hoàn thành sớm Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Xác định xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu mà không có điểm kết thúc, cho nên ngay sau khi đạt chuẩn tỉnh nông thôn mới, Hà Nam đã chỉ đạo các địa phương tiếp tục quan tâm nâng cao thu nhập cho người dân thông qua việc thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, làng nghề, thương mại-dịch vụ, du lịch…
0:00 / 0:00
0:00
Đường giao thông ở xã Xuân Khên, huyện Lý Nhân.
Đường giao thông ở xã Xuân Khên, huyện Lý Nhân.

Tiêu chí thu nhập luôn được tỉnh Hà Nam xác định là tiêu chí hết sức quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, đây cũng là tiêu chí giữ vai trò quan trọng, thúc đẩy việc duy trì, nâng cao chất lượng các chỉ tiêu, tiêu chí còn lại. Chính vì vậy, để nâng cao thu nhập cho người dân, những năm qua, tỉnh Hà Nam đã tập trung chỉ đạo và triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người dân, trong đó chú trọng xây dựng các mô hình nông nghiệp hiệu quả cao; đồng thời đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, ngành nghề nông thôn.

Trong sản xuất nông nghiệp, tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương tập trung ruộng đất nông nghiệp; áp dụng cơ giới hóa; xây dựng, phát triển các mô hình, đề án sản xuất ứng dụng công nghệ cao, mô hình sản xuất cây ăn quả an toàn trên vùng chuyển đổi đất lúa; phát triển chăn nuôi theo hướng nâng cao chất lượng gắn với bảo vệ môi trường; tăng cường công tác phòng chống dịch cho đàn gia súc, gia cầm… Các địa phương trong tỉnh đã triển khai các đề án, mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả, từ đó góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, năm 2022, thu nhập bình quân đầu người trong tỉnh đạt 53,7 triệu đồng/người/năm.

Đối với lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, Hà Nam đặc biệt quan tâm, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động. Tỉnh tăng cường quản lý nhà nước gắn với nâng cao chất lượng hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ tại các khu, cụm công nghiệp; phối hợp thực hiện tốt công tác quản lý, hỗ trợ phát triển các khu công nghiệp; duy trì, phát triển các làng nghề; làm tốt công tác giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm để phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch…

Trao đổi về giải pháp nâng cao chất lượng tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới, ông Nguyễn Đức Vương, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam cho biết: Tỉnh xác định việc nâng cao tiêu chí thu nhập cho người dân luôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong xây dựng nông thôn mới.

Thời gian tới, Hà Nam tiếp tục rà soát, đánh giá mức độ đạt chuẩn các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo quy định để tập trung dồn lực cho việc duy trì, nâng cao chất lượng và hoàn thiện các tiêu chí, kể cả tiêu chí đã đạt nhưng còn thấp hoặc chưa bền vững. Tỉnh tập trung huy động, lồng ghép, quản lý hiệu quả các nguồn vốn để đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của người dân trong thực hiện tiêu chí nông thôn mới nâng cao…

Cùng với đó, các địa phương tiếp tục triển khai các đề án, mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả; thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng và nuôi trồng thủy sản trên đất trồng lúa; mô hình cánh đồng mẫu; mô hình phát triển rau, củ quả sạch liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ; mô hình chăn nuôi có hiệu quả... góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, các địa phương trong tỉnh đã có những giải pháp thiết thực, cũng như lồng ghép các chương trình, dự án, đề án để hỗ trợ phát triển sản xuất kinh tế hộ, nhân rộng mô hình giảm nghèo, cùng với đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao năng lực cho các hộ nghèo, cận nghèo… góp phần giảm nghèo bền vững.

Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho nông dân; đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Hà Nam phấn đấu đến năm 2025, có ít nhất 35 xã đạt nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, có ít nhất một huyện đạt nông thôn mới nâng cao.