Hà Nam chuyển đổi số theo hướng hiện đại, thiết thực

Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và sự tham gia hưởng ứng của toàn dân, công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Hà Nam thời gian qua đã đạt những kết quả tích cực. Nhận thức của lãnh đạo, cán bộ, công chức, người dân về chuyển đổi số đã được nâng lên rõ rệt. Hạ tầng số được đầu tư và triển khai ứng dụng, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành được triển khai xây dựng, kết nối, chia sẻ đã mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân và doanh nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Kiểm tra công tác thực hiện thủ tục hành chính tại phường Hai Bà Trưng, thành phố Phủ Lý.
Kiểm tra công tác thực hiện thủ tục hành chính tại phường Hai Bà Trưng, thành phố Phủ Lý.

Theo số liệu từ Ban chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Hà Nam, đến nay, 100% các sở, ngành, huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh đều có mạng cục bộ và kết nối internet. Tỷ lệ trung bình máy tính/cán bộ công chức từ cấp huyện trở lên đạt 100%, cấp xã 85%. Đã triển khai kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp II cho 138 cơ quan, đơn vị (các sở, ban, ngành, ủy ban nhân dân cấp huyện và ủy ban nhân dân cấp xã) để triển khai các dịch vụ, các nền tảng số phục vụ việc quản lý, điều hành chung của tỉnh để bảo đảm an toàn thông tin.

100% các xã, phường, thị trấn đều có đường truyền cáp quang, internet cung cấp đến tận thôn, tổ dân phố. 95% số dân được phủ sóng thông tin di động 3G, 4G... Toàn tỉnh đã trang bị phòng họp trực tuyến từ Ủy ban nhân dân tỉnh với ủy ban nhân dân cấp huyện; ủy ban nhân dân cấp xã với ủy ban nhân dân cấp huyện (tổng số 116 điểm cầu), có kết nối với Chính phủ. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến hoạt động thường xuyên từ Trung ương đến tỉnh, từ huyện đến xã, mang lại hiệu quả cao trong công tác chỉ đạo, điều hành và tiết kiệm thời gian, chi phí.

Tỷ lệ xử lý văn bản, hồ sơ công việc, ký số văn bản điện tử trong việc gửi, nhận trên môi trường mạng được đẩy mạnh. Các thông tin thiết yếu, quan trọng của người dân được tích hợp trên ứng dụng định danh điện tử, từng bước thay thế giấy tờ trong một số giao dịch, đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Hà Nam cung cấp tất cả các dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến toàn trình; cập nhật đầy đủ các thủ tục hành chính của tỉnh; công khai toàn bộ quy trình giải quyết, kết quả giải quyết. Trong tổng số hơn 1.700 bộ thủ tục hành chính cung cấp trên hệ thống, có 1.149 dịch vụ trực tuyến toàn trình; 482 dịch vụ công trực tuyến một phần.

Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến đạt 78,9%; tăng 12,2% so với năm 2022. Tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến đạt 67,9%; tăng 35% so với năm 2022. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Hà Nam đã được các cấp chính quyền quan tâm thúc đẩy sử dụng; tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính. Do đó kết quả thực hiện Bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công, Hà Nam luôn nằm trong tốp 10 tỉnh có chỉ số cao.

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số ở Hà Nam vẫn còn một số những hạn chế cần sớm khắc phục. Ở cấp xã, việc thực hiện số hóa hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến còn nhiều hạn chế; các nền tảng số phục vụ giáo dục, đào tạo, chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội còn thiếu. Nhiều cơ sở dữ liệu triển khai còn chậm. Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan, đơn vị còn nhiều hạn chế, vướng mắc, chưa hiệu quả; dữ liệu kết nối, chia sẻ còn ít; các cơ quan, đơn vị chưa thường xuyên khai thác; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến thực tế trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính còn ít...

Để tạo chuyển biến mạnh mẽ trong chuyển đổi số, hoàn thành các chỉ tiêu về chuyển đổi số của tỉnh Hà Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đồng chí Nguyễn Đức Vượng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam cho biết: Tỉnh Hà Nam xác định tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng hiện đại, thiết thực với bốn trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững.

Trên cơ sở các nhiệm vụ, chỉ tiêu được phân công trong Kế hoạch Chuyển đổi số tỉnh Hà Nam năm 2024, Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số tỉnh Hà Nam năm 2024, các cơ quan, đơn vị cập nhật, bổ sung vào Kế hoạch chuyển đổi số của cơ quan, đơn vị mình để tổ chức triển khai, thực hiện bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu theo quy định. Việc xây dựng kế hoạch phải rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ lộ trình gắn với bố trí nguồn lực phù hợp.

Đồng thời, tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chuyển đổi số cộng đồng; tập trung phát triển kinh tế số; quan tâm đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng an toàn thông tin, phân tích và xử lý dữ liệu số cho cán bộ, công chức các cấp...

Cùng với đó, đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông mạnh mẽ về chuyển đổi số; phát huy vai trò của người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân triển khai hiệu quả công tác chuyển đổi số theo phương châm “Toàn dân, toàn diện”.