Để đạt hiệu quả kinh tế cao, tỉnh đã quy hoạch khu nuôi trồng thủy sản tập trung; hướng dẫn người dân áp dụng thâm canh và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, đồng thời, xây dựng chuỗi giá trị, từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Thực hiện Kế hoạch 1876/KH-UBND tỉnh Hà Nam ngày 28/6/2019, về chuyển đổi từ trồng lúa sang nuôi trồng thủy sản tại các vùng đã được quy hoạch, lũy kế hết năm 2022, toàn tỉnh thực hiện chuyển đổi được 670,98ha đất lúa sang nuôi trồng thủy sản với hình thức sản xuất chủ yếu là xen canh cá-lúa hoặc cá-sen.
Với hình thức sản xuất này, năng suất cá đạt 5-7 tấn/ha/năm, tổng giá trị sản phẩm đạt khoảng 200-240 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 3-4 lần so với trồng lúa, đồng thời chi phí sản xuất giảm do tận dụng lúa chết làm thức ăn nuôi cá và giảm phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, góp phần bảo vệ môi trường.
Phát triển bền vững theo chuỗi giá trị
Tỉnh đã xây dựng 20 mô hình nuôi cá "sông trong ao" với 56 bể nuôi, tổng diện tích mặt nước 41,14ha, năng suất bình quân đạt khoảng 12 tấn/bể nuôi (khoảng 24 tấn/ha/vụ nuôi), tổng sản lượng ước đạt 1.000 tấn/năm.
Sản phẩm tạo ra có chất lượng cao, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; bước đầu hình thành chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm thủy sản nuôi trồng.
Mô hình sản xuất tại Hợp tác xã Thủy sản sông trong ao Hải Đăng, xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng là một trong những mô hình tiên phong của tỉnh hình thành chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm thủy sản tại cửa hàng, siêu thị đạt hiệu quả kinh tế cao.
Có tổng diện tích 6,5ha, với tám bể nuôi, sản lượng nuôi khoảng 100 tấn/năm đã được cấp chứng nhận VietGAP và được công nhận sản phẩm OCOP, với các loại cá trắm cỏ, cá rô phi.
Cùng với nuôi cá theo công nghệ "sông trong ao", hợp tác xã đã đi sâu vào khâu chế biến, phân phối tiêu thụ sản phẩm. Với sản lượng cá 15 tấn/bể/lứa (thời gian nuôi sáu tháng), hợp tác xã đầu tư xây dựng khu chế biến đạt tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, nhà lạnh bảo quản sản phẩm...
Khoảng 60-70% lượng cá thu hoạch được hợp tác xã đưa vào chế biến các sản phẩm, như: Ruốc cá, chả cá và cá kho. Hợp tác xã cũng bảo đảm khâu đưa các sản phẩm chế biến vào hệ thống siêu thị, cửa hàng bán nông sản sạch trong và ngoài tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Hợp tác xã Thủy sản sông trong ao Hải Đăng chia sẻ: Từ việc tham gia sản xuất theo chuỗi giá trị, so với trước đây, giá trị sản phẩm thủy sản của hợp tác xã tăng hơn 20% so với xuất bán thô, nhỏ lẻ, giá bán luôn ổn định, rất ít bị tác động lên, xuống của thị trường.
Nghề nuôi cá lồng trên sông Hồng trên địa bàn huyện Lý Nhân và thị xã Duy Tiên tiếp tục được duy trì ổn định với 590 lồng nuôi. Năng suất đạt từ 2 đến 4 tấn/lồng đối với cá lăng đen, cá trắm, chép nuôi giòn, 5-7 tấn/lồng đối với cá rô phi, diêu hồng, trắm cỏ, tương đương với 1ha ao nuôi nội đồng.
Các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị đã cho thấy cách làm phù hợp, hiệu quả, mở ra hướng đi giúp thúc đẩy nuôi trồng thủy sản trên địa bàn phát triển và hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung.
Tiêu biểu như mô hình nuôi thủy sản thâm canh và ứng dụng công nghệ cao của Công ty cổ phần Nông nghiệp Nam Sông Hồng, xã Trần Hưng Đạo (Lý Nhân) đang phát huy hiệu quả.
Trên diện tích mặt nước nuôi trồng rộng 15ha, hơn 10ha đầm được dành nuôi cá bằng biện pháp thâm canh, chủ yếu cá trắm đen, diện tích còn lại được đầu tư xây dựng bể nuôi theo công nghệ "sông trong ao" chuyên sản xuất cá diêu hồng. Riêng với cá trắm đen chủ lực hằng năm cung cấp cho thị trường cá kho Hòa Hậu khoảng 20%.
Mở rộng các vùng sản xuất tập trung
Tỉnh Hà Nam có bảy khu nuôi trồng thủy sản tập trung với tổng diện tích hơn 650ha, hình thức nuôi thâm canh, bán thâm canh các đối tượng cá truyền thống cho năng suất 7-10 tấn/ha/vụ nuôi, cao gấp 1,5-2 lần năng suất bình quân toàn tỉnh.
Nhằm giúp bà con canh tác hiệu quả trên diện tích này, ngành nông nghiệp tỉnh Hà Nam đã hướng dẫn người dân áp dụng phương pháp làm ao nổi, đắp bờ cao, vừa không phá vỡ mặt bằng ruộng, vừa có thể gieo lúa trên ruộng, sau đó đưa cá lên khai thác nguồn thức ăn từ cây lúa. Hiệu quả của diện tích chuyển đổi đem lại cao gấp 3-4 lần cấy lúa trước đây.
Một số con nuôi đặc sản được người dân đưa vào nuôi thâm canh, chuyên canh như cá trắm đen, cá chuối, ốc nhồi, tôm càng xanh,... góp phần đa dạng hóa, nâng cao giá trị vật nuôi.
Tiêu biểu như tại xã Yên Nam (thị xã Duy Tiên) đã hình thành vùng chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản tập trung có diện tích 40ha, với 13 hộ tham gia.
Để cải tạo gọn vùng, gọn thửa thuận tiện cho nuôi trồng thủy sản, các hộ đã quy hoạch, đắp lại bờ vùng, bờ thửa, đưa nước vào nuôi thủy sản.
Các hộ nuôi thủy sản đã thành lập hợp tác xã chuyên ngành, có sự liên kết, hỗ trợ giữa các thành viên trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, cũng như hỗ trợ về kỹ thuật chăm sóc, phòng trị bệnh cho cá.
Chỉ tính riêng năng suất cá ở những diện tích nuôi thâm canh, chuyên canh hiện nay, tỉnh Hà Nam đạt bình quân khoảng 10 tấn/ha/năm, tăng gấp hai lần trước đây, nhiều diện tích nuôi thâm canh cao đạt từ 18-20 tấn cá/ha/năm.
Tuy nhiên, để khai thác hết tiềm năng diện tích mặt nước hiện có, tỉnh Hà Nam cần khắc phục một số khó khăn: Đó là điều kiện nguồn nước ở nhiều vùng còn chưa bảo đảm, do phần lớn diện tích nuôi thủy sản trong khu vực nội đồng, nước cung cấp cho các ao nuôi phụ thuộc vào hệ thống kênh mương phục vụ trồng trọt, chủ yếu là hai vụ lúa.
Vì thế, nước trong các ao nuôi thường thiếu vào mùa khô. Còn nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản vẫn theo hình thức quảng canh và tận dụng.
Một số diện tích, người dân kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm số lượng lớn, dẫn đến khó kiểm soát môi trường, dịch bệnh và chất lượng sản phẩm. Giá vật tư đầu vào, đặc biệt là thức ăn thủy sản tăng cao.
Chỉ tính từ đầu năm 2022 đến nay, thức ăn cho thủy sản đã tăng 4 lần, trong khi giá bán ra của sản phẩm thủy sản không ổn định và chưa tương xứng với chi phí đầu vào...
Phần lớn các mô hình nuôi trồng thủy sản được triển khai trên quỹ đất công ích, đất sản xuất đa canh có thời gian thuê ngắn. Vì thế, các hộ không được đầu tư thay đổi mặt bằng dẫn đến khó áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật…
Để nuôi trồng thủy sản phát huy thế mạnh, hiệu quả, hình thành vùng sản xuất lớn theo hướng hàng hóa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam Ngô Mạnh Ngọc cho biết: Ngành nông nghiệp tiếp tục tham mưu cho tỉnh triển khai có hiệu quả các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung theo chuỗi giá trị, chế biến sâu; hướng dẫn người nuôi kỹ thuật và lựa chọn các loại thủy sản có giá trị kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng. Đồng thời, tăng cường ứng dụng khoa học-kỹ thuật, đưa công nghệ mới vào sản xuất giúp nâng cao năng suất, chất lượng; khuyến khích thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác chuyên ngành thủy sản, tạo sự liên kết trong sản xuất và chế biến sâu đáp ứng nhu cầu thị trường.