GS Trần Văn Khê: Cồng chiêng Tây Nguyên xứng đáng là kiệt tác nhân loại

Cồng chiêng luôn là linh hồn của các lễ hội Tây Nguyên.
Cồng chiêng luôn là linh hồn của các lễ hội Tây Nguyên.

* Được biết trường hợp người Việt Nam đứng ra thuyết minh cho hồ sơ của chính nước mình là rất hiếm, thưa GS?

Đây là trường hợp hết sức đặc biệt. Theo luật, hồ sơ nước nào đưa thì chuyên gia nước đó không được quyền lên tiếng. Nhưng trường hợp này người nước khác không ai dám nhận, bởi không biết cồng chiêng là gì.

Biết tôi trong Hội đồng Quốc tế Âm nhạc UNESCO, họ mời. Tôi nói tôi biết điều lệ, tôi không muốn làm, thì họ cho coi một điều lệ khác: Nếu trên thế giới không ai nhận thì phải nhờ tới chuyên gia Việt Nam, mà trước hết là chuyên gia Việt Nam ở ngoài. Tôi mới gửi thư nói thật với họ, bây giờ tôi về làm người trong nước. Họ trả lời, mỗi lần ông tham gia đánh giá di sản nước khác, đều thấy có sự công tâm. Và mới về Việt Nam một năm chứ mấy, còn ba chục năm làm cho Hội đồng Quốc tế Âm nhạc ở Pháp, thì kể như là bên đây...

* Hồ sơ cồng chiêng đặc biệt ở chỗ nào, đến nỗi không nhà nghiên cứu nào trên thế giới dám đứng ra thẩm định?

Cồng chiêng hồi nào tới giờ chỉ có một người biết qua là Condominas, với tư cách nhà Dân tộc học. Condominas không dám nhận vì cái này vừa là không gian văn hóa, mà trong đó có phân tách rành rẽ về mặt âm nhạc, có cả tổng phổ mà ông ấy không đọc được.

Có một nhà vừa Dân tộc học vừa Nhạc học là ông Jacques Dournes, nhưng ông ấy đã mất rồi. Những người khác biết sơ qua về văn hóa đồng thau, cả Đông-Nam Á nhưng chi tiết họ cũng không biết. Họ biết tôi có về đây, có đi điền dã Tây Nguyên, đồng thời tôi biết Indonesia, Philippines… thì có cơ sở để so sánh.

* Chẳng may mà cồng chiêng bị trượt thì rất dễ rơi vào quên lãng, thưa GS?

 
G.S Trần Văn Khê.

Không! Trượt là chuyện giống như học tài mà thi phận. Nhưng đã vượt qua ba vòng thì thấy rằng giá trị thật sự. Tôi là người chưa biết gì hết mà bây giờ thương yêu cồng chiêng thiệt tình. Được hay không được là chuyện bên ngoài.

Mà tôi thí nghiệm rồi, tôi không phải chuyên môn cồng chiêng mà chỉ tóm tắt lại phần nghiên cứu trong hồ sơ, ai nghe rồi cũng mê hết.

Qua đó tôi cho rằng ít nhất có một kết quả: làm cho người Việt Nam nhận thức về cồng chiêng, hiểu biết thêm về người anh em dân tộc của mình. Thứ nữa, làm cho các dân tộc ít người được khai thông, nhận rõ giá trị văn hóa truyền thống của chính mình. Mình ở gần rừng có khi không thấy rừng đẹp mà  người ở xa nhìn thấy rừng đẹp…

* Còn nếu được thì…

Xứng đáng vô cùng. Những người đem cồng chiêng gò theo đô-rê-mi giật mình thấy mình làm cái đó bậy. Cái nữa là trong nước sẽ giật mình, ủa, có cái gì đó hay lắm, không muốn coi cũng phải coi. Nhã nhạc bây giờ ai cũng muốn biết hết, chứ hồi trước đâu có ai thèm biết làm chi! Được thì cái vui là 10 mà không được thì cũng 7-8 chứ không phải ít.

Người ta xét hay không xét, mà bây giờ đã được trong nước cho quyền nghiên cứu thì cứ nghiên cứu đi, rồi có được cái hồ sơ đã.

Ta hay có chuyện có thưởng thì mới làm… Bây giờ một số em trẻ đã biết hát dân ca rất hay, tôi mừng. Nhưng em học hò, không phải để hát trong bữa cấy. Em học hò để được biểu diễn trong liên hoan, lên truyền hình, thay vì khen 100%, tôi còn có 50% thôi. Và tôi ước mong tiếng hát ru không phải chỉ để dự liên hoan, lên truyền hình, mà ở lại đời sống và ru thật cho những em bé ngủ. Chừng đó tôi mới cho rằng tiếng hát ru hoàn toàn sống lại…

* Nghe nói sắp tới, UNESCO sẽ có những thay đổi trong việc công nhận Di sản, GS có thể cho biết cụ thể hơn?

Hiện UNESCO đang xem xét trong một, hai năm tới, có thể có thay đổi, sẽ không tuyên dương là Kiệt tác phi vật thể, mà gọi là một bộ môn phi vật thể và truyền khẩu đáng chú ý, vậy thôi…

Căn cứ trên đề nghị của các nước, và xem xét nếu không có gì quá đáng thì họ chỉ đưa cho cái bằng chứng minh, chứ không trải qua các bước tuyển chọn ngặt nghèo như hiện nay.

* Tiếp theo chúng ta sẽ đề cử di sản văn hóa phi vật thể nào lên UNESCO, thưa GS?

Bây giờ đang chuẩn bị Ca trù, Bộ Ngoại giao và Bộ Văn hóa có mời tôi làm cố vấn đặc biệt, đương làm với Viện Âm nhạc. Sau ca trù, tới quan họ, rồi múa rối nước…

Trong miền Nam có người trách tôi là người miền Nam mà không giới thiệu cái gì của miền Nam - cứ lo cho miền Bắc, miền Trung. Tôi nói miền Nam chưa đủ điều kiện. Họ bảo nhạc tài tử. Tôi nói phải rồi, nhưng nhạc tài tử chưa có bề dày lịch sử, chỉ có một thế kỷ trước thế kỷ này thôi. Cái thứ nhì, là bề sâu nghệ thuật có, nhưng so với ca trù thua nhiều lắm...

Nếu sau có đề nghị miền Nam, thì tôi không đề nghị đờn ca tài tử mà đề nghị một vùng văn hóa, bao trùm trong đó có thể có tài tử, có thể có trống nhạc lễ, có thể cả bóng rỗi… Những chuyện đó tôi đương suy nghĩ chứ không phải mình miền Nam, phải cố làm cái gì được cho miền Nam dù dở…

* Trân trọng cảm ơn GS.