Đại biểu tham dự hội nghị đều thống nhất nhận định: Việc sửa đổi Luật Đầu tư công là hết sức cần thiết, vì nguồn lực và quy mô đầu tư công ngày càng lớn, là kênh phát triển kinh tế-xã hội, việc phân cấp phân quyền cần được quy định rõ hơn; Chính phủ tiếp thu nhiều bất cập trong quá trình triển khai nên việc điều chỉnh luật là phù hợp tình hình hiện nay, tránh đầu tư dàn trải, lãng phí.
Theo các đại biểu, dự thảo luật nâng quy mô dự án quốc gia lên 30 nghìn tỷ đồng, tăng 3 lần so với luật hiện hành là phù hợp thực tế quy mô nền kinh tế. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, thủ tục đầu tư theo quy định hiện hành khá rườm rà, nhất là quy hoạch và chủ trương đầu tư, trình tự thủ tục quá dài.
Vì vậy, dự án luật đề xuất đưa dự án nhóm B do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành phố phê duyệt về cho Ủy ban nhân dân cùng cấp phê duyệt là phù hợp, nhất là trong điều kiện hằng tháng Ủy ban nhân dân tổ chức họp thường kỳ, nhờ đó các dự án đầu tư sẽ được triển khai nhanh hơn.
Tuy nhiên Luật Đầu tư công sửa đổi nên đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền theo tiêu chí phân loại dự án điều chỉnh cho phù hợp, đẩy nhanh tiến độ từ phê duyệt đến thực hiện cũng như đặt ra vai trò kiểm tra, giám sát của Hội đồng nhân dân.
Về công tác bồi thường và hỗ trợ tái định cư, Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng cho phép tách phần giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đối với dự án nhóm B, nhiều đại biểu nêu kiến nghị nên tách cả dự án nhóm B và C để khắc phục tình trạng trì trệ trong giải phóng mặt bằng, tái định cư… nhằm thuận lợi trong hợp đồng giữa nhà thầu và chủ đầu tư, đủ căn cứ xử lý vi phạm hợp đồng, thúc đẩy dự án nhanh hơn, đúng thẩm quyền hơn.
Sửa đổi Luật Đầu tư công với 29 nội dung điều chỉnh
Có ý kiến cho rằng đối với các địa phương đang thực hiện chính quyền đô thị, một số nhiệm vụ không còn như phân bổ vốn hay quyết định vốn trung hạn, trong điều khoản thi hành Luật Ngân sách giao cho Chính phủ quy định chính sách, cơ chế về thực hiện chính sách đặc thù, thì Luật Đầu tư công nên có điều khoản này để thuận lợi hơn trong việc triển khai.
Cần quy định cụ thể thời gian thực hiện dự án. Dự thảo luật quy định thời gian bố trí vốn thực hiện dự án nhóm A là 6 năm, nhóm B 4 năm, nhóm C 3 năm, vì vậy thời gian thực hiện nên bắt đầu từ khi có quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư, hay thời gian Hội đồng nhân dân bố trí vốn lần đầu. Đồng thời quy định rõ theo hướng rút ngắn thời gian quy hoạch, phê duyệt, đền bù giải tỏa, tránh việc triển khai dự án kéo dài.
Theo các đại biểu, để sửa đổi Luật Đầu tư công cần sửa một số luật khác như Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch… để đồng bộ về chi phí quy hoạch, quy định chặt chẽ trình tự chủ trương đầu tư, hướng dẫn cụ thể trình tự thủ tục vốn chi thường xuyên và vốn khác để chuẩn bị dự án. Đồng thời cần sửa đổi, bổ sung các Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Kiểm toán… để bảo đảm tính đồng bộ, phù hợp, tránh vướng mắc,
Tiếp thu và đánh giá cao ý kiến đóng góp của các đại biểu đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, đồng chí Nguyễn Duy Minh cho biết: Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng sẽ tổng hợp ý kiến, chuyển cơ quan soạn thảo bổ sung, hoàn thiện dự thảo luật trong kỳ họp Quốc hội sắp tới.