Góp phần nâng cao chất lượng quản lý lễ hội

Với 1.206 lễ hội, Hà Nội là địa phương có số lượng lễ hội lớn nhất cả nước. Việc tổ chức lễ hội bảo đảm bản sắc văn hóa, an toàn, lành mạnh và văn minh là một nỗ lực rất lớn của cấp ủy, chính quyền cũng như nhân dân, nhất là vai trò của cán bộ văn hóa ở cơ sở, Ban quản lý di tích địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Tiết mục của đội Ðống Ða trong phần thi Chào hỏi.
Tiết mục của đội Ðống Ða trong phần thi Chào hỏi.

Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội mới đây đã tổ chức thành công Hội thi Cán bộ quản lý và tổ chức lễ hội giỏi. Ðây là dịp để cán bộ cơ sở rèn luyện kỹ năng, trao đổi kinh nghiệm để nâng cao chất lượng công tác tổ chức, quản lý lễ hội.

Ngay ở phần thi Chào hỏi, 10 đội tham gia vòng chung khảo đã đem đến cho khán giả những bất ngờ thú vị. Ðội Ðông Anh đem đến một không khí tưng bừng khi màn giới thiệu các thành viên lồng ghép phần thi chào hỏi với giới thiệu những nét đẹp truyền thống văn hóa, nét đẹp lễ hội của vùng đất Ðông Anh. Ðó là nơi có kinh đô Cổ Loa, mà nay nhân dân vẫn tổ chức lễ hội "Loa thành Bát xã" để tưởng nhớ An Dương Vương, vị vua xây "thành ốc" năm nào. Ðó là nơi có lễ hội rước "vua giả" nổi tiếng ở xã Thụy Lâm, nơi những người có uy tín, gia đình gương mẫu được vào vai vua, chúa, dâng lễ lên Huyền Thiên Trấn Vũ, vị thánh có công giết gà trắng giúp An Dương Vương xây thành Cổ Loa. Trong khi đó, phần thi của đội Ðống Ða làm sống lại "hào khí Ðống Ða" với những màn múa rồng, trống trận và tái hiện hình ảnh Vua Quang Trung đại phá quân Thanh trên sân khấu... Sau phần chào hỏi, 10 đội tham gia phần thi Kiến thức. Ở phần thi này, các thí sinh được "rèn kiến thức" qua các câu hỏi liên quan đến các văn bản pháp luật, chủ trương, chính sách của thành phố về lễ hội, vai trò của các cơ quan quản lý trong tổ chức lễ hội…

Phần thi Thuyết trình là phần được các đội đầu tư công phu nhất. Ðội Sơn Tây thể hiện màn thuyết trình với hoạt cảnh Du xuân thành Sơn Tây. Hoạt cảnh nói về một cô gái dẫn bạn đến các lễ hội Sơn Tây. Qua đối thoại giữa những thành viên, công chúng hiểu thêm về nét đẹp hội xuân trên địa bàn, việc loại bỏ hủ tục, những sinh hoạt tiềm ẩn nguy cơ gây tiêu cực trong lễ hội... Thuyết trình thông qua hoạt cảnh là cách mà nhiều đội thi lựa chọn để lồng ghép kiến thức, phương pháp tổ chức, quản lý lễ hội. Ðội Hoài Ðức cũng đem đến hoạt cảnh về cô gái đưa người yêu về dự hội quê mình, để rồi được đại diện Ban quản lý di tích chia sẻ về việc loại bỏ những trò chơi, hủ tục, nhất là việc chọi gà, vốn bị nhiều người lợi dụng để chơi đỏ đen. Màn thi kết thúc bằng màn giới thiệu di sản hầu đồng - hoạt động một thời bị xem là mê tín, dị đoan.

Với mục đích để cán bộ cơ sở rèn luyện kỹ năng, trao đổi kinh nghiệm để nâng cao chất lượng công tác tổ chức, quản lý lễ hội, các thí sinh tham gia Hội thi đều là những cán bộ quản lý di sản ở cơ sở, công chức văn hóa xã, phường; đại diện các Ban Quản lý di tích... Trong đó, có cả những thí sinh cao tuổi, nhiều năm trực tiếp tham gia trông nom, bảo vệ các di tích; tham gia tổ chức lễ hội ở địa phương. Ông Nguyễn Mạnh Thìn, Phó Trưởng ban Quản lý Di tích quốc gia đặc biệt đình Chèm (quận Bắc Từ Liêm) cho biết: "Ðến với Hội thi lần này, tất cả chúng tôi đều chiến thắng. Giải thưởng không phải mục tiêu cuối cùng, quan trọng là qua Hội thi chúng tôi có cơ hội giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm nhằm triển khai có hiệu quả công tác quản lý và tổ chức lễ hội tại cơ sở. Tôi mong muốn Thành phố và Sở Văn hóa và Thể thao tiếp tục có những cuộc thi để các địa phương trang bị thêm kiến thức thực hiện hiệu quả hơn công tác quản lý lễ hội tại địa phương".

Giành Giải nhất chung cuộc là đội Ðông Anh. Các đội: Ðống Ða, Bắc Từ Liêm, Sơn Tây, Hoàn Kiếm... giành kết quả cao. Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ðông Anh Nguyễn Thị Mỹ Linh chia sẻ: "Các thành viên của đội thi được tập hợp từ các xã khác nhau trong huyện. Nhưng do phong trào văn nghệ ở cơ sở vốn đã phát triển, đồng thời, các thành viên đều đã quen với công tác tổ chức lễ hội trong những năm qua, cho nên chúng tôi chỉ mất ít ngày luyện tập để tạo sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa các thành viên. Mọi người đều rất vui khi có cơ hội thể hiện những gì mình làm được trong những năm qua thông qua tham dự Hội thi".

Phó Giáo sư Trần Thị An, Trưởng ban Giám khảo khẳng định: "Thông qua các tiết mục tham dự, các đội thi đã tái hiện nhiều lễ hội độc đáo, đặc sắc, tiêu biểu nhất trên địa bàn thành phố. Mặc dù đây là lần đầu tổ chức, song Hội thi đạt chất lượng cao. Các đội đều có sự đầu tư kỹ lưỡng về kịch bản, trang phục, đạo cụ chuyên nghiệp; am hiểu kiến thức, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của các địa phương. Thành phần tham dự của các đội đa dạng, huy động đông đảo lực lượng quần chúng tham gia, từ các bậc cao niên đến thanh, thiếu nhi. Hội thi góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có văn hóa lễ hội trên địa bàn Thủ đô".