Con đường bê-tông chạy uốn lượn dưới chân núi ở thôn Ao Tròn, xã Sơn Tiến (Hương Sơn) được đưa vào sử dụng từ cuối tháng 6 trong niềm hân hoan của các hộ dân. Vậy là từ nay, người dân xóm nghèo không phải lo lắng về tình cảnh vào mùa mưa lũ, con em trong xóm phải xắn quần, cầm dép trên tay, dò dẫm từng bước đến trường.
Nói về quá trình xây dựng tuyến đường, ông Đinh Văn Biểu người bỏ ra 100 triệu đồng để làm tuyến đường cho biết: “Tuyến đường dài hơn 500 m nhưng chỉ có sáu hộ dân sinh sống, ước muốn về một con đường bê-tông kết nối các hộ dân với đường trục chính của xã đã được ấp ủ từ lâu,. Tuy nhiên, vì điều kiện khó khăn nên đến hôm nay mong ước đó mới trở thành hiện thực. Gia đình tôi dù chưa khá giả nhưng gặp đúng lúc địa phương thực hiện cơ chế hỗ trợ 100% xi-măng xây dựng đường giao thông nông thôn (GTNT), tôi đã tự nguyện đóng góp 100 triệu cùng bà con “thay áo mới” cho tuyến đường”.
Cùng hưởng ứng quyết tâm làm đường của ông Đinh Văn Biểu, các hộ dân ở đây mỗi hộ đóng góp hơn 30 triệu đồng và hàng trăm ngày công để thay đổi diện mạo con đường lầy lội vào mùa mưa, bụi bặm vào mùa nắng thành tuyến đường bê-tông kiên cố.
Tương tự thôn Ao Tròn, tuyến đường vào Cồn Cao dài 2,5 km ở thôn Vực Rồng (Sơn Tiến) cũng được bê-tông hóa bằng tinh thần sẻ chia vì cộng đồng của những con người bình dị nơi đây.
Chủ tịch UBND xã Sơn Tiến Nguyễn Khắc Việt cho biết, khi Ban công tác mặt trận thôn tổ chức họp dân, nêu chủ trương làm đường theo cơ chế hỗ trợ xi=măng bà con đồng tình cao lắm. Tuy vậy, cái khó ở trục đường này nằm ở chỗ, cả 2,5 km chiều dài tuyến đường chỉ có 34 hộ dân sinh sống. Do đó, định mức đóng góp theo hộ gia đình để làm tuyến đường này khá cao, trong khi đời sống một số hộ dân đang gặp khó khăn.
Nhận thức được những trở ngại đó, ông Phan Văn Đăng cùng với anh trai của mình đã đứng ra kêu gọi con em xa quê đóng góp hàng chục triệu đồng xây dựng tuyến này. Bên cạnh việc góp 10 triệu đồng và tham gia 25 ngày công, ông Phan Văn Đăng còn hỗ trợ các gia đình khó khăn vay tiền không lấy lãi để góp theo định mức. Nhiều hộ dân và các cụm dân cư khác, thấy hộ nghèo ở thôn Vực Rồng tự nguyện góp công, góp của làm đường nên cũng hăng hái làm theo. Thành ra, phong trào làm đường giao thông nông thôn cứ lan tỏa và phát triển rầm rộ tại địa phương. Nhờ đó, xã miền núi Sơn Tiến đã bê-tông hóa được 130/160 km đường GTNT.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Sơn Tiến Nguyễn Thị Thúy Hiền, ông Đinh Văn Biểu và ông Phan Văn Đăng chỉ là hai trong tổng số nhiều tấm gương điển hình về xây dựng Nông thôn mới của địa phương. Những nhân tố này đã góp phần khơi sức dân giúp xã miền núi Sơn Tiến từng bước vượt qua khó khăn, sớm đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là minh chứng rõ nét nhất cho thấy khi phong trào học tập và làm theo tấm gương của Bác đã trở thành phong trào lớn thì việc học tập và làm theo Bác không chỉ dừng lại ở cán bộ, đảng viên, ở chi bộ mà còn lan tỏa sâu rộng trong đông đảo các tầng lớp nhân dân. Việc học Bác, làm theo Bác được mọi người, mọi lứa tuổi cùng coi như lẽ tự nhiên, góp phần hoàn thiện bản thân, xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.
Đồng chí Trần Văn Kỳ, Bí thư Huyện ủy Hương Sơn chia sẻ, những năm qua, huyện Hương Sơn luôn xem việc thực hiện Chỉ thị 05 về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” là một trong những nội dung trọng tâm thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015 - 2020; gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), trở thành việc làm tự giác, thường xuyên của đảng bộ, nhân dân. Quá trình học tập và làm theo Bác được thực hiện cụ thể theo từng giai đoạn, trở thành việc làm thường xuyên, với nhiều cách làm sáng tạo và hiệu quả như “Báo công làm theo lời Bác”, “Ngày thứ 7, Chủ nhật hồng”, “Phân công cán bộ về dự sinh hoạt chi bộ tại cơ sở”, “Hành hương về cội nguồn”, “Vinh danh các điển hình tiên tiến”…
“Thực tế quá trình học tập và làm theo gương Bác ở Hương Sơn cho thấy, để phong trào có sức thuyết phục thì phải có những tấm gương cụ thể. Sinh thời Bác Hồ nói: Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền. Do vậy, gương các nhân tố điển hình được chính cộng đồng nơi cư trú, đồng nghiệp nơi công tác kể lại một cách chân thực, mộc mạc sẽ làm gia tăng sức lan tỏa tinh thần học tập và làm theo lời dạy của Bác. Với mục đích đó, năm 2020 huyện Hương Sơn đã tổ chức Hội thi kể chuyện về những điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, đồng chí Trần Văn Kỳ cho biết thêm.
Cũng theo chia sẻ của lãnh đạo Ban Tuyên giáo huyện Hương Sơn, Hội thi kể chuyện về những điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được tổ chức nhằm tuyên truyền, biểu dương và nhân rộng những điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, tạo sự chuyển biến, lan tỏa mạnh mẽ về ý thức tu dưỡng, rèn luyện nâng cao đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.
Để tránh việc hư cấu, các những câu chuyện, nhân vật được được kể phải có sự thẩm tra, đánh giá của các cơ quan, đơn vị và cộng đồng dân cư. Các thí sinh phải chuẩn bị kỹ đề cương câu chuyện, đề cương phải đảm bảo được những nội dung chính là: Bối cảnh ra đời câu chuyện, nội dung câu chuyện, ý nghĩa rút ra từ câu chuyện, liên hệ bản thân, địa phương, đơn vị.