Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, đến thời điểm 31/8, tổng kinh phí thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (Nghị quyết số 68) và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (Quyết định số 23) trên toàn quốc là hơn 10 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ cho khoảng 15,4 triệu đối tượng.
Trong đó, 23 tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg chiếm 71,3% về đối tượng và 81,8% về kinh phí. Riêng TP Hồ Chí Minh đã chi hơn 5.600 tỷ đồng hỗ trợ 6,97 triệu đối tượng.
Riêng với lĩnh vực bảo hiểm xã hội, kinh phí hỗ trợ 3 chính sách về bảo hiểm là 4.665 tỷ đồng (chiếm gần 28% kinh phí dự kiến của Nghị quyết số 68). Qua đó, hỗ trợ cho gần 375.800 người sử dụng lao động và 11,4 triệu người lao động. Trong đó, 64,4% đối tượng được hỗ trợ là tại 23 tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg.
Tổng kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ bằng tiền là gần 5.090 tỷ đồng (chiếm 102,2% kinh phí dự kiến của Nghị quyết số 68), hỗ trợ hơn 3,6 triệu đối tượng. Ngân sách nhà nước đã chi gần 1.945 tỷ đồng, Khoảng 88,2% kinh phí này dành hỗ trợ 23 tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg.
Các chính sách cho vay vốn qua Ngân hàng Chính sách xã hội đạt hơn 266 tỷ đồng (chiếm 3,6% kinh phí dự kiến của Nghị quyết số 68), hỗ trợ 474 đơn vị sử dụng lao động để trả lương cho gần 67.600 người lao động.
Một số chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người lao động có quan hệ lao động như tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; ngừng việc; chấm dứt hợp đồng lao động không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thấp nghiệp; các viên chức hoạt động nghệ thuật, hướng dẫn viên du lịch… đã tiếp cận hơn 122 nghìn người, với tổng kinh phí trên 306,2 tỷ đồng.
Hơn 1.200 người lao động đang mang thai và hơn 16.700 trẻ em đã được hưởng các chính sách hỗ trợ bổ sung. Gần 55.900 hộ kinh doanh đã được hỗ trợ với tổng kinh phí trên 161,5 tỷ đồng. Một số địa phương không thu tiền ăn của các đối tượng F0, F1 tại các cơ sở điều trị, cơ sở cách ly y tế tập trung.
Gần 3,3 triệu người lao động tự do và các đối tượng đặc thù đã được hỗ trợ với tổng kinh phí gần 5.090 tỷ đồng từ các nguồn ngân sách nhà nước, nguồn vận động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các công ty xổ số kiến thiết,…
Vào tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xuất cấp gần 134,3 nghìn tấn gạo từ nguồn dữ trữ quốc gia cho 27 địa phương để hỗ trợ cho gần 9 triệu người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19.
Đến nay, khoảng gần 20,4 nghìn tấn gạo, tương đương 15,2%, đã được xuất cấp cho các tỉnh để thực hiện cấp phát cho 1,36 triệu người. Cả nước cũng triển khai 4 triệu túi an sinh cho người dân.