Gỡ vướng mắc về BHXH bắt buộc với hơn 10,2 nghìn người làm việc ở cấp xã

NDO -

Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa có công văn gửi Bộ Nội vụ về việc giải quyết vướng mắc trong thực hiện BHXH bắt buộc đối với hơn 10.200 người là Phó Chỉ huy trưởng Quân sự xã, Phó Trưởng Công an xã, người làm việc theo hợp đồng lao động tại UBND cấp xã.

Ảnh minh họa: Internet.
Ảnh minh họa: Internet.

Theo Công văn 881/BHXH-CSXH của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, để giải quyết vướng mắc trong thực hiện BHXH bắt buộc đối với các đối tượng nêu trên, cơ quan này đề xuất phương án dựa trên cơ chế giải quyết theo nguyên tắc đóng - hưởng đã được quy định tại Luật BHXH.

Cụ thể, đối với các chức danh là Phó Chỉ huy trưởng Quân sự cấp xã, Phó Trưởng Công an cấp xã có thời gian làm việc từ tháng 11-2003 đến nay, nếu đã đóng BHXH bắt buộc thì được giải quyết hưởng các chế độ BHXH theo quy định của Luật BHXH khi đủ điều kiện hoặc được bảo lưu thời gian đã đóng BHXH bắt buộc theo quy định của Luật BHXH.

Đối với người lao động (NLĐ) do UBND cấp xã ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) từ đủ ba tháng trở lên, đã đóng BHXH bắt buộc và tiền lương làm căn cứ đóng là mức tiền lương ghi trong HĐLĐ theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động (NSDLĐ) quyết định, thì cho phép được giải quyết hưởng các chế độ BHXH nếu đủ điều kiện hoặc bảo lưu thời gian đã đóng BHXH bắt buộc theo quy định.

Ưu điểm của phương án là NLĐ được ghi nhận thời gian đã đóng BHXH. Do đó, nhiều người sẽ có điều kiện để hưởng lương hưu khi về già, ổn định cuộc sống khi hết tuổi lao động, góp phần bảo đảm mục tiêu an sinh xã hội bền vững theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII.

Bên cạnh đó, phương án giúp củng cố niềm tin của người dân vào chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, tạo thuận lợi cho công tác vận động, tuyên truyền, thuyết phục người dân tham gia BHXH tự nguyện.

Cùng với đó, bảo đảm công bằng giữa người đã được giải quyết và người chưa được giải quyết; giải quyết triệt để nguyện vọng của NLĐ và sẽ không phát sinh đơn thư.

Tuy nhiên, phương án này cũng có điểm hạn chế. Việc vận dụng giải quyết chính sách có thể sẽ phát sinh kiến nghị từ một số ít các đối tượng không được thực hiện do trước đây chưa đóng BHXH.

Về mức độ tác động của phương án, hiện chỉ một số ít địa phương không đóng BHXH cho nhóm đối tượng này. Mặt khác, theo quy định tại Nghị định số 121/2003/NĐ-CP, mỗi xã chỉ có số lượng nhất định cán bộ, công chức cấp xã được tham gia BHXH bắt buộc, nên ở các địa phương không đóng BHXH bắt buộc cho số đối tượng trên, thì đã đóng BHXH bắt buộc đủ số lượng cán bộ ở các chức danh khác nên việc đóng bổ sung cho Phó Chỉ huy trưởng Quân sự xã, Phó Công an xã là không khả thi. Thực tế, mỗi địa phương lựa chọn các chức danh để đóng BHXH bắt buộc cho cán bộ, công chức cấp xã.

Triển khai phương án này bảo đảm khả thi trong tổ chức thực hiện do căn cứ pháp lý thực hiện theo nguyên tắc đóng - hưởng được quy định tại Luật BHXH và sát với nhu cầu của thực tiễn là bảo vệ quyền lợi theo nguyện vọng của NLĐ. Cùng với đó, giải quyết triệt để những tồn tại, vướng mắc trong việc thực hiện BHXH bắt buộc đối với Phó Chỉ huy trưởng Quân sự cấp xã, Phó Trưởng Công an cấp xã và người làm việc theo HĐLĐ tại UBND cấp xã). Đồng thời, phương án này cũng đã nhận được ý kiến đồng thuận của các bộ, ngành có liên quan như: Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Tài chính, Công an, Quốc phòng.

BHXH Việt Nam đề nghị đưa nội dung nêu trên vào Nghị quyết của Chính phủ để chỉ đạo, thực hiện.

* Tình hình đóng BHXH bắt buộc đến thời điểm hiện nay với ba nhóm đối tượng, gồm 10.266 người:

- Phó Chỉ huy trưởng Quân sự xã, bao gồm cả người đang bảo lưu thời gian đóng BHXH và đang tiếp tục tham gia BHXH: 3.423 người.

- Phó Trưởng Công an xã, bao gồm đang bảo lưu thời gian đóng BHXH và đang tiếp tục tham gia BHXH: 2.700 người.

- Người làm việc theo HĐLĐ tại UBND cấp xã bao gồm đang bảo lưu thời gian đóng BHXH và đang tiếp tục tham gia BHXH: 4.143 người.

- Số liệu này chưa bao gồm một số ít đối tượng đã tham gia và bảo lưu sổ BHXH tại thời điểm ngành BHXH chưa tập trung cơ sở dữ liệu người đang tham gia BHXH tại Trung ương (người tham gia trực tiếp quản lý sổ BHXH giấy chưa liên hệ với cơ quan BHXH).