Gỡ vướng khâu thu hồi nợ vay tiêu dùng

Thời gian qua, trên các trang mạng xã hội xuất hiện nhiều hội, nhóm “rủ nhau bùng nợ” gây nhiều hệ lụy cho tổ chức tín dụng, nhưng không bị xử lý… Điều này làm cho hoạt động thu hồi nợ, nhất là nợ tín dụng tiêu dùng của tổ chức tín dụng gặp nhiều khó khăn.
0:00 / 0:00
0:00
Khách hàng giao dịch tại điểm giới thiệu dịch vụ của FE Credit.
Khách hàng giao dịch tại điểm giới thiệu dịch vụ của FE Credit.

Theo báo cáo của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, tỷ lệ nợ xấu trong tín dụng tiêu dùng toàn hệ thống có xu hướng gia tăng, khoảng gần 3,7% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng, trong khi từ năm 2018 đến năm 2022, tỷ lệ nợ xấu này chỉ trên dưới 2%. Đáng chú ý, tỷ lệ nợ xấu của các công ty tài chính có nguy cơ tăng hơn 15%, nhiều công ty lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí thua lỗ do phải trích dự phòng rủi ro nợ xấu tăng cao.

Cho vay tiêu dùng sụt giảm

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng cho biết, hiện nay, hoạt động tín dụng tiêu dùng của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có thể được coi là kênh dẫn vốn hiệu quả đối với người dân.

Theo thống kê, đến cuối tháng 9/2023, toàn hệ thống có 84 tổ chức tín dụng triển khai hoạt động tín dụng tiêu dùng, trong đó có 15 công ty tài chính tiêu dùng. Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế khoảng 12.749 nghìn tỷ đồng, trong đó tín dụng tiêu dùng của toàn hệ thống đạt khoảng 2.703 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 21,2% tổng dư nợ nền kinh tế.

Để giúp người dân dễ dàng tiếp cận vốn vay, hạn chế tín dụng đen, các tổ chức tín dụng đã tích cực thực hiện nhiều biện pháp để cải thiện tình hình hoạt động nhằm tăng dư nợ tín dụng theo phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, kiểm soát và nâng cao chất lượng tín dụng, tiết giảm chi phí, nâng dần hiệu quả sử dụng vốn, mở rộng mạng lưới, đặc biệt là khu vực vùng sâu, vùng xa,...

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng thực hiện cho vay tiêu dùng; ban hành các quy định về giới hạn giải ngân, hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay phục vụ đời sống để quản lý hiệu quả chất lượng tín dụng cũng như kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay của khách hàng; đồng thời tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động tín dụng tiêu dùng để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, cảnh báo các tổ chức tín dụng về các vấn đề rủi ro.

Tuy nhiên, theo Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú, từ đầu năm 2023 tới nay, do ảnh hưởng tiêu cực của suy giảm kinh tế toàn cầu và khó khăn của kinh tế trong nước, cho vay nói chung và đặc biệt là cho vay tiêu dùng nói riêng gặp nhiều thách thức với tỷ lệ tăng trưởng thấp. Đến cuối tháng 9/2023, dư nợ cho vay tiêu dùng toàn hệ thống chỉ tăng khoảng 1,53% so với cuối năm 2022 (mức tăng rất thấp so với 5 năm qua). Tỷ lệ nợ xấu trong tín dụng tiêu dùng toàn hệ thống có xu hướng gia tăng. Tình trạng nợ xấu của các công ty tài chính hiện nay khoảng 8-10%, cá biệt có trường hợp lên đến 20% khiến nhiều công ty lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí thua lỗ...

Hệ lụy từ việc “bùng” nợ

Lý giải nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ nợ xấu cho vay tiêu dùng ngày càng tăng cao, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng nhận định: Ngoài những yếu tố khách quan với khó khăn chung còn có những yếu tố chủ quan và rất nguy hiểm mà chưa có chế tài xử lý. Đó là khách hàng cố tình không trả nợ, người trước khuyên người sau không trả nợ, thậm chí cán bộ công ty đến đòi nợ hoặc nhắc nợ thì chống đối, tố cáo, vu khống cán bộ dùng biện pháp manh động để đòi nợ đến chính quyền. Các hội nhóm “rủ nhau bùng nợ” tràn lan trên mạng xã hội kéo theo nhiều hệ lụy cho các tổ chức tín dụng nhưng không bị xử lý… “Tất cả những điều trên làm cho hoạt động thu hồi nợ, đặc biệt là nợ tín dụng tiêu dùng của tổ chức tín dụng gặp rất nhiều khó khăn, một số tổ chức tín dụng buộc phải chủ động cắt giảm danh mục cho vay tiêu dùng, tránh nợ xấu tiếp tục phát sinh”, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.

Trước con số tăng trưởng của tín dụng tiêu dùng sụt giảm, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú thẳng thắn nhìn nhận, hoạt động cho vay tiêu dùng hiện nay đang có vấn đề. “Quan hệ cho vay giữa công ty tài chính với người vay đang không tích cực. Vay trốn nợ, quỵt nợ, đặc biệt thu hồi nợ đang là vấn đề nhức nhối. Kênh tín dụng chính thức giảm bao nhiêu, thì “tín dụng đen” sẽ có cơ hội phát triển bấy nhiêu. Hơn nữa, hiện có nhiều công ty tài chính trá hình, nhập nhằng giữa tổ chức không được hoạt động cho vay và các tổ chức được cấp phép hoạt động chính thức… Tất cả những vấn đề này cần sớm giải quyết để lấy lại niềm tin trong hoạt động kinh doanh cho các công ty tài chính, các tổ chức tín dụng, khơi thông dòng vốn tín dụng, đẩy mạnh cho vay tiêu dùng”, ông Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Kiến nghị một số giải pháp nhằm tháo gỡ những bất cập trong hoạt động cho vay tiêu dùng và vấn đề thu hồi nợ, Phó Cục trưởng Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) Bùi Đức Tài đề nghị Hiệp hội Ngân hàng hướng dẫn, khuyến khích các ngân hàng, tổ chức tín dụng thành viên tăng cường hoạt động tuyên truyền cho nhân viên ngân hàng, tổ chức tín dụng trong việc chấp hành các quy định của pháp luật và ngành ngân hàng; chấp hành nghiêm các quy định về bảo mật dữ liệu, thông tin cá nhân liên quan.

Bên cạnh đó, cần rà soát, khắc phục sơ hở trong quy định, quy trình nghiệp vụ liên quan đến hoạt động của các bộ phận thu hồi nợ, xử lý nợ xấu nghiêm cấm các hành vi ký kết các hợp đồng biến tướng với các doanh nghiệp khác để giải ngân cho vay, mua bán nợ, đòi nợ thuê; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Nhiều ý kiến cũng đề xuất cần truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang mạng xã hội (Facebook, Zalo…) để tẩy chay hành động vay tiền rồi sau đó cố tình không trả nợ cho ngân hàng, công ty tài chính; lên án hiện tượng bùng nợ, lập hội nhóm cùng nhau trốn nợ.

Theo Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tài chính tiêu dùng kiêm Phó Tổng Giám đốc Công ty Tài chính trách nhiệm hữu hạn HD SAISON (HD SAISON) Nguyễn Đình Đức, cần có các biện pháp cụ thể nhằm kêu gọi, nâng cao ý thức, thái độ của những người vay; xử nghiêm các đối tượng tham gia vào các hội nhóm bùng nợ, cũng như những người hướng dẫn và khuyến khích hành vi bùng nợ, cố tình không trả nợ. Cùng với đó, cần áp dụng chế tài răn đe đối với những cá nhân có hành vi cố tình vi phạm quy tắc và đạo đức trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng nói riêng và lĩnh vực tín dụng cá nhân nói chung.

Ông Đào Minh Tú cũng cho biết Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức tín dụng phát triển hoạt động cho vay tiêu dùng lành mạnh. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục rà soát, kịp thời hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tín dụng tiêu dùng của các tổ chức tín dụng nói chung và các công ty tài chính nói riêng; khuyến khích các tổ chức tín dụng ứng dụng khoa học - công nghệ, phát triển các sản phẩm cho vay tiêu dùng.

Thời gian tới, Cục Cảnh sát hình sự sẽ phối hợp các bộ, ban, ngành chủ động phát hiện sớm, nắm bắt kịp thời, hòa giải các mâu thuẫn, vụ việc có liên quan từ vay nợ, đòi nợ, tín dụng đen trong nội bộ nhân dân, những người có biểu hiện quẫn bách tài chính, nợ nần, vay lãi nặng có nguy cơ cao phạm tội... để thông báo, cung cấp thông tin, phối hợp lực lượng công an xử lý, phòng ngừa tội phạm. Bên cạnh đó, cơ quan công an sẽ quan tâm, hỗ trợ công nhân, người lao động tiếp cận nguồn vốn vay an toàn, ưu đãi để hạn chế tìm đến tín dụng đen. Ngược lại, các công ty tài chính cũng cần quan tâm hỗ trợ người lao động, công nhân thu nhập thấp bằng các gói vay hấp dẫn, lãi suất thấp.

Thiếu tá Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Trưởng phòng 6, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an)