Tại Hội thảo “Gỡ khó cho vay tiêu dùng - Đẩy lùi tín dụng đen” do Hệ sinh thái Thông tin kinh tế VTVMoney, Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số - Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức ngày 31/10 tại Hà Nội, đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công an, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hiệp hội Ngân hàng, các luật sư, công ty tài chính,… đã chia sẻ nhiều ý kiến nhằm tìm giải pháp hỗ trợ thị trường tín dụng tiêu dùng phát triển lành mạnh, trở thành kênh cung cấp vốn cho các nhu cầu chính đáng của người dân, đặc biệt là người lao động thu nhập thấp.
Tăng trưởng qua các năm
Trong nhiều năm qua, việc cho vay tiêu dùng qua các kênh chính thức như ngân hàng thương mại, công ty tài chính, các công ty tài chính công nghệ (fintech)… đã và đang đáp ứng nhu cầu vốn chi dùng cá nhân, góp phần tránh cho người dân phải tìm đến “tín dụng đen”. Ước tính tới nay, các công ty tài chính tiêu dùng được cấp phép đã hỗ trợ được khoảng 30 triệu người tiếp cận được vốn vay, với dư nợ bình quân khoảng 35-50 triệu đồng/người.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” và Quyết định 149/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế chính sách phù hợp nhằm tạo điều kiện cho khách hàng và người dân tiếp cận vốn tín dụng; đồng thời chỉ đạo các ngân hàng thương mại, công ty tài chính tiêu dùng do Ngân hàng Nhà nước cấp phép, tài chính vi mô, các quỹ tín dụng,… cải cách thủ tục hành chính, mở rộng mạng lưới đặc biệt là khu vực vùng sâu, vùng xa và các sản phẩm dịch vụ tài chính số để người dân dễ dàng tiếp cận vốn vay, nhất là lĩnh vực cho vay phục vụ đời sống và tiêu dùng cá nhân… nhằm hạn chế tín dụng đen và phổ cập tài chính toàn diện quốc gia.
Chính vì vậy mặc dù tình hình kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn cùng với diễn biến khó lường kinh tế toàn cầu song đến 31/8/2023, dư nợ cho vay phục vụ đời sống toàn hệ thống đạt khoảng 2.671.000 tỷ đồng, chiếm 21% tổng dư nợ nền kinh tế, tăng 0,35% so với 31/12/2022, nợ xấu chiếm tỷ lệ hơn 4%. Trong đó, dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống của 16 công ty tài chính là gần 136 nghìn tỷ đồng (chiếm khoảng hơn 5% dư nợ cho cho vay phục vụ đời sống).
“Tuy nhiên, nợ xấu của các công ty tài chính đến nay đã lên đến 8-10% cá biệt có công ty nợ xấu lên đến 20%, nhiều công ty lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí thua lỗ do phải trích dự phòng rủi ro nợ xấu tăng cao”, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng. |
Ông Đinh Trần Việt - Giám đốc Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số cũng cho biết: Tài chính tiêu dùng được cho là giải pháp quan trọng để đạt được mục tiêu gia tăng khả năng tiếp cận vốn cho người dân, góp phần hữu hiệu ngăn chặn tình trạng tín dụng đen. Nhưng thời gian gần đây, đường dây nóng của VTVMoney liên tục nhận được thông tin phản ánh về những thủ đoạn mới của “tín dụng đen” và những biến tướng mới trong hoạt động cho vay tiêu dùng. Tình trạng bùng nợ, dạy nhau bùng nợ diễn ra tràn lan trên các mạng xã hội.
Cũng theo nhiều đại biểu, 5 năm gần đây, tín dụng tiêu dùng phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 20%/năm. Tuy nhiên, 2 năm qua, thị trường tín dụng tiêu dùng đang gặp khủng hoảng khi liên tiếp đối mặt nhiều khó khăn do dịch Covid-19, suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát khiến lãi suất tăng. Đặc biệt, công nhân, người lao động, người thu nhập thấp vốn là phân khúc khách hàng chính của công ty tài chính bị giảm thu nhập, giảm việc làm hoặc thất nghiệp… ảnh hưởng tới khả năng trả nợ sau khi vay vốn của khách hàng.
Chất lượng tài sản tại các công ty tài chính tiêu dùng sụt giảm, nợ xấu gia tăng cũng buộc các công ty này phải siết chặt điều kiện cho vay hơn, đẩy mức lãi suất cho vay tăng cao khiến những người có nhu cầu vay tiêu dùng chính đáng càng khó tiếp cận các khoản vay chính thống và có thể sẽ bị buộc phải tìm đến tín dụng đen để giải quyết các nhu cầu vốn sinh hoạt cấp thiết.
Bên cạnh đó, tình trạng tín dụng đen "núp bóng" cho vay tiêu dùng, thậm chí mạo danh ngân hàng, công ty tài chính… khiến người vay không phân biệt được đâu là công ty tài chính, fintech được cấp phép chính thống, đâu là tín dụng đen, kéo theo hiện tượng một số khách hàng mượn những thông tin công ty tài chính bị kiểm tra để tẩy chay, chây ỳ trả nợ thậm chí lan truyền xúi giục nhiều người khác cùng “bùng nợ” trên mạng xã hội càng khiến thị trường vay tiêu dùng bị méo mó…
Cải thiện tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm
Mở rộng kênh cho vay chính thống
Tại Hội thảo, để nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, các diễn giả đã thông tin thêm về các gói hỗ trợ người dân tiếp cận với các nguồn vốn vay an toàn; các dấu hiệu để giúp người dân nhận diện các công ty tài chính tiêu dùng hợp pháp, tránh rơi vào “bẫy” tín dụng đen.
Theo chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Cấn Văn Lực, cho vay tiêu dùng hiện đang được thực hiện qua ba kênh chính thức là cho vay qua các ngân hàng thương mại, cho vay qua các công ty tài chính và cho vay qua một số tổ chức tín dụng khác. Tuy nhiên, ở mỗi phân khúc sẽ có đối tượng và mục tiêu cho vay khác nhau. Một trong những nguyên nhân chính khiến nợ xấu cho vay tiêu dùng ở mức cao xuất phát từ câu chuyện nhận thức “dễ vay, dễ bùng nợ”.
Vì vậy, bà Nguyễn Thanh Tùng (Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước) nhấn mạnh giải pháp cần nâng cao trách nhiệm của người dân “đã đi vay là phải có ý thức trả nợ”.
Thiếu tá Nguyễn Ngọc Sơn, Phó trưởng Phòng 6, Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an nhận định: Thời gian tới, tình hình kinh tế, lao động, việc làm vẫn gặp nhiều khó khăn, cùng với nhu cầu tài chính cuối năm tăng cao sẽ phát sinh các hành vi vi phạm pháp luật có nguyên nhân từ “tín dụng đen”. Do đó, để có thể đẩy lùi “tín dụng đen”, các cơ quan, tổ chức có liên quan cần tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được phân công, đẩy mạnh công tác phối hợp với các đơn vị liên quan, để phòng ngừa và phát hiện và triệt phá các tổ chức “tín dụng đen”. Cần đẩy mạnh hơn nữa tuyên truyền trên nhiều nền tảng về tác hại và hệ lụy của tín dụng đen; tạo điều kiện cho người lao động, công nhân tiếp cận các nguồn vốn vay an toàn, ưu đãi…