Gỡ vướng để người lao động sớm nhận hỗ trợ tiền thuê nhà

NDO - Thời gian qua, chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động thực hiện chậm có nguyên nhân do các cấp, ngành ở địa phương chưa coi trọng đúng mức, phát sinh thủ tục hành chính không đúng quy định. Điều này gây khó khăn, kéo dài thời gian thực hiện chính sách. Lãnh đạo các địa phương cần vào cuộc, để tiền hỗ trợ đến với người lao động nhanh nhất.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội họp giao ban trực tuyến đôn đốc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà. (Ảnh: Molisa)
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội họp giao ban trực tuyến đôn đốc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà. (Ảnh: Molisa)

Chính sách ưu tiên hàng đầu để phục hồi thị trường lao động

Ngày 12/8, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức họp giao ban trực tuyến toàn quốc. Chương trình nhằm đôn đốc thực hiện Quyết định số 08/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động (Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg).

Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung chia sẻ, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp hơn hai năm qua, đối tượng bị ảnh hưởng nhất là phụ nữ, trẻ em, người lao động. Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách an sinh hỗ trợ người dân trong đại dịch. Ước tính, nguồn hỗ trợ từ Nhà nước đã chi 146 nghìn tỷ để giúp người dân vượt qua khó khăn do dịch Covid-19.

Trong đó, 86 nghìn tỷ hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động chung sức vượt qua khó khăn, phục hồi kinh tế. Trong chương trình phục hồi kinh tế-xã hội, Quốc hội, Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ lưới an sinh, dành 6.600 tỷ đồng để hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định số 08/QĐ-TTg. Chính sách này ban hành nhanh, với ưu tiên hàng đầu để phục hồi thị trường lao động. Đây là một chủ trương nhân văn, hợp lòng dân.

Số liệu thực hiện chính sách đến ngày 12/8 cho thấy, 60/63 tỉnh, thành phố có doanh nghiệp, người lao động nộp hồ sơ. Đồng thời, 56/63 địa phương đã triển khai giải ngân cho hơn 1,1 triệu lao động tại hơn 17,6 nghìn doanh nghiệp. Số tiền giải ngân đạt gần 788 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 12,14% so với dự kiến.

Với kết quả này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định, việc giải ngân gói hỗ trợ còn quá chậm. Bộ trưởng nhắc nhở những địa phương có tỷ lệ giải ngân chậm, đồng thời phê bình nghiêm khắc 4 địa phương chưa giải ngân dù đã phê duyệt hồ sơ và số lao động được hỗ trợ rất ít. Các địa phương phải có giải pháp xử lý, đôn đốc giải quyết xong hồ sơ hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động trước ngày 15/8. Chậm nhất là ngày 30/8, phải hoàn thành việc hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.

Theo ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, tại địa bàn có hơn 1 triệu lao động dự kiến được hưởng hỗ trợ. Tính đến ngày 12/8, địa phương này đã tiếp nhận hơn 870 nghìn hồ sơ (chiếm 26,88%) nhưng mới giải ngân cho hơn 272 nghìn lao động (đạt 8,13%). Tiến độ giải ngân có chậm so với kế hoạch. Do số người hưởng lớn nên đơn vị cần phải có thời gian để tổ chức thực hiện. Hiện các doanh nghiệp và các quận, huyện làm rất thận trọng. Qua rà soát danh sách, có phát hiện trùng lặp nên phải làm lại, ảnh hưởng đến tiến độ.

4 địa phương chưa thực hiện giải ngân là Hà Giang, Bắc Kạn, Sơn La, Phú Yên. Nhiều địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp như: Vĩnh Long, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Quảng Trị, Quảng Nam... Đặc biệt, An Giang, Bắc Ninh còn là các địa phương có số lao động và kinh phí dự kiến rất cao.

Một trong những tỉnh có tỷ lệ giải ngân cao tới thời điểm này là Trà Vinh. Đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh này cho hay, đến nay, địa phương đã tiếp nhận hồ sơ của hơn 11 nghìn lao động. UBND các cấp đã phê duyệt hơn 9.000 hồ sơ hỗ trợ của người lao động, với tổng kinh phí 6,2 tỷ đồng. Cơ quan liên quan tiến hành thủ tục chuyển tiền về cho doanh nghiệp. Tỷ lệ giải ngân đã đạt 62,19%. Dự kiến, việc triển khai chính sách ở Trà Vinh sẽ kết thúc vào ngày 15/8, theo đúng quy định.

Gỡ vướng để người lao động sớm nhận hỗ trợ tiền thuê nhà ảnh 1

Các địa phương đã phê duyệt kinh phí và giải ngân hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động cao tính đến 12/8 (Nguồn: Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội).

Nỗ lực giải ngân tiền thuê nhà trước ngày 30/8

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định, đến nay, nhìn tổng quát, các địa phương đã triển khai chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà tích cực hơn. Có những địa phương đạt tỷ lệ giải ngân 30-40%.

Gỡ vướng để người lao động sớm nhận hỗ trợ tiền thuê nhà ảnh 2

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị các địa phương nỗ lực giải ngân hỗ trợ tiền thuê nhà trước ngày 30/8 (Ảnh: Molisa).

Một số địa phương ghi nhận bước nhảy vọt trong quá trình triển khai chính sách từ ngày 4/8 tới nay. Các tỉnh khác có tỷ lệ giải ngân cao như Bắc Giang, Thái Nguyên… hơn 30%. Tuy nhiên, nhiều địa phương còn có số người cần hỗ trợ, tỷ lệ duyệt hồ sơ và tỷ lệ giải ngân thấp. 10 tỉnh có tỷ lệ giải ngân thấp từ 1 đến 2%. Đặc biệt, có 4 địa phương có số người được hỗ trợ nhưng chưa giải ngân đồng nào.

Nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ trong thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động là các cấp, ngành ở địa phương chưa coi trọng đúng mức. Một số nơi còn thờ ơ, coi việc này là trách nhiệm của ngành lao động-thương binh và xã hội, bảo hiểm xã hội, doanh nghiệp…

Một số địa phương yêu cầu những quy định rườm rà, không đúng, phát sinh thủ tục hành chính. Điều này vô hình chung gây khó khăn, kéo dài thời gian thực hiện chính sách với người lao động. Cá biệt, có nơi duyệt hồ sơ lâu rồi nhưng tiền chưa về tài khoản của người lao động. Một số nơi sợ sai, sợ trách nhiệm trong quá trình thực hiện, nên dẫn đến phát sinh thủ tục hành chính.

Tuy nhiên, chỉ trong mấy ngày gần đây, với sự chỉ đạo quyết liệt chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, những địa phương bị phê bình đã triển khai chính sách rất nhanh.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị, các địa phương cần làm tốt việc tập trung tuyên truyền, tiếp nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ của người lao động trước ngày 15/8, bởi sau đó, hồ sơ sẽ không có giá trị. Những hồ sơ đã tiếp nhận cần khẩn trương phê duyệt, áp dụng công nghệ thông tin, chi tiền ngay theo quy định để chuyển về tài khoản của người lao động.

Người đứng đầu ngành lao động-thương binh và xã hội cũng đề nghị, tất cả các địa phương cần phân công lãnh đạo tỉnh trực tiếp chỉ đạo vấn đề này. Mốc thời gian đặt ra là phấn đấu, nhận hồ sơ hỗ trợ của người lao động xong trước ngày 15/8. Các địa phương nỗ lực giải ngân trước ngày 30/8. Các tỉnh đã giải ngân ở mức cao sẽ hoàn thành vào ngày 20 hoặc 25/8.

Thời gian tới, sẽ tiếp tục tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách ở địa phương. Địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp cần đánh giá lại việc thực thi chính sách. Cục Việc làm sẽ tham mưu cho Bộ trưởng thành lập các đoàn kiểm tra tại một số địa bàn như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh, Hải Phòng, Quảng Ninh. Mục tiêu chính là để chính sách nhân văn này đến với người lao động nhanh nhất, hiệu quả nhất.