Với lợi thế bờ biển dài 120 km, có nhiều bãi tắm đẹp, mùa hè hằng năm, Ninh Thuận thu hút hàng nghìn lượt du khách trong nước và quốc tế đến nghỉ dưỡng, tắm biển. Gần đây, du khách phản ánh nguồn nước biển tại bãi tắm Bình Sơn - Ninh Chữ, TP Phan Rang - Tháp Chàm đang bị ô nhiễm vì rác thải sinh hoạt cùng với một khối lượng lớn thức ăn dư thừa từ lồng nuôi tôm hùm, cá chim… xả ra lẫn vào nước biển, đã dẫn dụ loài sứa biển tấp vào gần bờ, khiến cho du khách ngại tắm biển vì sợ bị sứa đốt gây bỏng ngứa..., ảnh hưởng đến phát triển du lịch biển của địa phương trong tương lai.
Chúng tôi đến khu vực rạn Ðông Giang, phường Ðông Hải, TP Phan Rang - Tháp Chàm, chứng kiến hình ảnh nhiều tàu đánh cá của ngư dân cập bờ cùng với hàng trăm lồng bè nuôi thủy sản nằm cách bãi tắm Bình Sơn - Ninh Chữ khoảng hơn một hải lý. Qua trao đổi, người dân phản ánh, theo quy hoạch của tỉnh, tiểu vùng C1 và C2 là vùng biển hở, không có đồi núi che chắn, chỉ thích hợp nuôi thủy sản vào mùa gió bấc, còn vào mùa gió tây - nam (từ tháng 4 đến tháng 8 hằng năm), nơi này xuất hiện sóng to, gió lớn, nếu người dân không di chuyển lồng nuôi về tiểu vùng C3, dựa vào rạn Ðông Giang che chắn để tránh trú, sẽ bị thiệt hại nặng. Mỗi lần di dời nhà bè từ tiểu vùng C1 và C2 đến tiểu vùng C3, phải thuê tàu kéo nhà bè lênh đênh trên biển nhiều hải lý, chi phí khoảng 10 triệu đồng/nhà bè và phải hơn 10 giờ mới đến nơi, nhưng người nuôi vẫn phải chấp nhận, để bảo vệ tài sản.
Ngư dân Phan Văn Minh, ở Khu phố 1, phường Ðông Hải cho biết, hầu hết các nhà bè được đóng, lắp ghép bằng vật liệu nhẹ và gỗ, bên trên bè, bà con dựng tạm căn phòng có diện tích khoảng 8 m2, làm chỗ ngủ, sinh hoạt. Phần sàn nhà bè tiếp xúc với mặt nước được gắn chặt hàng chục chiếc thùng phuy nhựa, làm phao đỡ bè lênh đênh trên biển, mỗi nhà bè có từ 30 đến 100 lồng sắt nuôi thủy sản (12 m2/lồng) được cột bằng dây thừng, dây thép, chằng níu vào bè và thả chìm xuống nước. Khi gió mùa tây - nam thổi mạnh, sóng lớn đánh liên tục, trong lúc các lồng nuôi thủy sản không bảo đảm an toàn, không đủ sức chống chịu nổi lực tác động mạnh, sẽ bị hỏng, thậm chí nhiều dây chằng chéo bị đứt, khiến lồng nuôi chìm luôn xuống biển, mất cả tài sản.
Ông Phan Văn Hoa, ở Khu phố 1, phường Ðông Hải bộc bạch: "Mấy năm đầu, vào mùa gió tây - nam, nhiều hộ nuôi cũng đã bám trụ lồng bè tại tiểu vùng C1 và C2, nhưng hậu quả là nhiều bè bị sóng, gió đánh sập, thủy sản đang nuôi trôi hết ra biển, khiến nhiều hộ nuôi mất "cả chì lẫn chài". Mỗi nhà bè thả nuôi với số lượng ít nhất là 30 lồng/năm, chỉ tính khoản đầu tư vốn làm nhà bè, lồng, mua giống đã hơn một tỷ đồng (chưa tính các chi phí khác như: thức ăn, thuê lao động….), nếu gặp thiên tai, mất hết thì khó mà gượng lại được".
Người dân nhận thức được việc đưa nhiều nhà bè vào tránh trú tại tiểu vùng C3, phần nào đã làm ảnh hưởng đến mỹ quan phát triển du lịch biển. Từ khi UBND tỉnh Ninh Thuận ban hành quy hoạch, bà con chỉ nuôi các loài thủy sản có thời gian sinh trưởng ngắn, như tôm hùm xanh, cá bớp, cá chim… mỗi lứa nuôi trong thời gian chín tháng cho thu hoạch. Do đó, khi thả giống nuôi ở vùng C1 và C2 rất ổn định vào mùa bấc (khoảng sáu tháng), ba tháng nuôi còn lại rơi vào mùa gió tây - nam, là thời gian tôm, cá lớn nhanh, đủ trọng lượng để thu hoạch xuất bán. Nếu không di chuyển nhà bè, lồng nuôi về vùng C3, vẫn lưu bè lồng nuôi tại vùng C1 và C2 đang có sóng lớn đánh ập vào cùng với gió thổi mạnh, chắc chắn nhà bè, lồng nuôi sẽ bị hư hỏng, nguy cơ trắng tay, thua lỗ là chắc chắn.
Hiện, khu vực C3 có hơn 100 bè nuôi, với gần 2.000 lồng nuôi tôm hùm xanh, cá bớp, cá chim… trong đó có 74 bè nuôi của người dân tại phường di chuyển từ vùng C1 và C2 về như mọi năm, số còn lại là của người dân nơi khác di chuyển đến tránh trú vào mùa gió tây - nam.
Ngày 18-7, UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức cuộc họp nhằm tìm kiếm các giải pháp xử lý hài hòa giữa việc phát triển nghề nuôi trồng thủy sản và bảo đảm mỹ quan để phát triển du lịch biển trong tương lai. Qua đó, xác định một số bất cập giữa quy hoạch của tỉnh và tình hình sản xuất thực tế. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam, nhân rộng mô hình nuôi thủy sản có giá trị kinh tế cao là một trong những "trục" chiến lược mà Ðảng bộ tỉnh đã đề ra và rất quan tâm khuyến khích, để phát triển kinh tế trong tương lai. Tuy nhiên, để bảo đảm bền vững khi nuôi trong những địa hình tự nhiên chưa thuận lợi hoàn toàn cho cả mùa vụ, các ngành chức năng và chính quyền các cấp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp người dân tiếp cận công nghệ nuôi mới, độ an toàn cao để thay thế cho lồng bè truyền thống khi bà con nuôi số lượng nhiều. Theo quy định của Luật Thủy sản năm 2017 và Nghị định 26/2019/NÐ-CP ngày 8-3-2019 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật, từ ngày 25-4-2020 các loại hình nuôi lồng bè trên biển phải đăng ký và được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Do đó, trước mắt, giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các ngành, địa phương xác định tọa độ phù hợp tại vùng C3 để khoanh vùng lưu trú tạm thời cho người nuôi thủy sản trong vụ gió tây - nam và thông báo rộng rãi để người nuôi biết và di dời nhà bè đến lưu trú tại tọa độ mới, để bảo đảm cảnh quan môi trường, không ảnh hưởng đến hoạt động du lịch biển, đồng thời làm cơ sở khoa học cấp phép nuôi trồng thủy sản cho các hộ dân theo quy hoạch trong thời gian tới.
Về cơ bản, tỉnh Ninh Thuận chỉ mới tạm thời xử lý vụ việc trước mắt, còn lâu dài, nếu không có các biện pháp căn cơ, thì e rằng nghề nuôi trồng thủy sản có giá trị kinh tế cao cũng như điều kiện phát triển du lịch biển sẽ không đạt như mong muốn.
Để bảo đảm an toàn và phát triển nghề nuôi trồng thủy sản lồng bè theo hướng bền vững, chúng tôi đã kiến nghị UBND tỉnh cho chủ trương thử nghiệm, chuyển giao cho ngư dân công nghệ nuôi hải sản bằng lồng nhựa theo công nghệ Na Uy. Loại lồng này có nhiều ưu điểm như chịu được sóng gió lớn phù hợp với vùng biển hở C1, C2; có thể nuôi với thể tích lớn, thuận tiện cho việc kiểm tra, thu hoạch thủy sản. Nguyễn Khắc Lâm |
Xuất phát từ thực tiễn sản xuất, qua những lần đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp tiếp xúc cử tri, bà con cũng đã bày tỏ nguyện vọng và kiến nghị tỉnh xem xét, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phù hợp tại vùng C3 để bà con yên tâm sản xuất đúng, đủ mùa vụ hằng năm. Tỉnh và thành phố cũng đã cử nhiều đoàn cán bộ đi khảo sát, nhưng đến nay vẫn chưa có hướng giải quyết dứt điểm. Trần Quốc Toản |