Gỡ khó đơn giá, định mức trong xây dựng công trình giao thông

NDO - Theo phản ánh của các cơ quan chức năng và nhà thầu giao thông, đơn giá định mức hiện nay chưa đồng bộ hoặc xây dựng chưa sát với thực tế, dẫn đến tình trạng nhà thầu giao thông chưa được tính đúng, tính đủ so với nhân lực, vật lực, thiết bị công nghệ đã đầu tư để triển khai dự án.
0:00 / 0:00
0:00
Tọa đàm: “Gỡ khó đơn giá, định mức trong xây dựng công trình giao thông” do Báo Giao thông tổ chức ngày 6/12.
Tọa đàm: “Gỡ khó đơn giá, định mức trong xây dựng công trình giao thông” do Báo Giao thông tổ chức ngày 6/12.

Không ít nhà thầu rơi vào cảnh càng làm càng lỗ, không có nguồn lực tái đầu tư trang thiết bị, tuyển dụng/giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao để tăng năng lực cạnh tranh, bắt kịp sự phát triển của các nhà thầu quốc tế.

Đơn giá định mức “vênh” rất xa thực tế

Thực hiện Đề án hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng theo Quyết định số 2038 ngày 18/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở đề nghị của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng đã tiếp thu ý kiến để ban hành định mức xây dựng tại Thông tư số 12/2021/TT-BXD ngày 31/8/2021. Thông tư mới được ban hành đã giải quyết phần lớn khó khăn, vướng mắc về định mức trong lập dự toán chi phí xây dựng công trình đối với lĩnh vực đường bộ, cơ bản đáp ứng các yêu cầu các dự án đang được triển khai đầu tư xây dựng.

Gỡ khó đơn giá, định mức trong xây dựng công trình giao thông ảnh 1

Bất cập lớn nhất trong đơn giá, định mức hiện nay tập trung ở ba vấn đề: nhân công, ca máy và khấu hao vật tư thi công.

Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia giao thông, bất cập lớn nhất trong đơn giá, định mức theo quy định tại Thông tư 12 hiện nay tập trung ở ba vấn đề: nhân công, ca máy và khấu hao vật tư thi công. Thực tiễn đó đòi hỏi cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành cấp thiết xây dựng bộ đơn giá, định mức mới phù hợp với thực tiễn cơ bản đáp ứng các yêu cầu các dự án đang được triển khai đầu tư xây dựng.

Tại buổi tọa đàm: “Gỡ khó đơn giá, định mức trong xây dựng công trình giao thông” do Báo Giao thông tổ chức ngày 6/12, Đại tá Nguyễn Tuấn Anh, Phó Tư lệnh Binh đoàn 12, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn nhận định, có sự chênh lệch rất lớn giữa đơn giá trong hợp đồng so với giá thực tế.

Gỡ khó đơn giá, định mức trong xây dựng công trình giao thông ảnh 3

Đại tá Nguyễn Tuấn Anh, Phó Tư lệnh Binh đoàn 12, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn.

“Trong đợt “bão giá” vật liệu cao tốc vừa qua, giá cát đắp theo hợp đồng khoảng 153 nghìn đồng/m3, nhưng thực tế mua bên ngoài khoảng 254 nghìn đồng/m3, vênh hơn 100 nghìn đồng/m3. Một công trình thi công thông thường, riêng hạng mục cát đắp đã cần sử dụng tới 300 nghìn m3, như vậy tính sơ sơ, nhà thầu phải bù lỗ tới 30 tỷ đồng. Còn về đơn giá nhân công, chủ đầu tư ép tiến độ, yêu cầu nhà thầu làm “3 ca, 4 kíp" làm ngày làm đêm, nhưng lại không thấy cơ quan nào bàn đến thực tế làm tăng giờ, tiền lương phải tăng 200-300% và nhà thầu lấy nguồn ở đâu để bù vào”, Đại tá Nguyễn Tuấn Anh nêu thí dụ.

Cũng theo ông Tuấn Anh, công trình hoàn thành đưa vào khai thác, khi tiến hành thanh tra kiểm toán, các cơ quan này thường áp dụng định mức có giá trị thấp nhất, nếu vượt mức là yêu cầu thu hồi của nhà thầu. Điều đó cho thấy, cùng một công việc có thể áp rất nhiều định mức chưa phù hợp với thực tế. Có bộ định mức vừa ban hành đã bộc lộ rõ bất cập.

Gỡ khó đơn giá, định mức trong xây dựng công trình giao thông ảnh 4

Đơn giá tính nhân công thực hiện 1 m3 bê tông chỉ từ 600-650 nghìn đồng, nhưng thực tế có giá từ 1,2-1,5 triệu đồng.

Ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Định An cũng đồng tình quan điểm trên và cho biết, trong đơn giá hiện nay có hai phần cần phải xem xét là đơn giá trực tiếp và hệ số khấu hao vật tư quá thấp, nhiều công trình hoàn thành có khi phải bán ngay thiết bị đặc chủng, bởi càng giữ càng lỗ. Trong văn bản kiến nghị của 12 nhà thầu gửi các cơ quan, ban ngành khi thực hiện dự án cao tốc bắc-nam giai đoạn 1 đã nêu rõ, đơn giá trực tiếp trung bình thiếu một nửa. Thí dụ, đơn giá tính nhân công thực hiện 1 m3 bê tông chỉ từ 600-650 nghìn đồng, nhưng thực tế có giá từ 1,2-1,5 triệu đồng.

Về khấu hao vật tư và ca máy, đơn giá ca máy đã lập quá lâu, không có thiết bị đặc chủng đưa vào thực hiện, nhà thầu phải đầu tư thiết bị để bảo đảm tiến độ, chất lượng. Đơn cử, mua một trạm trộn Nikko của Nhật Bản, chi phí khoảng 30-40 tỷ đồng, của Hàn Quốc khoảng 20 tỷ đồng, hệ thống máy khoan nhồi khoảng 20 tỷ đồng, máy thảm 10 tỷ đồng,.. Với khấu hao tính trong đơn giá ca máy làm liên tục, khối lượng không tập trung, máy thi công xong dự án phải bán ngay, vì càng giữ càng lỗ.

Hệ quả của việc chậm giải quyết vấn đề này không chỉ khiến nhà thầu thua lỗ mà còn dẫn đến sự phân hóa nhanh của các nhà thầu. Chỉ khoảng 5-7 năm sẽ lại thay một lớp nhà thầu mới, những nhà thầu tầm trung trở xuống sẽ không thể tồn tại lâu dài do không luân chuyển được máy móc, vật tư thiết bị đầu tư, không tối ưu hóa chi phí chung, do vậy khi “so găng” với nhà thầu lớn sẽ gục ngã.

Sẽ xây dựng bộ đơn giá, định mức mới

Ông Phùng Tiến Vinh, Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông vận tải) nhấn mạnh, trong tất cả các thông tư hướng dẫn đã ban hành, có ảnh hưởng rất lớn đến cả nhà thầu tư vấn, thiết kế, giám sát, nhà thầu xây lắp. Các cơ quan của Bộ Giao thông vận tải đang tổng hợp lại các đơn giá định mức còn thiếu để bổ sung, cập nhật thêm vào Thông tư 12 của Bộ Xây dựng sao cho phù hợp nhất với thực tiễn.

Gỡ khó đơn giá, định mức trong xây dựng công trình giao thông ảnh 5

Giai đoạn gần đây, có thêm nhiều công nghệ, máy móc mới,… áp dụng trong thực tiễn, hệ thống định mức có độ trễ, không theo kịp tiến bộ của công nghệ, máy móc công trình.

Ông Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Trung tâm Kinh tế xây dựng (Viện Kinh tế xây dựng) thừa nhận, giai đoạn gần đây, có thêm những dự án mới, nhiều tiêu chuẩn mới, công nghệ, máy móc mới,… được áp dụng trong thực tiễn, hệ thống định mức có độ trễ, không theo kịp tiến bộ của công nghệ, máy móc công trình. Vì vậy, việc vận dụng định mức mới đã nảy sinh nhiều bất cập.

Trước tình hình đó, Bộ Xây dựng đã giao cho Viện Kinh tế xây dựng tiến hành rà soát tổng thể liên quan tới tiêu chuẩn xây dựng và tổng hợp nhiều tiêu chuẩn thay đổi. Theo chỉ đạo của Bộ Xây dựng, Viện Kinh tế xây dựng đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải để rà soát các định mức, đồng thời phối hợp với Hiệp hội nhà thầu theo dõi số liệu thực tế tại hiện trường để từ đó xây dựng đơn giá định mức phù hợp. Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ xây dựng bộ đơn giá, định mức đáp ứng được nhu cầu Bộ Giao thông vận tải cần.

Đại tá Nguyễn Tuấn Anh kiến nghị, cần có mã định mức được mô tả, định nghĩa, điều kiện áp dụng cụ thể, rõ ràng, tránh trường hợp một hạng mục nhưng áp dụng nhiều định mức khác nhau. Ngoài ra, việc lập đơn giá định mức, nếu cần thiết, các cơ quan quản lý Nhà nước trong quá trình nghiên cứu triển khai, cần phải có đối chiếu thực địa.

“Cơ quan quản lý Nhà nước có thể học hỏi kinh nghiệm ở một số nước, xem xét xã hội hóa công tác lập định mức để kịp thời áp dụng, hiện có hàng trăm định mức, nếu cứ tuần tự lập từng định mức thì sẽ mất rất nhiều thời gian, khi hoàn thành có khi đã lạc hậu rất xa thực tiễn", Đại tá Tuấn Anh cảnh báo.

Gỡ khó đơn giá, định mức trong xây dựng công trình giao thông ảnh 6

Ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Định An.

Theo ông Nguyễn Hồng Quang (Tập đoàn Định An), việc khắc phục đơn giá, định mức tuy không thể làm nhanh được nhưng nếu có cách làm mới thì cũng không quá lâu, có thể xong trước khi hoàn thành cao tốc bắc-nam (giai đoạn 2). Trong giai đoạn 1 cao tốc bắc-nam, đã bầu ra 20 nhà thầu lớn với 7 đơn vị thường trực, làm rất chi tiết trong việc photocopy các chứng từ, lập bảng so sánh giữa hồ sơ thầu, định mức thực tế đang áp dụng và định mức phải làm thừa-thiếu như thế nào, hóa đơn chuẩn sẽ có chi phí thật,... Cơ quan chuyên môn ra hiện trường đi theo nhà thầu thi công thực tế sẽ có biên bản rà soát hiện trường chính xác.

“Theo tính toán của chúng tôi, có chưa đến 300 định mức, có thể chia nhóm để làm, có đủ thời gian làm đơn giá định mức, khắc phục các vướng mắc còn tồn tại. Tại dự án cao tốc bắc-nam, có thể lấy một số đoạn làm điển hình, sau đó so sánh chéo, các bộ ngành cần có sự phối hợp tham gia về vấn đề này. Nếu bắt đầu làm từ bây giờ, có thể không quá 2 năm sẽ hoàn thiện bộ đơn giá, định mức”, ông Nguyễn Hồng Quang kiến nghị.

Tham gia ý kiến về điều chỉnh xây dựng định mức mới và đơn giá dự toán, ông Trần Đình Tuyên, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án 7 cho rằng, các nhà thầu, tư vấn, chủ đầu tư cung cấp thêm các cơ sở dữ liệu chính xác, có định lượng để xác định, lập các định mức đề nghị Bộ Xây dựng thỏa thuận thống nhất để Bộ Giao thông vận tải ban hành định mức chuyên ngành.

Ông Đặng Hoài Nam, Trưởng phòng Định mức, đơn giá (Cục Kinh tế xây dựng-Bộ Xây dựng) cho biết, theo quy định, sau 3 năm ban hành, sẽ rà soát bộ định mức một lần. Đối với Thông tư 12, đến nay cũng đến thời điểm cần có sự rà soát, cập nhật. Viện Kinh tế xây dựng đang tổng hợp các danh mục định mức, tập trung vào các định mức của công trình giao thông trọng điểm. Trong thời gian tới, Bộ sẽ rà soát kết quả thực hiện của viện để xây dựng, ban hành.