Các tỉnh nam Tây Nguyên có nhiều tiềm năng, lợi thế, nhưng trong quá trình phát triển còn có những hạn chế, bất cập và gặp nhiều khó khăn, thách thức; nếu được khắc phục, tháo gỡ, kết hợp nguồn lực chưa được khai thác hiệu quả, sẽ là cơ hội để các địa phương bứt phá.
Kinh tế tiếp tục tăng trưởng
Trung tuần tháng 5/2023, tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Chính phủ theo Quyết định 435/QĐ-TTg, tổ chức tại TP Đà Lạt, do đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm trưởng đoàn, về tình hình, giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk và Đắk Nông, lãnh đạo các địa phương đã thông tin khái quát tình hình phát triển kinh tế-xã hội những tháng đầu năm 2023; đồng thời khẳng định, Tây Nguyên nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh.
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã triển khai nhiều nghị quyết, tổ chức nhiều chương trình và đầu tư nguồn lực lớn để phát triển Tây Nguyên.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Phúc thông tin, kinh tế địa phương năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 tiếp tục tăng trưởng.
Tổng sản phẩm địa phương (GRDP) quý I/2023 tăng 5,63%; bốn tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 298 triệu USD, tăng 34,8% so với cùng kỳ năm 2022; thu hút 3,1 triệu lượt du khách, tăng 30,8%; có 446 doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký hơn 2.500 tỷ đồng; thu hút được 3 dự án đầu tư, tổng số vốn đăng ký 487,2 tỷ đồng.
Hiện toàn tỉnh có 107/111 xã và 5 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 6 xã nông thôn mới nâng cao. Lâm Đồng đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đường cao tốc Tân Phú-Bảo Lộc và Bảo Lộc-Liên Khương, nhằm nâng cao khả năng kết nối, rút ngắn thời gian kết nối tỉnh Lâm Đồng với khu vực kinh tế trọng điểm phía nam, với nỗ lực cao nhất để khởi công dự án vào ngày 2/9/2023 như dự kiến.
Triển khai nghị quyết của Trung ương và địa phương về phát triển kinh tế-xã hội, ngay từ đầu năm, tỉnh Đắk Lắk đã ban hành chương trình hành động để tập trung chỉ đạo, điều hành. Quý I/2023, GRDP của tỉnh tăng trưởng hơn 4,2%; 4 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh có 471 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2022; thu hút hơn 355 nghìn lượt du khách tham quan, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái; kim ngạch xuất khẩu đạt 540 triệu USD.
"Tỉnh đang tập trung chỉ đạo thực hiện các dự án đầu tư thuộc chương trình phục hồi phát triển kinh tế-xã hội; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, để bảo đảm khởi công dự án trước ngày 30/6 này", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk H’Yim Kđoh thông tin.
Theo đánh giá của UBND tỉnh Đắk Nông, quý I/2023, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 4,64%, cao hơn bình quân cả nước; tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 3.911 tỷ đồng, đạt gần 19% kế hoạch; các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp duy trì ổn định; thương mại, dịch vụ, nhất là lĩnh vực du lịch tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2022, thu hút hơn 248 nghìn lượt du khách, tăng 119,9%; kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 358 triệu USD, tăng 27,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Đắk Nông đang phối hợp với tỉnh Bình Phước đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc bắc-nam phía tây, đoạn Gia Nghĩa-Chơn Thành, nhằm tăng sự kết nối, tạo động lực phát triển cho các địa phương.
Thời gian qua, hàng loạt chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại; chương trình kích cầu du lịch được các tỉnh triển khai và mang lại kết quả khả quan, nổi bật như Lễ hội Cà-phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 tại Đắk Lắk, với nhiều hoạt động thiết thực, sôi động; trong đó, hội chợ triển lãm chuyên ngành cà-phê thu hút 150 doanh nghiệp ngành cà-phê trong và ngoài nước tham gia, hàng chục bản ghi nhớ hợp tác được ký kết; hơn 450 đại biểu dự hội nghị kết nối giao thương quốc tế…
Lễ hội thu hút hơn 90 nghìn lượt du khách trong nước và quốc tế đến với Đắk Lắk. Tuần lễ vàng Du lịch Lâm Đồng lần thứ 2-năm 2023, gồm 18 chương trình, hoạt động, diễn ra trên tất cả 12 huyện, thành phố của tỉnh đã thu hút hơn 350 nghìn lượt du khách; trong đó có 9.000 lượt khách quốc tế.
Trong những tháng đầu năm 2023, tỉnh Lâm Đồng đã tham gia, tổ chức chương trình kết nối giao thương với nhiều tỉnh, thành phố trong nước; xúc tiến hợp tác một số lĩnh vực với Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ…
Tỉnh Đắk Nông tổ chức giải vô địch dù lượn quốc gia lần 3 tại khu du lịch Tà Đùng, qua đó giới thiệu những thành tựu, tiềm năng phát triển kinh tế-xã hội; quảng bá, kích cầu du lịch địa phương.
Năm 2023, tỉnh Đắk Nông tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, du lịch tại thị trường trong nước và quốc tế.
Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười giao các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch để hằng năm tham gia từ 7 đến 10 sự kiện xúc tiến đầu tư, du lịch trong nước; hai đến ba sự kiện xúc tiến đầu tư, du lịch ngoài nước.
Sớm tháo gỡ những điểm nghẽn
Tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Chính phủ theo Quyết định 435/QĐ-TTg, lãnh đạo các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng đã nêu rõ những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị, đề xuất với Đoàn công tác nhiều nội dung theo các nhóm vấn đề về thể chế; quy hoạch và tính đồng bộ, liên thông hệ thống quy hoạch từ Trung ương đến địa phương; kết nối vùng; phát triển rừng và kinh tế nông nghiệp…
Cụ thể, tỉnh Đắk Lắk kiến nghị Trung ương xem xét, tăng định mức đầu tư trồng rừng phòng hộ, đặc dụng; hỗ trợ trồng rừng sản xuất hiệu quả để thu hút doanh nghiệp, hộ gia đình tham gia trồng rừng; đề nghị Chính phủ xem xét cho tỉnh căn cứ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt và nhu cầu sử dụng đất của địa phương để lập phương án sử dụng đất có nguồn gốc thu hồi từ các lâm trường bàn giao địa phương quản lý; xử lý đối với đất do nhà đầu tư nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.
"Rất mong các bộ, ngành Trung ương tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (nhất là lĩnh vực tiếp cận đất đai, nguồn vốn, quy hoạch…), kịp thời triển khai các giải pháp của Chính phủ về hỗ trợ thuế, phí, lệ phí cho doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương và cả nước", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk H’Yim Kđoh mong muốn.
Tỉnh Đắk Nông kiến nghị Trung ương tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến thực hiện quy hoạch khoáng sản bô-xít, do ảnh hưởng các công trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông phân tích, để khai thác hiệu quả, hết trữ lượng tài nguyên bô-xít trên địa bàn tỉnh cần có lộ trình, thời gian rất dài, có thể lên đến hàng trăm năm. Vì vậy, khi quy hoạch, cũng như việc khai thác bô-xít chậm triển khai theo chủ trương, lộ trình do yếu tố khách quan và chủ quan sẽ ảnh hưởng lớn việc hoạch định, xây dựng kế hoạch đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội địa phương gắn với yêu cầu bảo vệ, khai thác khoáng sản, bảo đảm tuân thủ theo quy định của pháp luật. Tỉnh Đắk Nông cũng đề nghị điều chỉnh chỉ tiêu đất quy hoạch lâm nghiệp, khai thác phát triển du lịch sinh thái hồ Tà Đùng.
Tỉnh Lâm Đồng kiến nghị, đề xuất về giao kế hoạch đầu tư công, hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho các công trình trọng điểm địa phương; đề nghị Trung ương xem xét, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương trong triển khai thực hiện Dự án xây dựng cao tốc đoạn Tân Phú-Bảo Lộc và Bảo Lộc-Liên Khương; hướng dẫn cụ thể việc tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án thương mại, dịch vụ; sớm ban hành các giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đầu tư xây dựng, xuất nhập khẩu...
Thay mặt Đoàn công tác Chính phủ, đồng chí Nguyễn Văn Hùng cho biết, nhìn lại năm 2022, quý I/2023, tình hình kinh tế-xã hội ba tỉnh nam Tây Nguyên theo các số liệu báo cáo đã có nhiều cố gắng, nỗ lực, điểm sáng; nhất là trong triển khai thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ về thực hiện nghị quyết này. Các tỉnh đã thể hiện quyết tâm cao, nỗ lực lớn để đưa Nghị quyết 23 vào cuộc sống.
Đồng chí cho rằng, bên cạnh những lĩnh vực phát triển tốt còn có những lĩnh vực trì trệ, còn nhiều vướng mắc do nhiều nguyên nhân; Đoàn công tác ghi nhận, tổng hợp để hoàn thiện báo cáo trình Chính phủ.
"Tinh thần Chính phủ chỉ đạo các địa phương là phải chủ động rà soát để kịp thời xử lý các vướng mắc, điểm nghẽn trong các lĩnh vực tại địa phương; có các đề xuất cụ thể, đạt hiệu quả", Trưởng đoàn công tác Chính phủ nhấn mạnh.