12/13 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng
Cụ thể, kim ngạch 12/13 nhóm mặt hàng xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2021 tăng so với cùng kỳ năm 2020 bao gồm: rau quả đạt 1,21 tỷ USD tăng 16,1%; gạo đạt 308,7 triệu USD, tăng 12,5%; hạt điều đạt 292,1 triệu USD, tăng 85,3%; cà-phê đạt 64,2 triệu USD, tăng 58,1%; chè đạt 8,4 triệu USD, tăng 59,0%; cao-su đạt 793,7 triệu USD, tăng 82,4%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 814 triệu USD, tăng 27,2%; sắn và sản phẩm sắn đạt 566,1 triệu USD, tăng 32,6%; thức ăn gia súc đạt 188,3 triệu USD, tăng 124,3%; sản phẩm mây tre, cói, thảm đạt 4,8 triệu USD, tăng 7,8%; xơ, sợi dệt các loại đạt 1,4 tỷ USD, tăng 57,2%; sản phẩm từ cao-su đạt 51,3 triệu USD, tăng 29,7% so cùng kỳ năm 2020. Riêng mặt hàng thủy sản đạt 438,4 triệu USD, giảm 9,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Về nhập khẩu nông, lâm, thủy sản từ Trung Quốc vào Việt Nam, có 10/11 nhóm mặt hàng có kim ngạch tăng bao gồm: hàng rau quả đạt 196,9 triệu USD, tăng 38,9%; hàng thủy sản đạt 88,3 triệu USD, tăng 44,5 %; cao-su đạt 113,4 triệu USD, tăng 182,7%; sản phẩm từ cao-su đạt 206,7 triệu USD, tăng 37,5%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 570,7 triệu USD, tăng 76,7%; xơ, sợi dệt các loại đạt 722,2 triệu USD, tăng 40,1%; thuốc trừ sâu và nguyên liệu đạt 203,5 triệu USD, tăng 22,4%; phân bón các loại đạt 281,1 triệu USD, tăng 37,5%; thức ăn gia súc và nguyên liệu đạt 108,1 triệu USD, tăng 13,7% so cùng kỳ năm 2020; chỉ có mặt hàng bông các loại đạt 0,81 triệu USD, giảm 14,8% so cùng kỳ năm 2020.
Khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Lương Trọng Quỳnh cho biết, hiện nay, phía Trung Quốc kiểm hóa 100% lô hàng trái cây của Việt Nam nên thời gian thông quan hàng hóa lâu hơn so với các loại trái cây của nước khác (trái cây Thái Lan chỉ kiểm hóa 30%). Đồng thời, nhiều hoa quả có nhu cầu xuất khẩu và cũng là thế mạnh của Việt Nam nói chung và của tỉnh Lạng Sơn nói riêng như: chanh leo, sầu riêng, na... chưa thuộc danh mục được phép xuất khẩu sang Trung Quốc.
Thời gian gần đây, do phía Trung Quốc tạm thời dừng nhập khẩu thanh long qua cửa khẩu Hà Khẩu (phía Việt Nam là cửa khẩu Lào Cai, tỉnh Lào Cai) và cửa khẩu Thiên Bảo (phía Việt Nam là cửa khẩu Thanh Thủy, tỉnh Hà Giang) nên lượng phương tiện vận chuyển thanh long dồn và tăng lên tại cửa khẩu Tân Thanh đến ngày 7/8 là 521 xe (trong tổng số 619 xe nông sản trái cây). Khu vực ngoài cửa khẩu tồn 130 xe trong khi năng lực thông quan trung bình hàng ngày hiện nay qua cửa khẩu Tân Thanh là 100-130 xe.
Đối với tỉnh Quảng Ninh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khắng thông tin, việc giao nhận hàng hóa tại cửa khẩu của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng do phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, phát sinh thêm chi phí. Tại Cửa khẩu cầu Bắc Luân II đang thực hiện nghỉ thứ 7 và chủ nhật nên gây ra phát sinh lưu xe, kho bãi, ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp nội địa.
Các địa phương kiến nghị, cần đẩy nhanh việc hoàn tất thủ tục mở cửa thị trường cho trái cây, nông sản Việt Nam vào thị trường Trung Quốc (bổ sung các mặt hàng sầu riêng, bưởi, chanh leo, bơ, na, roi, dừa, khoai lang tím...). Thường xuyên cập nhật và thông báo tới các thương nhân quy định của phía Trung Quốc về: tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn vùng trồng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, quy cách đóng gói, chất lượng, chủng loại...; hỗ trợ sản xuất nông sản sạch theo các tiêu chuẩn tiên tiến; xây dựng nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa rõ ràng.
Về vấn đề này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trao đổi với phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc về việc ký kết Nghị định thư về kiểm dịch đối với 8 loại hoa quả (thanh long, dưa hấu, chôm chôm, xoài, vải, nhãn, chuối, mít), tạo thuận lợi trong xuất khẩu trái cây chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Đồng thời thúc đẩy trao đổi trực tuyến với cơ quan đầu mối của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, mở cửa thị trường đối với sầu riêng, khoai lang; đẩy nhanh tiến độ đàm phán, mở cửa thị trường đối với các sản phẩm hoa quả ưu tiên của Việt Nam: bưởi, chanh leo, bơ, na, roi, dừa, thảo quả và dứa. Thống nhất hoàn thiện hồ sơ để xuất khẩu tạm thời đối với ớt và khoai lang trong điều kiện dịch Covid-19 hiện nay.