Gỡ nút thắt pháp lý cho vay tiêu dùng

NDO - Để hình thành thói quen "vay văn minh, trả văn minh" cho khách hàng vay tiêu dùng, các chuyên gia khuyến nghị cần sửa đổi một số quy định pháp luật theo hướng bình đằng hóa quan hệ giữa đơn vị cho vay và người đi vay. Đồng thời, thay đổi phương thức tính lãi suất cho vay và xem xét xây dựng sàn giao dịch nợ xấu tiêu dùng.
0:00 / 0:00
0:00
Gỡ nút thắt pháp lý cho vay tiêu dùng

Những nút thắt hiện hữu

Tiêu dùng được coi là một trong ba động lực tăng trưởng, cùng với đầu tư và xuất khẩu. Trong đó, thị trường tín dụng tiêu dùng với sự tham gia của ngân hàng thương mại cho vay với mức lãi suất hợp lý, nhưng điều kiện cho vay chặt chẽ và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng như công ty tài chính tiêu dùng, công ty công nghệ tài chính (fintech), các chuỗi cầm đồ đã phần nào bù đắp được khoảng trống tín dụng trên thị trường, giúp hàng triệu khách hàng dưới chuẩn tiếp cận được vốn tín dụng.

Sự gia nhập thị trường của các tổ chức này cũng giúp hình thành thói quen vay tiêu dùng trong xã hội, từ đó kích thích sản xuất, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, sự phát triển quá nhanh trong thời gian ngắn cũng khiến thị trường tín dụng tiêu dùng phát sinh một số hệ lụy, nhất là tình trạng nhân viên một số công ty tài chính, chuỗi cầm đồ, công ty đòi nợ thuê có hành vi đòi nợ khủng bố, gây phản cảm trong xã hội. Thậm chí, nhiều tổ chức tín dụng đen mạo danh công ty tài chính, fintech… được cấp phép để “bẫy” người tiêu dùng.

Với bối cảnh trên, lực lượng công an đã tiến hành kiểm tra hoạt động tại một số trụ sở, chi nhánh, văn phòng mở rộng các công ty tài chính, góp phần trấn áp tội phạm tín dụng đen.

Tuy nhiên, một số khách hàng lại coi động thái này là cơ sở để thực hiện hành vi tẩy chay đơn vị cho vay với lý do “hoạt động thu hồi nợ của các công ty tài chính tiêu dùng là phạm pháp”, thậm chí chây ỳ việc trả nợ và có hành vi thách thức lại cán bộ thu hồi nợ khi bị nhắc nợ nhiều lần.

Ngoài ra, các hội nhóm chia sẻ cách thức “bùng” nợ xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội, thu hút hàng trăm nghìn thành viên tham gia, tạo tâm lý “bùng nợ tập thể” gây hệ lụy xấu cho xã hội.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho biết khi thiết kế Chiến lược Tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tạo môi trường thuận lợi cho việc thực hiện các mục tiêu tài chính toàn diện; phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản, hướng đến những đối tượng mục tiêu của tài chính toàn diện. Ngoài ra, bảo đảm công bằng, toàn diện, bảo vệ lợi ích hợp pháp của cả người đi vay và cho vay.

Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là “thi hành chính sách như thế nào?”. Ông Hiếu cho biết có ba vấn đề cần giải quyết, gồm: Thiếu khung pháp lý; Hiệu quả thực thi chính sách, bởi nếu thực thi có hiệu quả quy định hiện hành thì đã giải quyết được phần lớn hiện trạng; Tạo lập một môi trường kinh doanh cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả cho các chủ thể khác nhau như tổ chức tín dụng, công ty tài chính và các tổ chức khác.

Lý giải cụ thể hơn, ông Nguyễn Hoàng Minh, Trưởng đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh cho biết, chỉ 16 công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp phép, trong khi các ứng dụng (app) không được cấp phép rất nhiều, gây ảnh hưởng những đơn vị chính thống và khiến họ bị đánh đồng, ngộ nhận và ảnh hưởng thương hiệu. Thậm chí, không ít công ty tài chính tiêu dùng hợp pháp, được cấp phép quản lý cũng bị đánh đồng với tín dụng đen.

Chỉ 16 công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp phép, trong khi các ứng dụng (app) không được cấp phép rất nhiều, gây ảnh hưởng những đơn vị chính thống và khiến họ bị đánh đồng, ngộ nhận và ảnh hưởng thương hiệu. Thậm chí, không ít công ty tài chính tiêu dùng hợp pháp, được cấp phép quản lý cũng bị đánh đồng với tín dụng đen.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Trưởng đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh

Luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh, cho biết, các quy định tại Thông tư 43 và Thông tư 18 của Ngân hàng Nhà nước đã quy định chi tiết về quy trình cho vay, lãi suất, văn hóa thu hồi nợ… Thậm chí, việc đòi nợ thế nào được coi là hành vi vi phạm pháp luật cũng được quy định tại Điều 170 của Bộ luật Hình sự. Nhưng điều quan trọng là người thực hiện có chấp hành nghiêm chỉnh hay không.

“Quy định pháp luật là có nhưng quan trọng là con người thực hiện. Trong pháp luật của nhà nước cũng có quy định rất rõ ràng về đạo đức con người thu hồi nợ”, bà Hòa cho biết.

Thực tế, trên thị trường vẫn tồn tại những tổ chức tài chính với cơ chế thu nhập khắt khe cho nhân viên thu hồi nợ, tức lương cứng thấp, còn thu nhập chính từ hoa hồng được chia trên số tiền nợ đòi được. Điều này vô hình chung đã thúc đẩy nhân viên dùng mọi phương thức/thủ đoạn để đòi nợ, kể cả vi phạm pháp luật.

Không chỉ gặp khó khăn trong việc thu hồi nợ, việc khởi kiện đòi nợ tại tòa án hay yêu cầu xử lý hình sự về hành vi chiếm đoạt khi có đủ yếu tố cấu thành với những món nợ có giá trị không lớn cũng không phải là lựa chọn mà đơn vị cung cấp dịch vụ pháp lý tư vấn cho chủ nợ áp dụng, theo Luật sư Phạm Văn Phất, Văn phòng Luật sư An Phát Phạm.

Nguyên nhân dẫn tới thực trạng này là vướng mắc pháp lý trong hoạt động khởi kiện thu hồi nợ và vướng mắc pháp lý khi tố cáo người đi vay chiếm đoạt tài sản.

Với hoạt động khởi kiện thu hồi nợ, ông Phất cho biết, có những vụ việc kéo dài - từ thời điểm nhận đơn khởi kiện tới thời điểm thụ lý - là gần một năm, với nhiều lý do khác nhau.

Tới khi tòa án ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử thì một số thẩm phán lại tiếp tục cho hoãn phiên tòa nhiều lần, chủ yếu với lý do là hoãn theo đề nghị của bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Đương sự, tức doanh nghiệp cho vay, có đơn khiếu nại gửi đến tòa án, viện kiểm sát cùng cấp thì đa phần là không được trả lời hoặc trả lời không chấp nhận khiếu nại.

Thậm chí, sau phiên tòa sơ thẩm thì đương sự thường cũng không nhận được bản án trong thời hạn luật định. Nhiều đương sự phải nhiều lần đến tận tòa yêu cầu mới nhận được bản án. Về phía bị đơn, tức người vay tiền, trong các vụ án đòi nợ thường lựa chọn kháng cáo sau khi có bản án sơ thẩm nhằm mục đích kéo dài thời gian giải quyết vụ án để giãn thời gian trả nợ.

Tương tự, thời gian giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm cũng thường bị kéo dài, có trường hợp kéo dài với thời gian tính bằng năm, trong khi thời hạn pháp luật quy định chỉ có 2 tháng.

“Với những món nợ nhỏ, không đủ kinh phí để thuê luật sư hỗ trợ trong quá trình khởi kiện tại tòa, chủ nợ thường có tư tưởng buông xuôi, chịu mất món nợ hoặc lựa chọn phương thức thu hồi nợ không chính thức khác”, ông Phất nói và cho rằng thực tế này lại trở thành nguyên nhân chính để một số người đi vay tiếp tục chây ỳ việc trả nợ.

Với hoạt động tố cáo người đi vay chiếm đoạt tài sản, vị luật sư này cho biết các đơn tố giác, tin báo về tội phạm mà đơn vị cho vay gửi cơ quan điều tra với nội dung tố cáo hành vi có dấu hiệu phạm tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” của người vay thì hoặc là không được phản hồi, hoặc là được phản hồi với nội dung “vụ việc không có dấu hiệu hình sự” và hướng dẫn người gửi đơn yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng vay.

Bên cạnh đó, theo ông Phất, có những trường hợp sau khi nhận được đơn tố giác, tin báo về tội phạm, cơ quan điều tra không phản hồi với nội dung “vụ việc không có dấu hiệu hình sự”, nhưng cũng không ra quyết định khởi tố vụ án, mà ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết đơn, thậm chí nhiều lần tạm đình chỉ với các lý do khác nhau.

Bảo vệ lợi ích hợp pháp của người đi vay và đơn vị cho vay

Để hình thành thói quen "vay văn minh, trả văn minh", ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho rằng các cơ quan quản cần sớm sửa Bộ luật Dân sự và một số văn bản quy định pháp luật liên quan quy định về quyền lợi, nghĩa vụ giữa người vay và người cho vay.

Theo ông Hùng, một số quy định tại Bộ luật Dân sự cần được sửa đổi để có sự đồng bộ với quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng, Nghị quyết 42/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng với định hướng đặt trách nhiệm trả nợ của người đi vay lên hàng đầu, đi kèm với chế tài khả thi.

Thực tế, một trong các lý do khiến hoạt động thu hồi nợ bất hợp pháp bùng phát thời gian qua là ý thức trả nợ của người đi vay chưa cao, trong khi chế tài ràng buộc trách nhiệm với người đi vay lại chưa có.

“Quan hệ giữa đơn vị cho vay và người đi vay là bình đẳng, không thể vì không trả được nợ mà quan hệ trở nên bất bình đẳng. Việc nhanh chóng tích hợp thông tin dữ liệu trong căn cước công dân là một yêu cầu rất cấp thiết để các công ty tài chính, ngân hàng có dữ liệu khi cấp vốn. Với công ty tài chính, cho phép họ cho vay thì cũng phải cho họ được thu hồi nợ theo đúng quy định pháp luật. Nếu có sai phạm, cơ quan quản lý có thể rút giấy phép hoặc xử lý hình sự”, ông Hùng phân tích.

Quan hệ giữa đơn vị cho vay và người đi vay là bình đẳng, không thể vì không trả được nợ mà quan hệ trở nên bất bình đẳng. Việc nhanh chóng tích hợp thông tin dữ liệu trong căn cước công dân là một yêu cầu rất cấp thiết để các công ty tài chính, ngân hàng có dữ liệu khi cấp vốn. Với công ty tài chính, cho phép họ cho vay thì cũng phải cho họ được thu hồi nợ theo đúng quy định pháp luật. Nếu có sai phạm, cơ quan quản lý có thể rút giấy phép hoặc xử lý hình sự.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng Việt Nam (VNBA)

Bổ sung, Luật sư Trương Thị Hòa khuyến nghị người đi vay tín dụng tiêu dùng cần phải biết rõ công ty tài chính, ngân hàng cho mình vay và những quy định trong hợp đồng cụ thể.

“Bên cho vay có nghĩa vụ cung cấp dự thảo vay cho người vay nghiên cứu, nếu sử dụng hợp đồng mẫu thì phải niêm yết tại văn phòng, chi nhánh giao dịch để người vay tham khảo”, bà Hòa đề xuất.

Cũng theo vị này, người đi vay cần quan tâm lãi suất và phương thức tính lãi suất của đơn vị cho vay, các khoản phí cụ thể. Đặc biệt, phải theo dõi phương thức đốc thúc, thu hồi và xử lý nợ.

Hiện hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước nêu rõ công ty tài chính, bên cho vay phải giải thích cho người vay những điều khoản hợp đồng, cung cấp hợp đồng cho người vay.

Ngoài ra, nếu bên cho vay đốc thúc thu hồi nợ không đúng quy định, vi phạm pháp luật, người đi vay có thể trình báo các cơ quan có thẩm quyền là Ngân hàng Nhà nước chi nhánh địa phương, cơ quan công an.

Còn bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân, Đại biểu Quốc hội - Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, cho biết không một ai nghĩ rằng vay tiêu dùng xong thành nợ xấu vì “ai vay cũng đều mong muốn trả được nợ”. Nhưng nếu lãi suất quá cao hoặc các hình thức vay quá khó khăn thì người lao động (người đi vay – PV) không thể tiếp cận được hoặc vay rồi không trả nổi mới chuyển sang chiều hướng xấu.

Do đó, cần nhìn nhận người lao động với cái nhìn hỗ trợ và để cùng thúc đẩy thị trường tài chính tiêu dùng phát triển bền vững.

Với vai trò đại diện tổ chức công đoàn địa phương, bà Trân cho biết sẽ phối hợp với đơn vị tài chính với mục tiêu bảo đảm trên 80% khách hàng an toàn cho đơn vị cho vay.

“Dựa trên danh sách người lao động khó khăn, có nhu cầu vay vốn, chúng tôi tới từng hộ ở trọ xem nhu cầu thật sự của họ và đề xuất, từ đó đề xuất khách hàng cho các công ty tài chính”, bà Trân nói tại một tọa đàm về tín dụng tiêu dùng.

Về phía đơn vị cho vay, ông Nguyễn Hoàng Minh mong muốn cơ quan quản lý và doanh nghiệp tăng cường giải pháp tuyên truyền tránh để khách hàng nhầm lần giữa doanh nghiệp tài chính tiêu dùng hoạt động hợp pháp và doanh nghiệp hoạt động trái pháp luật. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước cần công bố danh sách các doanh nghiệp tín dụng tiêu dùng được cấp phép, có quản lý cần được công bố để người dân có nhìn nhận tốt hơn.

Còn các công ty tài chính nên tiếp tục quảng bá hình ảnh là công ty chính thống, hợp pháp. Đồng thời, cần đưa ra nhiều sản phẩm phong phú, hữu ích cho khách hàng là công nhân khu chế xuất, khu công nghiệp hoặc ở vùng sâu, vùng xa.

Về hoạt động xử lý nợ, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, Việt Nam hiện nay đã có thị trường mua bán nợ doanh nghiệp do Công ty quản lý tài sản (VAMC) quản lý và có sàn mua bán nợ riêng. Còn các món vay tiêu dùng vẫn chưa có sàn mua giao dịch mua bán nợ. Vì vậy, ông kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nên có định hướng mở sàn giao dịch nợ vay tiêu dùng.

Để thực hiện việc này, ông Hiếu cho rằng cần có công ty trung gian có thể đóng gói các gói vay nhỏ từ một hoặc nhiều ngân hàng để đưa lên sàn với mục đích giúp việc chuyển nhượng tài sản thế chấp được thuận lợi, dễ dàng hơn.

Ông Ngô Xuân Duy, Giám đốc pháp chế thuộc Công ty Mua bán nợ Việt Nam quốc tế, kiến nghị cần có văn bản trực tiếp điều chỉnh các công ty mua bán nợ, bổ sung, hoàn thiện và ban hành khung pháp lý để xử lý nợ xấu bền vững.

Ngoài ra, cần luật hóa hoạt động xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, giúp việc thu giữ tài sản bảo đảm được thông thoáng, không phụ thuộc vào luật khác, cũng như các nội dung thỏa thuận tại hợp đồng bảo đảm. Đồng thời, bổ sung một số nội dung như quyền xử lý tài sản bảo đảm của các dự án là bất động sản, thu giữ tài sản bảo đảm, áp dụng thủ tục rút gọn...

"Cần có quy trình tố tụng riêng biệt cho những yêu cầu thu hồi nợ, cắt giảm thời gian xử lý và hồ sơ đầu vào phải được đồng bộ trong hệ thống tòa án. Quy trình thi hành án cần sự phối hợp nhịp nhàng giữa đương sự và cơ quan thi hành án. Trong trường hợp cần thiết, các công ty thu hồi nợ có quyền được tham gia sâu hơn vào quá trình thi hành án, vừa giảm bớt áp lực cho hệ thống tư pháp, vừa tạo nên văn hóa và hành lang pháp lý", ông Duy đề xuất

Đề xuất của ông Duy được đưa ra trong bối cảnh doanh nghiệp nơi ông làm việc khá phân vân việc “gọi điện nhắc nợ như thế nào là đúng?”. Ngoài ra, hoạt động khởi kiện tại tòa án với khách hàng chây ỳ trả nợ cũng gặp khó khăn, vì cơ quan tố tụng chưa có cái nhìn có thiện cảm với phân khúc này, khiến các công ty mua bán nợ phải giải trình khá nhiều dù khởi kiện theo đúng quy định.