Quyết liệt đấu tranh với tội phạm "tín dụng đen"

Thời gian gần đây tại một số địa phương xuất hiện các phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm "tín dụng đen" khiến dư luận bức xúc. Cụ thể, để thực hiện trót lọt hành vi phạm tội, các đối tượng thường lợi dụng công nghệ cao để lập ra ứng dụng, trang web, các trang mạng xã hội, ứng dụng vay tiền trực tuyến, tiếp cận người vay và cho vay với lãi suất "cắt cổ", gây nên những hệ lụy khó lường… Để ngăn chặn tình trạng này, các cơ quan có thẩm quyền đã đề ra nhiều giải pháp hiệu quả và đồng bộ.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an TP Hồ Chí Minh đã khởi tố, bắt tạm giam Hoàng Trọng Đức (22 tuổi, ngụ TP Hà Nội) cùng 6 người khác để điều tra về hành vi "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự" và "Cưỡng đoạt tài sản". Trước đó, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh xác định, khoảng tháng 3/2023, Đức từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh tụ tập đàn em để tổ chức hoạt động "tín dụng đen" với lãi suất 360%/năm. Khi người dân liên hệ vay tiền, Đức chỉ đạo các đàn em thân tín yêu cầu người vay tiền cung cấp chỗ ở hiện tại, số điện thoại di động, tài khoản mạng xã hội, giấy tờ tùy thân.

Ngoài ra, Đức còn chỉ đạo đàn em yêu cầu người vay tiền tự chụp ảnh, quay clip khỏa thân của mình gửi vào tài khoản xã hội của các đối tượng để thế chấp. Nếu người vay đáp ứng đủ các điều kiện thì Đức cho vay bằng cách giao tiền trực tiếp hoặc chuyển vào tài khoản ngân hàng. Khi đến thời hạn mà chưa trả tiền, Đức chỉ đạo các đối tượng gọi điện thoại đe dọa và nếu người vay vẫn không trả hoặc bỏ trốn, không trả nợ thì các đối tượng sẽ đăng tải hình ảnh, clip khỏa thân của người vay lên mạng xã hội, gửi cho bạn bè, người thân... để uy hiếp tinh thần, ép phải trả tiền… Đây là một trong số rất nhiều vụ việc liên quan đến "tín dụng đen" đã bị lực lượng công an triệt phá trong giai đoạn gần đây.

Qua tìm hiểu, nguyên nhân để nạn "tín dụng đen" âm thầm phát triển là do một bộ phận người dân vì nhiều lý do khác nhau có nhu cầu vay vốn không cần thế chấp tài sản. Công tác tuyên truyền, phổ biến về phương thức, thủ đoạn, hậu quả của "tín dụng đen" còn hạn chế, hiệu quả chưa cao. Công tác quản lý nhà nước một số lĩnh vực còn có sơ hở, thiếu sót để các đối tượng xấu lợi dụng hoạt động...

Bên cạnh đó, với sự tiện dụng, bùng nổ công nghệ như hiện nay, việc cài đặt các ứng dụng rất đơn giản. Người dùng chỉ cần thao tác trên điện thoại tải các ứng dụng về và cài đặt theo hướng dẫn, mà không biết rằng để được vay tiền phải cho phép ứng dụng truy cập vào danh bạ điện thoại, hình ảnh cá nhân và thu thập thông tin người dùng…

Để thực hiện trót lọt hành vi phạm tội, các đối tượng thường núp dưới vỏ bọc là chủ doanh nghiệp có chức năng hỗ trợ tài chính. Thủ đoạn chính là cho vay không thế chấp, cho vay dưới hình thức huy động vốn, góp vốn, góp tài sản kinh doanh. Cách thức là dụ dỗ, lôi kéo công nhân vay tiền trực tiếp hoặc qua ứng dụng, mạng xã hội với lãi suất cao bất thường...

Để ngăn chặn hiệu quả tình trạng này, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Công điện số 766/CĐ-TTg về việc tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động "tín dụng đen". Công điện nêu rõ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen".

Để ngăn chặn hiệu quả tình trạng này, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Công điện số 766/CĐ-TTg về việc tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động "tín dụng đen". Công điện nêu rõ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen".

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tập trung nghiên cứu, khẩn trương hoàn thiện cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng, phát triển hệ thống tín dụng, đa dạng các loại hình cho vay, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng với thủ tục nhanh gọn và thuận tiện, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống, tiêu dùng của nhân dân; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, quản lý hoạt động của các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán, các ví điện tử, không để các đối tượng móc nối hoạt động "tín dụng đen", kịp thời xử lý các vi phạm theo quy định.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông theo chức năng, nhiệm vụ tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động của các tổ chức tín dụng, công ty tài chính, doanh nghiệp, công ty luật, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; đẩy mạnh các giải pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân; khẩn trương nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện các văn bản pháp luật có liên quan để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, xử lý nghiêm hoạt động "tín dụng đen".

Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực viễn thông và an toàn thông tin, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xóa bỏ các bài viết, nội dung, hình ảnh... quảng cáo trái phép, các trang web, đường dẫn, ứng dụng có liên quan đến hoạt động "tín dụng đen"; phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an ứng dụng dữ liệu dân cư đẩy mạnh công tác rà soát, xác thực các thuê bao internet, thuê bao di động, loại bỏ ngay các SIM "rác" không để các đối tượng lợi dụng hoạt động "tín dụng đen".

Bộ Công an chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương áp dụng các biện pháp phòng ngừa hiệu quả, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các hành vi liên quan đến "tín dụng đen" để răn đe, giáo dục phòng ngừa chung; mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến "tín dụng đen", kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện và các vấn đề phát sinh.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, ban hành, kịp thời triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách về an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo, tạo công ăn việc làm, tạo sinh kế cho người lao động; chỉ đạo các cơ quan, tổ chức liên quan và chính quyền cơ sở tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và phương thức, thủ đoạn, hậu quả của "tín dụng đen"; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước tại cơ sở…

Hoạt động "tín dụng đen" trên mạng xã hội đang diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều hệ lụy khôn lường. Để phòng ngừa có hiệu quả tình trạng này, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Yên Bái đã đề ra nhiều giải pháp như tăng cường tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn và tác hại của "tín dụng đen" đối với nhân dân, nhất là tại các thôn, bản, chợ phiên vùng cao… Chỉ đạo các huyện đoàn, thành đoàn, thị đoàn xây dựng các kế hoạch, tổ chức ra quân tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bóc, xóa quảng cáo cho vay nặng lãi tại những nơi công cộng. Vận động các đoàn viên, thanh niên và người thân không tham gia hoặc tiếp tay cho các hoạt động vay tiền không thế chấp trên các ứng dụng, mạng xã hội. Kịp thời phát hiện, biểu dương những tấm gương, sáng kiến trong đoàn viên, thanh niên nhằm góp phần ngăn chặn nạn "tín dụng đen" trong xã hội…

HÀ ĐỨC HẢI, Bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái