Mặc dù đạt được những thành tựu quan trọng, nhưng đến nay, chất lượng giáo dục và đào tạo (GD và ÐT) ở khu vực này vẫn còn thấp so với mặt bằng chung cả nước. Ðể vươn lên, trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội cho toàn vùng, công tác GD và ÐT rất cần những giải pháp mang tính chiến lược.
Nhận diện những hạn chế, yếu kém
Vùng đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) có 13 tỉnh, thành phố, phần lớn người dân sinh sống ở nông thôn, chủ yếu dựa vào sản xuất lúa, rau màu, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản. Có thế mạnh về nông nghiệp, nhưng đây lại là "vùng trũng" về giáo dục. Theo Vụ trưởng Văn hóa - Xã hội (Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ) Võ Trọng Hữu, nguyên nhân chính là do kinh tế còn nhiều khó khăn, trong khi chi phí cho việc học không nhỏ. Còn nguyên nhân mấu chốt là nhận thức của nhiều người dân về phát triển giáo dục còn hạn chế. Nhiều gia đình chưa coi trọng việc học tập của con em…
Ông Tống Văn Khù, ngụ xã Tân Thành, huyện Lai Vung (Ðồng Tháp) bộc bạch: "Vợ chồng tôi có tới sáu đứa con nhưng chỉ có hơn hai công đất để canh tác, cho nên cuộc sống gặp khó khăn. Hằng ngày phải chạy lo "cơm, áo, gạo, tiền", đã không còn thời gian lo việc học cho con cái. Ngoài ra, tụi nhỏ cũng không ham học, chỉ học hết cấp hai (trung học cơ sở) là nghỉ để làm thuê kiếm sống".
Tại Kiên Giang, Hậu Giang, TP Cần Thơ…, nhiều gia đình "ngại" cho con học tới nơi, tới chốn bởi chưa nhận thức đúng giá trị của việc học. Chị Huỳnh Thị Vân, ngụ phường Thới Thuận, huyện Thốt Nốt (Cần Thơ) thổ lộ: "Học hành bây giờ tốn kém lắm, nhưng năm nào cũng nghe hàng loạt sinh viên đại học ra trường thất nghiệp, khiến tụi tui "chùn chân", phân vân không biết có nên cho con học đại học hay không". Cũng vì điều này mà vợ chồng chị đã cho hai đứa lớn nghỉ học để phụ giúp gia đình làm ruộng, chỉ dám cho đứa út theo học mà thôi.
Ở các vùng nông thôn ÐBSCL, tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng hoặc học chỉ để "biết chữ" rồi nghỉ để đi làm thuê, làm mướn… diễn ra khá phổ biến. Thời gian qua, ngành GD và ÐT các tỉnh Trà Vinh, Ðồng Tháp, Bạc Liêu, Sóc Trăng, An Giang… luôn "đau đầu" với việc học sinh bỏ học theo cha mẹ đến các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Ðồng Nai… làm việc trong khu công nghiệp và không trở về địa phương để tiếp tục học.
Theo Bộ GD và ÐT, tỷ lệ học sinh vùng ÐBSCL bỏ học còn khá cao, ở cấp tiểu học là 0,45%, cấp THCS 3,26% và cấp THPT 3,94% . So với hai vùng miền núi có nhiều khó khăn là Tây Nguyên và Tây Bắc, tỷ lệ học sinh bỏ học ở ÐBSCL vẫn cao hơn nhiều lần. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo của cả vùng còn thấp, chỉ chiếm 35,2%, trong khi trung bình cả nước là 40,6%.
Hiện nay, ngành GD và ÐT trong vùng phải đối mặt nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trường, lớp học, trang thiết bị dạy và học… Toàn vùng còn 1.905 phòng học tạm, 2.608 phòng học nhờ, mượn; trang thiết bị đào tạo, hệ thống phòng chức năng yếu và thiếu; số trường đạt chuẩn quốc gia chủ yếu tập trung ở nơi thuận lợi. Ðội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục còn nhiều bất cập về chất lượng, số lượng và cơ cấu, chưa bắt kịp yêu cầu đổi mới giáo dục. Các trường đào tạo sư phạm địa phương thiếu giảng viên đầu ngành trình độ cao, chưa đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực. Các chính sách, cơ chế tài chính chậm sửa đổi, bổ sung cho phù hợp thực tế… Những hạn chế, yếu kém này đang là lực cản trong việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ở ÐBSCL.
Những tín hiệu vui
Theo nhiều chuyên gia giáo dục, để công tác GD và ÐT vùng ÐBSCL thay đổi theo chiều hướng tích cực thì việc thay đổi nhận thức của từng gia đình là rất quan trọng. Cần phải xem việc học không chỉ để biết chữ, mà học để lập nghiệp, học để mở mang kiến thức, để nâng cao trình độ, sự hiểu biết. Ngay cả làm nông nghiệp cũng phải học để ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nắm được nhu cầu thị trường tiêu thụ nhằm định hướng sản xuất phù hợp… Ðáng mừng là những năm gần đây, nhiều địa phương ở ÐBSCL đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân lo cho con em học hành nhiều hơn. Không ít địa phương phát động phong trào "Học để ngày mai lập nghiệp", tăng cường khuyến khích những tấm gương vượt khó học giỏi, tôn vinh những gia đình hiếu học, những xã, ấp… có cách làm hay trong phát triển giáo dục.
Xã Nhị Long (huyện Càng Long, Trà Vinh) là một vùng nông thôn còn nghèo, nhưng phong trào học tập ở đây là một điển hình đáng khen ngợi. Ông Nguyễn Văn Trường ở ấp Ðon, hằng ngày chạy xe ôm kiếm tiền nuôi tám đứa con, thế nhưng ông luôn ấp ủ "giấc mơ" cho các con vào đại học để thoát nghèo, bớt khổ. Vợ chồng ông "thắt lưng buộc bụng" dồn sức chăm lo cho đàn con đi học.
Ông Trường nhớ lại, cứ đứa lớn hỗ trợ đứa nhỏ, cùng học tốt, cùng giúp nhau vào đại học... Ðến nay, bốn người con lớn của ông đã ra trường, có việc làm ổn định; ba người con khác đang tiếp tục học đại học và cô con gái út cũng đang học THCS. Với vợ chồng ông Phạm Văn Nhanh, ngụ ấp Rạch Mới, xã Nhị Long thì giấc mơ được ở trong căn nhà khang trang do chính các con góp tiền xây dựng đã trở thành hiện thực, là niềm hãnh diện với bà con lối xóm. Ðó là thành quả của sự kiên trì và quyết tâm mà gia đình ông, bà Nhanh đã thực hiện trong việc nuôi bốn đứa con ăn học.
Ông Trần Vĩnh Ðức, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Nhị Long cho biết, toàn xã có khoảng 600 người có trình độ đại học, trong đó có hai tiến sĩ và 16 thạc sĩ. Ðể đạt kết quả đó, Hội Khuyến học xã liên tục đến từng gia đình để động viên cha, mẹ lo cho con em ăn học, hộ nào quá khó thì Hội và các nhà hảo tâm giúp đỡ. Bên cạnh đó, những dòng họ hiếu học, gia đình hiếu học được thành lập. Vì thế, nhiều gia đình nghèo vươn lên nuôi con ăn học tới nơi tới chốn, từ đó có việc làm, thu nhập ổn định, xây dựng cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc.
Phong trào "đỡ đầu trường học" đang phát triển khá mạnh ở Hậu Giang. Tỉnh vận động mỗi sở, ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp, chính quyền địa phương nhận đỡ đầu một trường học. Ðến nay, gần 250 trường mầm non và phổ thông trên địa bàn được nhận đỡ đầu. Trung bình hằng năm, tổng giá trị các suất học bổng, dụng cụ học tập, xe đạp, quần áo hỗ trợ học sinh nghèo lên đến hàng chục tỷ đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho các em yên tâm đến trường. Ðáng chú ý, tỉnh vận động Công ty Him Lam, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt xây Trường tiểu học Him Lam và Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Him Lam với số vốn đầu tư hơn 90 tỷ đồng. V
ới sự chung tay của cộng đồng, từng cấp học, bậc học đã chuyển biến tích cực. Toàn tỉnh đã có 340 trường từ cấp mầm non đến THPT, trong đó 175 trường đạt chuẩn quốc gia… Nhờ vậy, năm học 2016-2017, tỷ lệ học sinh bỏ học chỉ còn 0,86%, giảm 0,23% so với năm học trước; số lượng học sinh đỗ thủ khoa các trường cao đẳng, đại học; số lượng học sinh giỏi cấp quốc gia ngày càng tăng...
Nét mới ở vùng ÐBSCL những năm gần đây là có bước đột phá trong đào tạo. Nếu như trước đây việc học lên đại học ở vùng ÐBSCL là rất khó, do số trường đại học ít, thì thời gian qua được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, số lượng trường đại học ở ÐBSCL tăng lên khá nhiều. Ngoài TP Cần Thơ là trung tâm của vùng với một số trường đại học, thì ở Trà Vinh, Vĩnh Long, Tiền Giang, Long An, Ðồng Tháp, Kiên Giang, Bạc Liêu, An Giang, Hậu Giang… cũng đã thành lập các trường đại học, góp phần đáng kể vào việc đào tạo nguồn nhân lực cho toàn vùng. Theo thống kê, vùng ÐBSCL hiện có 17 trường đại học, 26 trường cao đẳng với quy mô đào tạo 130.896 sinh viên chính quy, gồm 180 ngành đào tạo các trình độ tiến sĩ, đại học, cao đẳng. Riêng hệ thống 51 trường trung cấp, cao đẳng nghề, giai đoạn 2011- 2015 cũng đã đào tạo nghề cho gần 1,24 triệu lao động…
Gần đây, một số trường đại học ở ÐBSCL đã mạnh dạn đột phá trong cách làm, chủ động hội nhập để phát triển. Trường đại học Trà Vinh là một điển hình. Nhà trường đã thu hút khá nhiều trí thức Việt kiều tham gia thành viên Hội đồng tư vấn; thành lập các quỹ tín dụng cho người nghèo, học bổng cho sinh viên; tư vấn học thuật, nghiên cứu khoa học…, hợp tác chặt chẽ với nhiều đối tác tại nhiều quốc gia có nền giáo dục phát triển để mở rộng và nâng cao chất lượng đào tạo. Trường vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động với mục tiêu là phát triển Trường đại học Trà Vinh thành trường đại học định hướng ứng dụng theo các chuẩn mực khu vực và quốc tế; hoạt động tự chủ gắn với tự chịu trách nhiệm, bảo đảm các đối tượng chính sách, đối tượng thuộc hộ nghèo có cơ hội học tập, nghiên cứu tại trường.