“Gỡ khó” cho bệnh nhân chạy thận ở Nam Định

NDO - Dự tính chỉ khoảng hơn 10 ngày nữa, nguồn dịch thận nhân tạo phục vụ cho việc điều trị bệnh nhân ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định sẽ hết, trong lúc nguồn bổ sung chưa có do quy trình đấu thầu kéo dài. Trước tình hình này, Sở Y tế tỉnh và lãnh đạo bệnh viện phải họp bàn giải pháp “gỡ khó”.
0:00 / 0:00
0:00
Thạc sĩ, bác sĩ Trần Hùng Cường, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định thăm hỏi, động viên các bệnh nhân chạy thận nhân tạo.
Thạc sĩ, bác sĩ Trần Hùng Cường, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định thăm hỏi, động viên các bệnh nhân chạy thận nhân tạo.

Thạc sĩ, bác sĩ Trần Hùng Cường, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định cho biết, bệnh viện đang điều trị ngoại trú cho 50 bệnh nhân chạy thận nhân tạo, với tần suất 3 lần/tuần. Gần đây, hoạt động điều trị đứng trước nhiều khó khăn khi nguồn dịch thận dần cạn kiệt. Theo tính toán, đến ngày 22/4 tới, dịch thận dự trữ sẽ hết.

“Khi bệnh nhân đã phải chạy thận nhân tạo, tức là không còn chức năng thận. Nếu bị gián đoạn điều trị, người bệnh sẽ lập tức gặp nguy hiểm đến tính mạng do không thể lọc bỏ độc tố khỏi cơ thể”, bác sĩ Trần Hùng Cường chia sẻ.

Bác sĩ Cường cho biết thêm, khi dịch thận đã hết, nguồn bổ sung sẽ phải chờ ít nhất vài ba tháng nữa mới có, do các điều kiện ngặt nghèo của quy trình đấu thầu, đặc biệt là khâu thẩm định giá.

Để tháo gỡ khó khăn, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Nam Định và Bệnh viện đa khoa tỉnh đã khẩn trương họp bàn, tìm giải pháp. Trước mắt, Sở Y tế đề nghị một số bệnh viện trên địa bàn thành phố hỗ trợ điều trị các bệnh nhân chạy thận. Theo đó, Bệnh viện đa khoa Sài Gòn đã đồng ý tiếp nhận 9 bệnh nhân, trong khi Bệnh viện Công an tỉnh cũng đang xem xét hỗ trợ một số trường hợp khác.

“Gỡ khó” cho bệnh nhân chạy thận ở Nam Định ảnh 1

Khu nhà có phòng điều trị cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo trong khuôn viên Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định.

Tuy nhiên, giải pháp này chỉ giải quyết được một phần vấn đề, vì số lượng bệnh nhân còn lại vẫn khá lớn. Để có ngay nguồn dịch thận nhân tạo điều trị cho người bệnh, Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định sẽ thực hiện mua bổ sung bằng gói mua sắm dưới 100 triệu đồng (có thể áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy định).

“Đây là tình huống bắt buộc, cần phải quyết định ngay. Chúng tôi sẽ làm mọi cách để không một bệnh nhân chạy thận nào bị gián đoạn việc điều trị!”, bác sĩ Cường khẳng định.

Theo bác sĩ Lê Thị Duyên, Trưởng Khoa Nội thận, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định, bệnh viện có 10 máy chạy thận nhân tạo đang hoạt động ổn định, phục vụ điều trị cho 50 bệnh nhân. Thời gian trước, tổng số bệnh nhân là 65 người, tuy nhiên do khó khăn về nguồn dịch, 15 bệnh nhân nội trú đã được đưa lên bệnh viện tuyến trên.

Theo ghi nhận của phóng viên Nhân Dân điện tử tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định ngày 13/4, tất cả bệnh nhân chạy thận ở đây đều bị suy thận mức độ nặng. Nhiều người đã chạy thận 4-5 năm, cá biệt có người phải chạy thận đến 12 năm. Khi biết tin nguồn dịch sắp hết, họ đều rất lo lắng, nhưng được các bác sĩ trấn an, động viên, mọi người hiện đã yên tâm điều trị.