Giúp trẻ em giải quyết mâu thuẫn trên môi trường mạng

NDO -

Ngày 25/9, tại Hà Nội, Tổ chức World Vision Việt Nam và Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) tổ chức buổi Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Bạn trẻ bình dị phi thường: Mâu thuẫn không là Zero - Giải quyết mâu thuẫn là Hero”.

Các khách mời thảo luận để giúp trẻ em xử lý mâu thuẫn trong trường học và trên môi trường mạng. (Ảnh: LÊ TÚ)
Các khách mời thảo luận để giúp trẻ em xử lý mâu thuẫn trong trường học và trên môi trường mạng. (Ảnh: LÊ TÚ)

Đây là sự kiện thứ hai trong chuỗi tọa đàm trực tuyến “Người bình dị phi thường” do hai tổ chức cùng phối hợp triển khai từ tháng 7 đến hết tháng 9 để truyền thông bảo vệ trẻ em trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Buổi tọa đàm có sự tham gia của các diễn giả: Thạc sĩ Đỗ Thị Trang, Chuyên gia tham vấn tâm lý, bạo lực học đường, các em học sinh đến từ Trường THCS Nam Từ Liêm, Hà Nội; YouTuber/Vlogger – Nhóm 1977 Vlog. Tọa đàm do bà Chu Thu Hà, Quản lý Truyền thông, Viện MSD điều phối.

Tại buổi tọa đàm, các khách mời đã thảo luận các vấn đề liên quan đến mối quan hệ của các bạn trẻ trong trường học và trên môi trường mạng, qua đó tư vấn, hỗ trợ các bạn trong cách phản ứng, xứ lý trước các tình huống mâu thuẫn trong cuộc sống.

Chia sẻ về các mâu thuẫn mình từng gặp phải, em Anh Tuấn, học sinh Trường THCS Nam Từ Liêm cho biết, bản thân may mắn khi chỉ có những mâu thuẫn nhỏ với bạn học như trong việc học tập, sinh hoạt tập thể của lớp, nhưng em cũng chứng kiến những mâu thuẫn lớn hơn ở lứa tuổi học trò hiện nay.

YouTuber/Vlogger Nguyễn Trung Anh, nhóm 1977 Vlog, chia sẻ lại trải nghiệm của bản thân về những mâu thuẫn với bạn bè và cả việc bị bắt nạt, bạo lực khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Chuyên gia tham vấn tâm lý Đỗ Thị Trang cho biết: “Mâu thuẫn có rất nhiều hình thái đa dạng, có thể bắt nguồn từ những chi tiết nhỏ bé trong đời sống thường ngày và bị đẩy lên cao trào do các bên tham gia chưa có đủ thiện chí, kỹ năng kiềm chế cảm xúc và xử lý mâu thuẫn”.

“Điều này đặc biệt đúng trong trường hợp của trẻ em, khi các em còn nhỏ, chưa có đủ kinh nghiệm và chưa được định hướng hiệu quả để nhìn nhận vấn đề đang gặp phải một cách khách quan và hợp lý. Ngoài ra, việc thiếu kết nối với cha mẹ và những người chung quanh cũng khiến các em gặp nhiều khó khăn hơn vì phải tự mình đối mặt và xử lý mâu thuẫn”, chuyên gia Đỗ Thị Trang nhấn mạnh.

Cũng theo Thạc Sĩ Đỗ Thị Trang, “Mâu thuẫn, bất kể trong trường học hay trên môi trường mạng, đều để lại những hậu quả lâu dài và nghiêm trọng lên đời sống và quá trình trưởng thành của trẻ, bao gồm ám ảnh tâm lý, trầm cảm, sang chấn tâm lý, hay thậm chí là tử vong”. Bởi vậy, trong mọi hoàn cảnh, sự đồng hành, hỗ trợ của cha mẹ, thầy cô giáo và những người chung quanh sẽ góp phần xây dựng cho trẻ một bộ khung ứng xử phù hợp, giúp các em đối mặt và giải quyết các tình huống mâu thuẫn một cách tích cực hơn.