Giúp sinh viên tự tin khởi nghiệp

Mới đây, các nhóm sinh viên có dự án tiềm năng tại cuộc thi “Sinh viên Công thương với ý tưởng khởi nghiệp” lần 5 đã đến doanh nghiệp tham quan, học tập kinh nghiệm thông qua chương trình “HUIT Startup Tour 2024”. Không dừng lại ở việc khám phá mô hình kinh doanh, trao đổi trực tiếp với lãnh đạo doanh nghiệp, các bạn sinh viên còn được cung cấp thêm kiến thức để hoàn thiện sản phẩm phù hợp thực tế và phát triển tư duy sáng tạo cho dự án khởi nghiệp.
Các thí sinh tham gia chương trình “HUIT Startup Tour 2024” tại Công ty cổ phần Thực phẩm và Nước giải khát Green Food (huyện Củ Chi).
Các thí sinh tham gia chương trình “HUIT Startup Tour 2024” tại Công ty cổ phần Thực phẩm và Nước giải khát Green Food (huyện Củ Chi).

Chương trình “HUIT Startup Tour 2024” vừa đưa các nhóm sinh viên xuất sắc nhất cuộc thi “Sinh viên Công thương với ý tưởng khởi nghiệp” năm 2024 đến tham quan Công ty cổ phần Dừa nước Việt Nam và Công ty cổ phần Thực phẩm và Nước giải khát Green Food. Tại đây, các nhóm sinh viên được lãnh đạo doanh nghiệp trực tiếp đưa đi tìm hiểu mô hình kinh doanh, giới thiệu về các ý tưởng sáng tạo và câu chuyện, kinh nghiệm khởi nghiệp từ những khó khăn, thất bại ban đầu đến thành công hiện tại.

Quay về sau ba ngày được đào tạo đặc biệt tại doanh nghiệp dành cho tốp 30 dự án vòng bán kết của cuộc thi, Lê Như Thu Quỳnh (sinh viên Trường đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh) cùng các thành viên trong nhóm biết thêm nhiều kỹ năng, kiến thức quan trọng về khởi nghiệp. Chương trình trải nghiệm, đào tạo ngắn hạn trên nền tảng “người thật việc thật” giúp nhóm của Quỳnh nhìn rõ những khuyết điểm, hạn chế và tiếp nhận thêm lời khuyên để từng bước hoàn thiện dự án.

Ðam mê khởi nghiệp, đầu tư khá nhiều thời gian, tâm sức cho dự án; thế nhưng, sau các chuyến trải nghiệm thực tế vừa qua, Quỳnh cùng các bạn nhận ra cần phải học và bổ sung thêm nhiều yếu tố để sản phẩm từ các cuộc thi sớm được thị trường công nhận. “Những chia sẻ đầy tâm huyết từ các doanh nghiệp giúp chúng em rút ngắn thời gian khởi nghiệp, vì ở đó có đầy đủ các phân tích cụ thể về lỗi sai thường gặp, cách hoàn thiện dự án… Ðây là trải nghiệm thực tế thú vị mà không phải sách vở nào có thể thể hiện hết được”, Quỳnh chia sẻ.

Là một trong hai doanh nghiệp trực tiếp hỗ trợ sinh viên trong hoạt động trải nghiệm lần này, Công ty cổ phần Thực phẩm và Nước giải khát Green Food thiết kế hẳn chương trình riêng để các nhóm dự án dễ dàng tiếp cận, học hỏi kinh nghiệm. Theo Giám đốc điều hành Green Food Ðặng Thị Yến, việc truyền cảm hứng, chia sẻ những thuận lợi, khó khăn trên hành trình khởi nghiệp cho người trẻ luôn khiến bà thích thú. Bà Yến cho biết, những kinh nghiệm từ người đi trước có thể giúp các bạn sinh viên có một cái nhìn tổng quát liên quan đến khởi nghiệp; từ đó, có định hướng tốt hơn cho các dự án.

“Việc đồng hành và hỗ trợ nhiều cuộc thi khởi nghiệp của sinh viên cũng là cơ hội để chúng tôi khám phá những ý tưởng mới và sáng tạo từ người trẻ. Những ý tưởng này có thể được áp dụng hoặc phát triển thành sản phẩm thực tế tại công ty trong tương lai không xa. Qua các cuộc thi, chúng tôi mong muốn tìm kiếm và tuyển dụng những sinh viên tài năng, đam mê học hỏi và sáng tạo”.

Chương trình “HUIT Startup Tour 2024” nằm trong chuỗi hoạt động của cuộc thi “Sinh viên Công thương với ý tưởng khởi nghiệp” lần thứ 5 với chủ đề “Ðổi mới sáng tạo hướng tới tương lai xanh”. Ðây là cuộc thi nhằm tìm kiếm các ý tưởng, giải pháp đổi mới sáng tạo hướng tới việc giải quyết các vấn đề của cộng đồng, xã hội góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển bền vững. Khởi động từ đầu tháng 5/2024, cuộc thi đã thu hút 123 dự án đăng ký đến từ 27 trường cao đẳng, đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.

Ngay từ vòng loại, các nhóm dự án đã có sự đồng hành của người hướng dẫn trực tiếp. Sau khi hoàn thành khóa đào tạo cơ bản về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tại doanh nghiệp, các nhóm dự án xuất sắc lọt tốp 12 của cuộc thi sẽ bước vào vòng chung kết và thực hiện nghiên cứu thị trường diễn ra vào cuối tháng 8, đầu tháng 9. Các dự án vào chung kết sẽ tranh tài trực tiếp trên sân khấu tại Trường đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 29/9 tới.

Thạc sĩ Hoàng Thị Thoa, Giám đốc Trung tâm Ðổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp, Trường đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Ðiều mà sinh viên nhận được trong hành trình này là năng lực cá nhân của các em nâng cao rõ rệt. Sinh viên được lĩnh hội những kiến thức chuyên sâu liên quan đến ngành học và dự án khởi nghiệp.

Bên cạnh đó, các nhóm thí sinh còn có cơ hội tiếp cận những kiến thức cần thiết trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, như: thị trường, nhu cầu khách hàng, quản trị tài chính… trong thời gian tham gia cuộc thi với nhiều hoạt động bổ ích. Không chỉ thay đổi về tư duy, tác phong và thái độ của các thí sinh cũng được “nâng tầm” sau các chương trình trải nghiệm, học tập do ban tổ chức cuộc thi tổ chức. Các bạn biết cách chủ động và có trách nhiệm hơn trong các khâu, cách tiếp cận, xử lý vấn đề cũng theo hướng đổi mới, sáng tạo hơn.

Qua mỗi hoạt động, sinh viên nhận về nhiều giá trị khác nhau. Hoạt động đào tạo cung cấp kiến thức và kỹ năng về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cơ bản như tư duy sáng tạo, tư duy thiết kế, mô hình kinh doanh, kế hoạch kinh doanh… Trong khi đó, việc kết nối các dự án với người cố vấn trong suốt hai tháng liền đã giúp các đội thi sửa sai, hoàn thiện sản phẩm mẫu, mô hình kinh doanh và nâng cao năng lực đội nhóm.

Quy trình “thử nghiệm thị trường” tạo cơ hội để các nhóm học hỏi các kỹ năng cần thiết trong việc tiếp xúc khách hàng, khai thác thông tin, tổng hợp xử lý số liệu; từ đó, hoàn thiện sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh. Ngoài giải thưởng và các gói cố vấn đồng hành, năm dự án xuất sắc nhất cuộc thi sẽ được chọn ươm tạo theo chương trình Nghị quyết số 20 của Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và các chương trình kết nối đầu tư.