Từ năm 2019 đến nay, huyện Bác Ái phân công hơn 700 đảng viên thực hiện nhiệm vụ giúp đỡ hộ nghèo theo mô hình kết hợp với các chính sách giảm nghèo khác của Nhà nước. Qua đó, có 1.000 hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 28,45%, giảm 6,36%, vượt chỉ tiêu năm 2023 đề ra, giảm 15% so với năm 2020.
Chi bộ nắm làng, đảng viên bám sát hộ nghèo
Những ngày cuối tháng 12, chúng tôi về huyện miền núi Bác Ái tọa lạc trên độ cao 500m so với mực nước biển, có hơn 95% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số Raglai, là huyện đặc biệt khó khăn nhất tỉnh Ninh Thuận, nhưng nay, đường giao thông nội huyện được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng khang trang, diện mạo thôn, xóm đổi thay nhiều. Trên dãy núi cao, hàng nghìn loài hoa rừng đang khoe sắc thắm để chào đón xuân Giáp Thìn năm 2024. Trong các vườn trồng cây ăn quả, nông dân phấn khởi chuẩn bị cho mùa thu hoạch sản phẩm để bán Tết, không khí khá nhộn nhịp.
Trước đây, anh Pinăng Hữu ở thôn Tà Lọt, xã Phước Hòa không có việc làm, suốt ngày đi theo bạn bè uống rượu, cho nên ba sào (3.000m2) đất rẫy trồng ngô, đậu được cha, mẹ cho khi cưới vợ thường bị mất mùa, khiến cho nhà thiếu lương thực, trong khi đó, con còn nhỏ, vợ bệnh triền miên, là một trong những hộ nghèo nhất thôn. Năm 2019, chi bộ phân công đảng viên Pinăng Phai đến tìm hiểu, giúp đỡ, ban đầu là khuyên nhủ, giải thích tác hại của rượu, tiếp đó là chọn hai con bò sinh sản của gia đình mình chuyển cho anh Hữu “nuôi bò rẻ” từ 12 đến 24 tháng (khi bò mẹ sinh sản, hộ nghèo lấy bê con, trả lại bò mẹ). Năm 2020, bò mẹ sinh được hai con bê, anh Hữu đã bỏ uống rượu, chăm chỉ chăm sóc bê con.
Năm 2021, anh Hữu được chi bộ thôn giới thiệu vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện là 20 triệu đồng, mua thêm hai con bò và khôi phục rẫy trồng điều, ngô, cỏ,… vừa có lương thực vừa có thức ăn cho bò. Nhờ có thu nhập hơn 30 triệu đồng/năm, anh Hữu có điều kiện nuôi con đi học, chữa bệnh cho vợ. Thấy anh Pinăng Hữu chăm chỉ lao động, đảng viên Pinăng Phai đã gửi thêm bốn con bò cho anh Hữu nuôi, khi bò sinh sản thì chia nhau bê con, đến nay, đàn bò của hai anh đã tăng hơn chục con. Với sự nỗ lực phấn đấu của mình, cả hai anh là tấm gương sáng cho thanh niên trong thôn học tập, làm theo.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Hòa Katơ Chí được Đảng ủy xã phân công giúp đỡ bốn hộ nghèo, gồm: hộ Pinăng Chiêu, Katơ Thường, Chamaléa Mương và Pinăng Nhất, nằm trong diện hộ di dời từ trên núi cao xuống tái định canh, định cư tại thôn Chà Panh khi Nhà nước thu hồi đất để làm dự án hệ thống thủy lợi Tân Mỹ. Nhận nhiệm vụ, đảng viên Katơ Chí thường xuyên đến từng nhà vận động các hộ tham gia các lớp tập huấn để nắm kiến thức, kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi, nâng cao hiệu quả lao động trên vùng đất được Nhà nước cấp nằm ven sông Cái.
Năm 2021, đảng viên Katơ Chí giới thiệu Ngân hàng Chính sách xã hội xét duyệt cho các hộ vay vốn từ 20 đến 40 triệu đồng/hộ, mua từ một đến bốn con bò/hộ để nuôi. Đến đầu năm 2023, đàn bò của từng hộ đã tăng lên bảy con, mỗi hộ đã bán bớt hai con bò, lấy tiền đầu tư trồng từ bảy sào đến 1 ha sắn trên đất rẫy. Nhờ chăm chỉ làm ăn, thu nhập từ 45 đến 55 triệu đồng/hộ/năm, đời sống các hộ đã ổn định hơn trước nhiều.
Tại thôn Đá Ba Cái, xã Phước Thành có 138 hộ với 530 người, trong đó có 36 hộ nghèo và 29 hộ cận nghèo. Thôn có 16 đảng viên, đảng viên Pinăng Toán là Bí thư Chi bộ. Bằng hình thức chi bộ phân công mỗi đảng viên bám sát từ ba đến năm hộ nghèo, cận nghèo để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con, đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật và vận động bà con chuyển hướng phát triển kinh tế gia đình từ trồng trọt kém hiệu quả sang chăn nuôi dê, bò, cừu để tăng thu nhập.
Năm 2020, các đảng viên Katơ Phiếu, Pinăng Chuẩn, Chamaléa Hấu… đã đề xuất Chi bộ thôn Đá Ba Cái giới thiệu cho hàng chục hộ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội từ 20 đến 40 triệu đồng/hộ để mua hai con bò, năm con dê nuôi. Đến năm 2023, các hộ Pinăng Thị Loan, Chamaléa Thị Chem, Katơ Chi… đã có từ năm đến bảy con bò và hàng chục con dê. Từ số tiền bán bớt bò, dê, các hộ đã xây dựng nhà ở khang trang và mỗi hộ vẫn còn từ hai đến ba con bò, năm con dê. Nay, có 20 hộ nghèo đã vươn lên cận nghèo, hàng chục hộ cận nghèo đã thoát nghèo.
Thực tế cho thấy mô hình “Mỗi đảng viên giúp đỡ một hộ nghèo” lan tỏa toàn huyện, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo.
Huyện nghèo vươn lên
Bí thư Huyện ủy Bác Ái Mẫu Thái Phương cho biết, năm 2023, huyện có 18/19 chỉ tiêu về kinh tế, xã hội, môi trường và an ninh-quốc phòng đạt và vượt mục tiêu đề ra. Tốc độ tăng tổng giá trị sản xuất đạt 11,5%; tổng giá trị sản xuất ước đạt 1.931 tỷ đồng (chỉ nêu số tròn), đạt hơn 100% kế hoạch.
Anh Vara Nhông Khuẩn chia sẻ: Năm 2018, gia đình tôi chuyển từ xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn đến thôn Suối Rớ, xã Phước Chính, huyện Bác Ái lập nghiệp, ban đầu rất khó khăn do thiếu vốn phát triển sản xuất. Năm 2021, nghe đảng viên Kadá Thị Yến vận động, tôi bán bớt một con bò lấy vốn mở quán cà-phê và trà sữa tại nhà, nhờ đó, thu nhập hơn 30 triệu đồng/năm, đời sống tốt hơn trước rất nhiều.
Nay, các gương điển hình đảng viên nhiều năm liền bám sát hộ dân để giúp đỡ hộ nghèo phát triển kinh tế gia đình như: Katơ Chí, Kadá Yến, Pinăng Toán, Katơ Phiếu, Pinăng Chuẩn, Chamaléa Hấu… được bà con dân tộc Raglai huyện Bác Ái coi như người thân của gia đình mình; nhà nào có chuyện vui, buồn đều có các đảng viên đến chung vui, chia sẻ, động viên, nên tình làng nghĩa xóm ngày càng gắn kết, đảng viên và quần chúng càng thân thiện, thôn xóm yên vui, thanh bình.
Đồng chí Mẫu Thái Phương cho biết thêm: Việc phân công đảng viên giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững là chủ trương hợp lòng dân, giàu tính nhân văn, thể hiện sự chia sẻ, trách nhiệm, trí tuệ của mỗi đảng viên cùng với toàn xã hội dành cho hộ nghèo. Huyện không chỉ phân công mỗi đảng viên giúp một hộ nghèo mà còn giao nhiệm vụ cho đảng ủy các xã chỉ đạo các hội, đoàn thể, phòng, ban phụ trách từ ba đến năm hộ nghèo để hỗ trợ, giúp đỡ người dân sản xuất.
Qua đó, giúp đồng bào Raglai thay đổi cách nghĩ, cách làm, tạo chuyển biến rõ rệt trong xây dựng đời sống văn hóa ở các địa phương. Nhiều hộ tích cực tham gia xây dựng đời sống văn hóa, hình thành các khu dân cư kiểu mẫu.
Nhờ mô hình, đến nay nhiều hộ dân đã thay đổi nhận thức, không chỉ thay đổi cách trồng trọt, chăn nuôi mà có một số hộ còn biết buôn bán, kinh doanh, tăng thêm thu nhập, kinh tế gia đình ngày càng khấm khá. Hình ảnh các hộ nghèo, như Chamaléa Thị Khím, Cha malé Thị Chem, Pinăng Thị Loan, ở thôn Tà Lọt, xã Phước Hòa,… từ những hộ nghèo nhất, nay đã xây được nhà ở khang trang, có đàn bò, dê từ năm đến mười con, có đất sản xuất, thu nhập hơn 30 triệu đồng/năm.