Giữ vững vị trí đi đầu trong đổi mới

Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, trung tâm lớn của đất nước về kinh tế, văn hóa, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế. Sau gần 40 năm đổi mới, từ thực tiễn sinh động và sáng tạo, thành phố đã góp phần quan trọng vào quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
0:00 / 0:00
0:00
Một góc Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay.
Một góc Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay.

Trong công cuộc đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, phấn đấu bền bỉ, năng động, sáng tạo, đoàn kết, trở thành một trong những địa phương đi đầu trong đổi mới, trở thành động lực, đầu tàu kinh tế, hạt nhân, cực tăng trưởng của vùng Đông Nam Bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía nam và cả nước; có nhiều đóng góp đặc biệt quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Kinh tế tăng trưởng

Thành phố đã từng bước hoàn thiện thể chế về sở hữu, phát triển các thành phần kinh tế và các loại hình doanh nghiệp. Về các thành phần kinh tế, khu vực ngoài nhà nước vẫn giữ tỷ trọng hơn ½ (trong đó tư nhân giữ tỷ trọng lớn hơn so với các thành phần kinh tế khác). Số liệu cập nhật từ Niên giám Thống kê thành phố cho thấy tỷ trọng của các thành phần kinh tế trong GRDP năm 2021 như sau: Khu vực nhà nước 12,81%, khu vực ngoài nhà nước 53,93% (tập thể 0,53%, tư nhân 44,99%, cá thể 8,41%), khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 19,77%... Về phát triển các loại hình doanh nghiệp, đến nay thành phố có 541.919 doanh nghiệp còn hoạt động với số vốn đăng ký 11.095.246 tỷ đồng; 11.988 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư khoảng 57 tỷ USD.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết thị trường hàng hóa, hoạt động bán buôn, bán lẻ có tỷ trọng nổi trội trong cơ cấu kinh tế của thành phố. Tỷ trọng của ngành thương nghiệp đứng thứ hai trong GRDP của thành phố, chỉ sau ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Ngành thương nghiệp vẫn duy trì tăng trưởng GRDP trước khi xảy ra đại dịch Covid-19 và rơi vào suy giảm trong năm 2021(-10,03%).

Thị trường lao động thành phố luôn có sức hút cao đối với các thành phần lao động. Tốc độ tăng bình quân lực lượng lao động giai đoạn 2017-2020 là 2,61%, riêng năm 2021 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 dẫn đến một lượng lao động từ các tỉnh đến thành phố di chuyển về quê do đó lực lượng lao động giảm 5,95% so với năm 2020.

Bên cạnh đó, chất lượng lao động trên địa bàn thành phố ngày càng được cải thiện qua chỉ số về tỷ lệ lao động đang làm việc qua đào tạo tăng qua các năm, năm 2017 là 78,05% thì đến năm 2022 là 87,74%. Cơ cấu lao động thành phố từ năm 2017 đến nay dịch chuyển theo hướng giảm dần khu vực nhà nước, tăng dần khu vực ngoài nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, đồng thời tăng dần tỷ trọng lao động khu vực công nghiệp, dịch vụ; giảm tỷ trọng lao động nông nghiệp.

Trong những năm qua, thành phố ưu tiên hoàn thiện thể chế gắn kết tăng trưởng kinh tế với bảo đảm phát triển bền vững, tiến bộ và công bằng xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Điều này được thể hiện qua sự phát triển kinh tế thành phố duy trì tăng trưởng liên tục qua các năm, ngoại trừ vào năm chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19.

Ngoài ra, công tác liên kết vùng đã được thể chế hóa trong các văn bản mới ban hành về quy hoạch vùng, nhất là Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ do Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch. Thành phố tiếp tục hoàn thiện thể chế đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế thông qua nhiều kế hoạch, giải pháp, trong đó có Đề án thúc đẩy quan hệ với các địa phương trọng điểm thuộc các nước là đối tác chiến lược của Việt Nam phục vụ mục tiêu phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2020-2025.

Thực hiện tốt các cơ chế, chính sách đặc thù

Theo đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính Trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, trong quá trình thực hiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thành phố đã có được nhiều chất liệu thực tiễn. Thực tiễn ở đây có từ các nguồn tư liệu có sẵn của thành phố đã được tổng kết qua 8 kỳ Đại hội Đảng bộ thành phố và 4 lần Bộ Chính trị đã sơ kết, tổng kết, đánh giá và ra các nghị quyết giao sứ mệnh cho thành phố ở từng giai đoạn cụ thể. Đó là từ các nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ, của các cơ quan của Trung ương về khảo sát, đánh giá chuyên đề về cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; nhất là tư liệu quan trọng nhất chính là việc đánh giá những kết quả, quá trình triển khai nghị quyết, đưa các nghị quyết đó vào cuộc sống, bằng những phương thức, mô hình, bằng việc vận dụng sáng tạo, đáp ứng nhu cầu, thể hiện được tinh thần năng động của thành phố.

Tuy nhiên, đồng chí Nguyễn Văn Nên cũng thẳng thắn nhìn nhận, từ thực tiễn của thành phố, nhiều hạn chế, bất cập làm cản trở con đường phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tại thành phố nói riêng và cả nước nói chung đã bộc lộ. Đó là về hệ thống pháp luật của đất nước hiện còn nhiều bất cập, chưa theo kịp sự phát triển, nhất là trong thời kỳ hội nhập, trong quá trình thực hiện còn mâu thuẫn; chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh còn thấp, thiếu bền vững; hiệu quả và năng lực của nhiều doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nhà nước còn hạn chế.

Để tiếp tục phát huy tối đa có hiệu quả vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của Thành phố Hồ Chí Minh trong công cuộc đổi mới giai đoạn tới, Đảng và Nhà nước đã chủ trương thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với thành phố. Nội dung Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội mới đây về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố đã quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù như: Quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách nhà nước; quản lý đô thị, tài nguyên, môi trường; ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào thành phố; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Thủ Đức.

Đây cũng chính là những cơ chế, chính sách để thành phố tháo gỡ những điểm nghẽn, thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong thời gian tới.