Giữ vững vai trò trung tâm giáo dục và đào tạo chất lượng cao

Những năm qua, các địa phương vùng Ðông Nam Bộ triển khai nhiều chủ trương, chính sách phù hợp điều kiện thực tế, góp phần nâng cao chất lượng, khẳng định vai trò trung tâm giáo dục và đào tạo chất lượng cao của cả nước và khu vực. Tuy nhiên, để tiếp tục tiên phong trong thực hiện đổi mới, đáp ứng nhu cầu xã hội, giáo dục và đào tạo vùng Ðông Nam Bộ vẫn cần nhiều giải pháp mang tính đột phá.
0:00 / 0:00
0:00
Giờ học tại Trường THCS Duy Tân, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. (Ảnh KHÁNH CHI)
Giờ học tại Trường THCS Duy Tân, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. (Ảnh KHÁNH CHI)

Bên cạnh triển khai các chủ trương, chính sách chung của Ðảng, Nhà nước, một số địa phương đã có các chính sách đặc thù tạo chuyển biến tích cực về quy mô và chất lượng giáo dục. Hệ thống trường, lớp học của vùng được củng cố, mở rộng và phân bố đều đến hầu hết các địa bàn từ nội thành đến ngoại thành, từ thành phố, thị xã đến vùng sâu, vùng xa, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người dân.

Chủ động, tích cực nâng cao chất lượng

Thứ trưởng Giáo dục và Ðào tạo Nguyễn Văn Phúc cho biết, quy mô và mạng lưới các cấp học vùng Ðông Nam Bộ được đầu tư phát triển đồng bộ, đa dạng, đến nay, toàn vùng có 7.871 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên. Công tác xã hội hóa giáo dục tiếp tục phát huy có hiệu quả, thu hút nhiều nguồn lực trong xã hội, cộng đồng. Tỷ lệ kiên cố hóa trường, lớp học của vùng Ðông Nam Bộ là 92,5%, cao hơn so với bình quân chung cả nước.

Quy mô và mạng lưới các cấp học vùng Ðông Nam Bộ được đầu tư phát triển đồng bộ, đa dạng, đến nay, toàn vùng có 7.871 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên. Công tác xã hội hóa giáo dục tiếp tục phát huy có hiệu quả, thu hút nhiều nguồn lực trong xã hội, cộng đồng. Tỷ lệ kiên cố hóa trường, lớp học của vùng Ðông Nam Bộ là 92,5%, cao hơn so với bình quân chung cả nước.

Thứ trưởng Giáo dục và Ðào tạo Nguyễn Văn Phúc

Ðối với giáo dục đại học, vùng Ðông Nam Bộ ngày càng khẳng định vai trò là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của cả nước với 57 trường đại học và 316 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Bình quân hằng năm có khoảng hơn 70 nghìn sinh viên và sáu nghìn học viên, nghiên cứu sinh tốt nghiệp, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng.

Kết quả đạt được chính là nhờ vào sự chủ động, tích cực của các địa phương vùng Ðông Nam Bộ triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục.

Ðiển hình tại Thành phố Hồ Chí Minh ban hành nhiều chỉ thị, kế hoạch, nghị quyết phát triển giáo dục và đào tạo. Thành phố dành kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học khoảng 2.000 tỷ đồng mỗi năm; hoàn chỉnh mạng lưới trường lớp, tăng cường trang thiết bị hỗ trợ dạy, học tiên tiến, hiện đại.

Nhiều chương trình, đề án đột phá của ngành giáo dục thành phố huy động được nhiều nguồn lực xã hội hóa và đạt hiệu quả cao như: Chương trình kích cầu đầu tư cơ sở vật chất xây dựng trường học; đề án phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp; chương trình chất lượng cao "Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế"…

Trong khi đó, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã có nhiều chính sách để phát triển giáo dục và đào tạo, giúp tỉnh có chất lượng tăng trưởng giáo dục nhanh và bền vững trong khu vực. Tính trong giai đoạn 2012-2022, tổng chi ngân sách của địa phương cho giáo dục là 37 nghìn tỷ đồng. Tỉnh đã đầu tư cơ sở vật chất trường lớp theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, phấn đấu đủ điều kiện để dạy hai buổi/ngày; tất cả trường học có nước sạch và nhà vệ sinh đạt chuẩn…

Sắp xếp, cơ cấu lại hệ thống

Mặc dù có sự phát triển mạnh mẽ nhưng giáo dục và đào tạo vùng Ðông Nam Bộ vẫn chưa thật sự đáp ứng nhu cầu xã hội; kết cấu hạ tầng ngành giáo dục chưa theo kịp với sự phát triển của vùng. Tình trạng quá tải tại các trường học chưa được khắc phục; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia thấp nhất cả nước.

Ðặc biệt, tại các khu vực đông dân cư, khu đô thị mới vẫn còn tình trạng thiếu trường, thiếu lớp; không đủ điều kiện về cơ sở vật chất để tổ chức học bán trú. Tỷ lệ học sinh/trường và sĩ số học sinh/lớp của vùng cao nhất cả nước (tỷ lệ học sinh/trường cấp THCS cao gấp hai lần so với trung bình cả nước).

Năm học 2022-2023, do không đủ nguồn tuyển cho nên một số địa phương đã không tuyển đủ số biên chế giáo viên được giao. Tỷ lệ giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục 2019 còn cao, trong đó tỷ lệ giáo viên mầm non chưa đạt chuẩn cao nhất cả nước...

Ðể phát triển giáo dục và đào tạo vùng Ðông Nam Bộ, từ thực tế địa phương, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường cho biết sẽ tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, tiếp tục xây dựng và triển khai các đề án, chương trình phù hợp mục tiêu phát triển của thành phố. Bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển giáo dục và chất lượng giáo dục, ưu tiên đẩy mạnh quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo, phấn đấu đạt chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học ở mỗi cấp học, bậc học...

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ðồng Nai Nguyễn Sơn Hùng cho rằng, cần triển khai năm giải pháp phát triển giáo dục và đào tạo gồm: Quy hoạch, định hướng, dự báo phát triển giáo dục và đào tạo, bảo đảm bao quát, phù hợp thực tiễn; quy hoạch quỹ đất cho phát triển giáo dục và đào tạo; thực hiện có hiệu quả các chính sách đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên; tăng cường cơ chế tự chủ tài chính của các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập; đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực giáo dục.

Cần triển khai năm giải pháp phát triển giáo dục và đào tạo gồm: Quy hoạch, định hướng, dự báo phát triển giáo dục và đào tạo, bảo đảm bao quát, phù hợp thực tiễn; quy hoạch quỹ đất cho phát triển giáo dục và đào tạo; thực hiện có hiệu quả các chính sách đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên; tăng cường cơ chế tự chủ tài chính của các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập; đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực giáo dục.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ðồng Nai Nguyễn Sơn Hùng

Cũng theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ðồng Nai, Bộ Giáo dục và Ðào tạo cần sớm tham mưu Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển giáo dục đào tạo giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến 2045 tạo cơ sở cho phát triển giáo dục vùng Ðông Nam Bộ nói riêng, cả nước nói chung.

Theo Bộ Giáo dục và Ðào tạo, các tỉnh vùng Ðông Nam Bộ cần tiếp tục rà soát, sắp xếp mạng lưới các cơ sở giáo dục theo nguyên tắc khoa học, linh hoạt, kế thừa, ổn định lâu dài, đồng thời phù hợp điều kiện thực tế của địa phương. Ưu tiên xây dựng các cơ sở giáo dục mầm non tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp nhằm tạo điều kiện cho con em công nhân lao động được tiếp cận giáo dục mầm non thuận lợi.

Xây dựng phương án bố trí, sắp xếp giáo viên dạy liên trường bảo đảm giáo viên thực hiện đủ định mức chế độ làm việc theo quy định. Phát triển một số cơ sở giáo dục đại học thành trung tâm nghiên cứu đạt tiêu chuẩn quốc tế về công nghiệp 4.0 và khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học thành lập doanh nghiệp khoa học-công nghệ. Bộ trưởng Giáo dục và Ðào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng, vùng Ðông Nam Bộ cần thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó xác định giáo dục phẩm chất, năng lực là cốt lõi; phát huy việc thực hiện xã hội hóa, quốc tế hóa, hiện đại hóa, số hóa trong giáo dục và đào tạo. Ðối với giáo dục đại học cần sắp xếp, cơ cấu hệ thống giáo dục các bậc học, nhất là bậc đại học đang tập trung quá nhiều ở Thành phố Hồ Chí Minh, trong khi tỉnh Tây Ninh, Bình Phước lại không có. Trong đào tạo cần ưu tiên nhân lực khoa học, kỹ thuật, công nghệ... ■