Giữ nhịp cầu tình hữu nghị Việt Nam-Campuchia đời đời bền vững

NDO - Chiều nay (20/11), tiếp tục chương trình công tác của Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tại Vương quốc Campuchia, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ đến thăm, nói chuyện với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và gặp gỡ bà con cộng đồng người Việt tại nước bạn. Nhân dịp này, phóng viên Báo Nhân Dân có cuộc trao đổi với ông Châu Văn Chi, Chủ tịch Hội Khmer-Việt Nam tại Campuchia.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Châu Văn Chi, Chủ tịch Hội Khmer-Việt Nam tại Campuchia.
Ông Châu Văn Chi, Chủ tịch Hội Khmer-Việt Nam tại Campuchia.

Là người nhiều năm trăn trở và nhiệt tâm với công tác cộng đồng, có công gây dựng và phát triển tổ chức hội, ông Châu Văn Chi khẳng định: Hơn 100 nghìn bà con người Khmer gốc Việt tại Campuchia luôn hướng về quê hương Tổ quốc.

“Tuy còn nhiều khó khăn vất vả trong cuộc sống nhưng trái tim bà con nơi đây luôn son sắt thủy chung, đoàn kết yêu thương giúp đỡ lẫn nhau, giữ gìn phong tục tập quán và tiếng nói Việt Nam, làm cầu nối giữ gìn quan hệ hữu nghị láng giềng giữa hai nước Việt Nam-Campuchia mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”- ông nhấn mạnh.

Nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức

Phóng viên: Xin ông cho biết thông tin khái quát tình hình cuộc sống và những vấn đề quan tâm bà con gốc Việt hiện nay tại nước bạn?

Ông Châu Văn Chi: Cộng đồng người gốc Việt đã được hình thành từ lâu đời, có nhiều đóng góp xây dựng, phát triển cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam-Campuchia và luôn hướng về quê hương, đất nước.

Một bộ phận bà con đã ổn định cuộc sống, một số người cũng gặt hái thành công trong sản xuất, kinh doanh, nhưng nhìn chung đa số bà con còn gặp nhiều khó khăn trên mọi lĩnh vực, trong đó đặc biệt là địa vị pháp lý..

Thời gian gần đây, đã nổi lên rất nhiều sự kiện quan trọng gây ảnh hưởng đến cuộc sống vật chất và tinh thần của cộng đồng người gốc Việt tại Campuchia, như tình hình dịch bệnh Covid-19; việc chính quyền sở tại yêu cầu di dời bà con ngư dân người Việt đang làm ăn, sinh sống trên sông, hồ lên bờ hoặc đến địa điểm mới mà không nhận được sự hỗ trợ của chính quyền.

Đặc biệt, tình hình di dời bà con lên bờ ở Kampong Chhnang, Phnom Penh; công tác thống kê, kiểm tra, đăng ký ngoại kiều và đóng thẻ thường trú dành cho người nước ngoài thuộc diện nhập cư của Bộ Nội vụ Campuchia; tình hình thiên tai, hỏa hoạn cũng làm ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của bà con người gốc Việt ở Campuchia trong thời gian qua.

Có thể nói, cộng đồng người gốc Việt tại Campuchia là một cộng đồng gặp nhiều khó khăn nhất so với các cộng đồng người Việt đang sinh sống trên thế giới, nhưng cũng là cộng đồng nhận được sự quan tâm, giúp đỡ nhiều nhất của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các bộ ngành, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán, các Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Campuchia, các tổ chức, doanh nghiệp và các mạnh thường quân trong nước về nhiều lĩnh vực.

Đặc biệt, Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm, lo lắng cho bà con cộng đồng người gốc Việt ở Campuchia trong việc giải quyết vấn đề giấy tờ pháp lý của bà con theo quy định của luật pháp Campuchia. Đây là yếu tố tiên quyết để nâng cao vị thế của bà con cộng đồng người gốc Việt ở Campuchia, góp phần làm cho bà con yên tâm làm ăn, sinh sống lâu dài ở Campuchia.

Giữ nhịp cầu tình hữu nghị Việt Nam-Campuchia đời đời bền vững ảnh 1

Đại hội đại biểu Hội Khmer-Việt Nam tại Campuchia lần thứ III, nhiệm kỳ 2021-2026.

Phóng viên: Ông có thể nói thêm về những hoạt động mang lại hiệu quả tích cực của Hội Khmer Việt Nam tại Campuchia, nhất là trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19 tại Campuchia?

Ông Châu Văn Chi: Về tình hình hoạt động hội, ngày 14/12/2003, Bộ Nội vụ Campuchia đã cấp giấy phép chính thức hoạt động trên toàn Campuchia, đến ngày 9/5/2018, Bộ Nội vụ Campuchia đã cấp phép đổi tên thành Hội Khmer-Việt Nam tại Campuchia.

Đến nay hội đã xây dựng thành lập được 25/25 chi nhánh tỉnh, thành hội và 5 hội (gồm các hội: Phụ nữ, Thầy thuốc, Doanh nhân, Người cao tuổi và Thanh niên). Việc này đã tạo điều kiện thuận lợi cho hội trong việc phục vụ cộng đồng, giúp đỡ bà con người gốc Việt ổn định cuộc sống và hòa nhập tốt hơn vào xã hội Campuchia.

Trong bối cảnh nhiều khó khăn, cam go khi dịch Covid-19 bùng phát, các thành viên chủ chốt trong Ban Thường trực, Ban Chấp hành hội thường xuyên liên hệ chính quyền địa phương trên khắp cả nước để vận động cho bà con người gốc Việt được tiêm vaccine phòng dịch.

Nhờ đó, đã có khoảng 90% số hộ, kể cả những người chưa có đủ giấy tờ trên 25 tỉnh, thành phố được cơ quan y tế sở tại tiêm ngừa Covid-19. Cùng với đó, dụng cụ y tế, lương thực và tiền mặt do nước nhà gửi tặng đã được hội phối hợp Đại sứ quán, khẩn trương chuyển đến bà con nhiều đợt, góp phần giảm thiệt hại do dịch dã gây nên.

Theo thống kê, trong giai đoạn 2020-2021, có hơn 400 người gốc Việt xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, trường hợp không qua khỏi có khoảng 40 người.

Bên cạnh những thuận lợi, Hội còn gặp một số khó khăn như, đa phần cán bộ hội đều lớn tuổi (độ tuổi 60-70 chiếm trên 85%) và hoạt động không có lương hoặc bất cứ khoản trợ cấp, hỗ trợ nào... nên ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động của hội, nhất là trong tình hình hiện nay khi công tác được xác định là vấn đề chiến lược lâu dài.

Giữ nhịp cầu tình hữu nghị Việt Nam-Campuchia đời đời bền vững ảnh 2

Đại sứ quán Việt Nam cùng cán bộ hội phát quà cứu trợ cho bà con gốc Việt có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và mưa lũ tại huyện Peam Chor, tỉnh Prey Veng, tháng 10/2020.

Son sắt thủy chung, đoàn kết yêu thương

Phóng viên: Ông có thể đánh giá ý nghĩa chuyến thăm chính thức nước bạn lần này của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ? Cộng đồng có đề đạt những kiến nghị, đề xuất nào gửi gắm Chủ tịch Quốc hội và các thành viên trong Đoàn?

Ông Châu Văn Chi: Các hội viên hội và đông đảo bà con phấn khởi vì nước nhà giàu mạnh sẽ là nguồn động viên to lớn đối với cộng đồng người gốc Việt trên thế giới nói chung và tại Campuchia nói riêng. Kiều bào ta tại đất nước Chùa Tháp luôn tin tưởng và mong muốn được đón các vị lãnh đạo cấp cao của nước nhà sang thăm.

Qua những dịp gặp gỡ ấm áp đó, khẳng định một điều rằng, tuy đời sống còn nhiều khó khăn, bà con kiều bào tại Campuchia lúc nào cũng hướng về quê hương Việt Nam, sẵn sàng đóng góp cho đất nước khi cần thiết.

Hội Khmer Việt Nam tại Campuchia kiến nghị ngài Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các vị đại biểu cấp cao Việt Nam tiếp tục quan tâm, giúp đỡ cho bà con cộng đồng người gốc Việt Nam tại Campuchia một số vấn đề lớn.

Thứ nhất, đó là vấn đề địa vị pháp lý của bà con. Qua các cuộc gặp với các nhà lãnh đạo cấp cao của bạn, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam sẽ trao đổi, đề nghị Nhà nước Campuchia giải quyết cho bà con được nhập quốc tịch Khmer trong thời gian sớm nhất, sửa đổi điều kiện xin nhập quốc tịch yêu cầu phải có giấy khai sinh, hộ chiếu, lý lịch tư pháp, bà con Việt kiều Campuchia đa số sinh sống lâu đời tại Campuchia hoàn toàn không có loại giấy tờ này.

Thứ hai, có kế hoạch hỗ trợ cho bà ở dọc bờ sông, theo dòng sông Mekong, sông Sáp, Basac và Biển Hồ di dời lên bờ sinh sống.

Đồng thời, chúng tôi đề nghị các công ty như Tập đoàn Cao su Việt Nam, Công ty Thagrico, Công ty nông nghiệp Thagrico cấp đất cho bà con người gốc Việt đang lao động tại công ty để bà con có chỗ ở ổn định, yên tâm làm ăn sinh sống lâu dài tại Campuchia.

Giữ nhịp cầu tình hữu nghị Việt Nam-Campuchia đời đời bền vững ảnh 3

Ông Châu Văn Chi tham gia tiếp nhận hàng cứu trợ tại cửa khẩu, tháng 4/2021.

Thứ ba, hội chúng tôi xin đề đạt Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành xem xét hỗ trợ hàng năm 50 suất học bổng cho con em người gốc Việt học đại học tại Campuchia và Việt Nam. Từ tri thức và lòng nhiệt tình tuổi trẻ sẽ đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng nước sở tại và hướng về quê hương bằng những hành động thiết thực.

Thứ tư, hỗ trợ kinh phí hoạt động hội và cán bộ hội, đặc biệt là kinh phí kiện toàn lại Ban Chấp hành hội, phân hội cấp xã phường, chi hội cấp quận/huyện và Ban Chấp hành hội chi nhánh tỉnh/thành phố.

Thứ năm, kiến nghị các tỉnh/thành phố trong nước hỗ trợ kinh phí mua mặt bằng xây dựng trường lớp học dạy chữ Khmer và chữ Việt, giúp thế hệ con em người Việt hội nhập sâu rộng vào cộng đồng sở tại, giữ gìn tiếng nói, chữ viết Việt Nam.

Chúng tôi cũng kính mong Quốc hội, các cấp ngành giúp đỡ, giao thiệp với Bộ Nội vụ, Tổng Cục Di trú Campuchia cấp sổ thông hành hoặc hộ chiếu cho bà con được qua lại cửa khẩu Campuchia-Việt Nam.

Xin thay mặt bà con chân thành cám ơn sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam trong suốt thời gian qua đã tạo điều kiện giúp đỡ cho bà con chúng tôi về đủ mọi mặt, đặc biệt nhất là về vấn đề địa vị pháp lý.

Chúng tôi xin khẳng định, dù hoàn cảnh cuộc sống có thể đem người Việt Nam ra khỏi Tổ quốc nhưng không có gì có thể đem Tổ quốc ra khỏi trái tim của người Việt Nam.

Mong ước của bà con là luôn được Đảng và Nhà nước, Quốc hội quan tâm hợp tác chặt chẽ với Quốc hội, Chính phủ Campuchia để tiếp tục tạo điều kiện hơn nữa về chính sách, thủ tục pháp lý để bà con yên tâm sinh sống ổn định, lâu dài tại Vương quốc Campuchia.