Giữ gìn phẩm chất cao quý của người thầy giáo

Các trường học trong thành phố đang tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 34 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982 - 20-11-2016. Đây là dịp để nhà trường xem xét, đánh giá tình hình công tác, các mặt hoạt động của đội ngũ giáo viên; kiểm điểm những mặt đã làm được và chưa làm được; động viên, khuyến khích các thầy giáo, cô giáo phát huy truyền thống tốt đẹp của người thầy; tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, tác phong người thầy giáo, thật sự là những tấm gương sáng cho học sinh noi theo.

Trong dịp này, cấp ủy, chính quyền các cấp cũng cử đoàn đại biểu đến thăm, chúc mừng Ban Giám hiệu nhà trường; phối hợp với nhà trường tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm biểu dương, tôn vinh những tập thể, cá nhân tiêu biểu, những tấm gương sáng trong sự nghiệp “trồng người”. Các em học sinh, sinh viên, các bậc cha mẹ cũng đến thăm hỏi, tặng hoa, chúc mừng, tặng quà tri ân các thầy cô giáo. Nhiều học sinh dù đã ra trường từ rất lâu nhưng cũng hẹn nhau, tổ chức thành từng nhóm về thăm trường cũ; đến thăm thầy cô giáo, nhất là những thầy, cô lớn tuổi đã về hưu... Đây là những việc làm hết sức ý nghĩa, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã giáo dục, rèn giũa, giúp mình trưởng thành.

Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ hết sức vinh quang và cũng là trách nhiệm rất nặng nề đối với ngành giáo dục và đội ngũ các thầy, cô giáo. Tại TP Hồ Chí Minh, giáo dục và đào tạo được xác định là động lực quan trọng để thành phố phát triển bền vững. Với nhiệm vụ xây dựng thành phố trở thành trung tâm giáo dục - đào tạo chất lượng cao của cả nước và khu vực, kỷ niệm Ngày Nhà giáo năm nay, nhiều ý kiến nhân dân, đề nghị ngành giáo dục thành phố phát động phong trào thi đua trong toàn ngành, hướng các hoạt động thi đua vào những nội dung cụ thể, nhằm đẩy mạnh thực hiện hiệu quả các giải pháp đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo. Tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng; giữ gìn, phát huy truyền thống tốt đẹp của nền giáo dục nước nhà; động viên, khuyến khích các thầy, cô giáo, cán bộ, công nhân viên chức nhà trường không ngừng học tập, nâng cao năng lực chuyên môn, trách nhiệm, niềm vinh dự, tự hào của người thầy giáo.

Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm học tới được xác định có nhiều thay đổi so với các kỳ thi trước. Vì vậy, các trường THPT cần tổ chức nhiều buổi thao giảng, trao đổi kinh nghiệm giảng dạy cho giáo viên trong trường và với các trường bạn; chú trọng hơn nữa đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát huy khả năng tư duy của học sinh; giúp các em nâng cao kỹ năng hòa nhập cuộc sống xã hội; rèn luyện kỹ năng học, làm bài tập, bài kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm, bài thi tổ hợp... để bảo đảm đạt kết quả cao nhất trong kỳ thi sắp tới. Đồng thời, phòng giáo dục - đào tạo các quận, huyện; các trường, trung tâm giáo dục thường xuyên tăng cường kiểm tra, thực hiện nghiêm túc các quy định của ngành và của thành phố về dạy thêm, học thêm; phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

“Tôn sư trọng đạo” là truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Thế nhưng, một thực tế đáng buồn là hiện nay sự kính, sự yêu của không ít trò và cả các bậc cha mẹ đối với thầy, cô giáo có phần giảm xuống. Một trong những nguyên nhân phổ biến là có một bộ phận thầy, cô không làm tròn trách nhiệm của nhà giáo; coi giá trị vật chất cao hơn trách nhiệm, vinh dự của người thầy, tổ chức dạy thêm, học thêm quá mức; khi đứng lớp không truyền đạt hết kiến thức bài học mà dành cho những buổi học thêm, cho những em học sinh học thêm; biến việc dạy thêm, học thêm thành hình thức mua bán kiến thức. Cùng với đó, tình trạng đánh giá học sinh thiếu khách quan, không công bằng, chạy theo thành tích... cũng làm ảnh hưởng tới hình ảnh cao đẹp của người thầy giáo trong mắt học sinh và trong xã hội.