Nhiều bạn đọc trẻ đã thú thật khi đọc hai câu "Nước biếc non xanh thuyền gối bãi. Ðêm thanh nguyệt bạch khách lên lầu" trong “Quốc âm thi tập” thì thấy Nguyễn Trãi nhà thơ hiện ra rất rõ nhưng khi đứng trước không ít bản dịch thơ Nguyễn Trãi viết bằng chữ Hán bạn đọc thấy mất mát cái trong sáng cần có của thơ. Ðọc thấy khô khan, khó hiểu vì một phần dịch tối nghĩa. Và cái chính là tứ thơ bát ngát bay bổng vốn có của tâm hồn Nguyễn Trãi trong nguyên tác không còn, thiếu cái "cốt cách" của nhà thơ trong nguyên tác. Nhiều bài thơ dịch đã... không thơ.
Nguyễn Trãi sống cách xa chúng ta sáu thế kỷ, chúng ta có may mắn còn được lại hôm nay những trước tác của Nguyễn Trãi. Bên cạnh “Quốc âm thi tập”, về thơ mà nói chúng ta còn 105 bài thơ chữ Hán, căn cứ theo Nguyễn Trãi toàn tập do Nhà xuất bản Khoa học xã hội ấn hành gần đây. Nói cách Nguyễn Du "Thi nhân bất đắc kiến. Kiến thi như kiến nhân" (tạm dịch: Nhà thơ chẳng được thấy rồi. Ðọc thơ như cũng thấy người trong thơ) thì Nguyễn Trãi bằng xương bằng thịt chúng ta chẳng thể thấy, nhưng chúng ta vẫn "gặp" Nguyễn Trãi. Chúng ta vẫn thấy Nguyễn Trãi trong thơ, cho dù thơ bằng chữ Hán, Nguyễn Trãi viết cách đây 600 năm. Chúng ta đã và sẽ dịch thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi, "tái hiện" Nguyễn Trãi trong mỗi một bài thơ dịch. Nhưng dịch thế nào đây? Ðể thế hệ hôm nay và những thế hệ mai sau không cần phải biết chữ Hán cũng vẫn sẽ - bằng vào những bài thơ dịch, tất nhiên là phải đạt - có thể thấy "diện mạo" cốt cách cùng với tâm hồn Nguyễn Trãi "lộng gió" của thời đại lúc bấy giờ.
Dịch thơ chữ Hán của các nhà thơ thế kỷ trước nói chung và dịch thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi nói riêng, ngoài tiêu chuẩn trung thực của dịch, trung thực hiểu theo nghĩa rộng, nhất thiết phải đạt tiêu chuẩn cần phải có của thơ. Tôi muốn nói tiêu chuẩn truyền cảm, tiêu chuẩn đọc thấy "vào".
Nhận xét của nhiều bạn đọc trẻ khiến chúng ta cần trao đổi. Ðọc một bài thơ dịch chữ Hán của Nguyễn Trãi, các bạn thấy người dịch lột hết được tứ thơ của nguyên tác, kể cả những điển cố (không bỏ sót điển cố nào) nhưng đọc nếu không "vào", nếu không rung động, không truyền cảm thì tôi xin phép được nghĩ là bài thơ dịch đó không đạt.
Sức sống bền lâu của bài thơ, sinh khí của bài thơ như chúng ta đều biết, kể cả thơ dịch, ngoài nội dung tư tưởng là sự truyền cảm "sống động", là sự "gây mê". Sự "gây mê" này, chiếm lĩnh bạn đọc khiến bạn đọc thuộc nhiều thế hệ biết đấy mà không cưỡng lại được. Nhưng thật ra tôi nghĩ làm gì có chuyện cưỡng lại mà là tiếp nhận êm ái, tiếp nhận với cái bồi hồi được "tiếp xúc" với nhà thơ.
Về dịch thơ, theo tôi, chúng ta có cả một bài học để lại của những người đi trước. Nếu không mang đầy đủ ý thức về tiêu chuẩn đầu tiên của thơ là truyền cảm thì Phan Huy Vịnh thế kỷ thứ 18 khi dịch bài thơ chữ Hán "Tỳ bà hành" của Bạch Cư Dị, khó làm chúng ta mỗi lần đọc lại thấy bàng hoàng vì sức "gây mê" của bạn dịch. Với Ðoàn Thị Ðiểm dịch “Chinh phụ ngâm” của Ðặng Trần Côn lại càng rõ, Phan Huy Vịnh cùng với Ðoàn Thị Ðiểm đã ý thức trở thành "tác giả thứ hai", tác giả với cái nghĩa sáng tạo (làm cho tác giả thứ nhất được giới thiệu chân thực và được "nhân" lên, chiếm lĩnh bạn đọc nhiều thế hệ qua tác phẩm dịch của mình).
Nguyễn Trãi - nhà tư tưởng, Nguyễn Trãi - nhà chính trị, nhà nhân nghĩa chúng ta dễ nhận ra trong “Lam Sơn thực lục”, “Bình Ngô đại cáo”, “Phú núi Chí Linh”, “Văn bia Vĩnh Lăng”, “Quân Trung từ mệnh tập”, “Dư địa chí”. Nhưng còn Nguyễn Trãi - nhà thơ? Phần thơ quốc âm, Nguyễn Trãi đã thật sự chinh phục chúng ta với tư cách một nhà thơ - cho dù ngôn ngữ thơ thời ấy khác xa với ngôn ngữ thơ ca hiện nay. Bởi, Nguyễn Trãi đã tạo cho mình một phong cách thơ riêng với những hình tượng riêng để diễn đạt tư tưởng của mình.
Nhưng phần thơ Nguyễn Trãi viết bằng chữ Hán phải thông qua các bản dịch. Việc dịch những bài thơ chữ Hán Nguyễn Trãi sáng tác, chúng ta không được quên người đọc thế hệ mới đòi hỏi đằng sau bản dịch phải hiện rõ "diện mạo" Nguyễn Trãi - nhà thơ. Nói một cách khác, người đọc hôm nay đòi hỏi không chỉ bản dịch thơ mà là bài thơ dịch - bản dịch - đã thành thơ có in dấu tâm hồn Nguyễn Trãi với sự cộng tác tâm hồn của người dịch. Và như vậy, người dịch phải có yêu cầu tự nâng mình lên thành nhà thơ. Nhưng bài thơ dịch đọc phải truyền cảm, phải "vào". Người đọc thế hệ mới không biết chữ Hán nếu như chỉ cần tìm hiểu tứ thơ và hình tượng thơ của nguyên tác không thôi, thì có lẽ nghiên cứu bản dịch xuôi sát nghĩa là đủ. Nhưng ở đây, người đọc muốn được "rung động cái rung động thơ", muốn được "truyền cảm cái truyền cảm thơ" của Nguyễn Trãi từ nguyên tác vẫn được giữ nguyên chuyển qua bản dịch "đã thành thơ". Chúng ta không được quên dịch là khoa học nhưng dịch còn là nghệ thuật.
Sẽ có ý kiến nếu như vậy thì bài thơ dịch phải trở thành sáng tác thứ hai của tác giả thứ hai, phải có "cuộc đời riêng" bên cạnh nguyên tác? Quả là người đọc yêu cầu vậy. Như chúng ta đều biết và đều công nhận Phan Huy Vịnh là tác giả thứ hai cũng như Ðoàn Thị Ðiểm là tác giả thứ hai bên cạnh tác giả thứ nhất Bạch Cư Dị và Ðặng Trần Côn. Nền văn học Việt Nam sẽ mãi mãi ghi công hai tác giả thứ hai này. Phan Huy Vịnh và Ðoàn Thị Ðiểm không có ai "phân công" và "tự phân công" làm công việc giới thiệu hai tác phẩm chữ Hán “Tỳ bà hành” cũng như “Chinh phụ ngâm” ra quốc âm, có phải chính vì thế mà đã tạo nên tác phẩm thứ hai không? Tôi cứ nghĩ là công việc dịch thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi, đòi hỏi người dịch nghiêm khắc với công việc của mình, sẽ chỉ dịch bài thơ nào khi đọc lên thấy lòng mình rung động, thấy "có đất" góp phần sáng tạo.
Tại sao ở mỗi bài thơ nguyên tác lại không thể có nhiều bản dịch với nhiều cách dịch để bạn đọc rộng rãi lựa chọn. Không ai khác, bạn đọc sẽ phát hiện ra những "tác giả thứ hai" và tìm ra cho mình những bài thơ dịch thoát, chinh phục trái tim mình.