Sau đợt bùng dịch Covid-19 lần ba, T.K cho biết, công ty anh làm việc đã phải cắt giảm tới 80% nhân sự dù trước đó đã chuyển hướng hoàn toàn sang thị trường nội địa. Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát liên tiếp đều nhằm những đợt thị trường chớm sôi động trở lại khiến công ty anh và nhiều công ty lữ hành khác dù còn duy trì ít nhân sự cũng vẫn như “người đang ốm, cố gắng gượng dậy lại bị bão quật đổ”.
T.K sau một thời gian cân nhắc, giằng co giữa việc rời đi hay trụ lại công ty, anh đã quyết định tạm xa du lịch để tập trung vào cửa hàng ăn uống mà anh đã hùn vốn với mấy người bạn trước đó.
“Làm hàng ăn dù có đóng cửa vì giãn cách thì vẫn bán mang về được, làm du lịch, mỗi lần dịch bùng thì không có cách nào nhúc nhích được”, T.K tâm sự.
Câu chuyện của T.K không phải là cá biệt mà thực tế rất phổ biến trong ngành du lịch thời đại dịch. Đại dịch bùng phát từng đợt khiến ngành du lịch gần như “đóng băng” hoàn toàn. Hệ quả là hơn 90% đơn vị lữ hành đóng cửa, chỉ còn một số doanh nghiệp lớn hoạt động cầm chừng nhưng cũng cắt giảm tối đa nhân sự, chỉ giữ lại bộ khung.
Nhiều hướng dẫn viên phải chạy xe ôm, giao hàng, bán hàng online, khá hơn thì đi dạy ngoại ngữ,… thậm chí nhiều giám đốc, quản lý trong ngành du lịch cũng phải chuyển đổi ngành nghề như trồng rau sạch, mở hàng đồ uống, mở công ty vệ sinh công nghiệp,… Tất cả cốt để mưu sinh cuộc sống hàng ngày, và ai còn tâm huyết thì chờ đến ngày quay lại với du lịch khi thị trường hồi sinh…
Trước thực tế đau xót này, các chuyên gia cảnh báo, ngành công nghiệp không khói trong nước đang phải đối diện cuộc khủng hoảng nhân sự lớn chưa từng có, nhất là lao động chất lượng cao.
“Chảy máu nhân sự”
Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam (TAB) thông tin, tính đến cuối năm 2019 có khoảng 4,9 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch, chưa kể lực lượng lao động ở những mảng công việc có liên quan. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 bùng phát liên tiếp khiến xu hướng nghỉ việc tăng cao và dịch chuyển sang các ngành nghề khác.
Theo khảo sát hồi tháng 5 của TAB, 18% doanh nghiệp đã cho toàn bộ nhân viên nghỉ việc, 48% doanh nghiệp cho 50-80% nhân viên nghỉ việc, 75% doanh nghiệp có hình thức hỗ trợ tài chính khác đối với số người lao động bị mất việc.
Riêng tại Hà Nội, Sở Du lịch cho biết, tính đến hết tháng 2-2021, ước tính 95% số lượng doanh nghiệp, đại lý lữ hành ở Hà Nội phải đóng cửa, dừng hoạt động.
267/1.191 doanh nghiệp lữ hành quốc tế thu hồi giấy phép và dừng hoạt động. 11/103 doanh nghiệp lữ hành nội địa rút giấy phép kinh doanh. Số lượng lao động nghỉ việc, chấm dứt hợp đồng lao động khoảng 90% tổng số lao động doanh nghiệp lữ hành, tương đương 12.168 người.
Chia sẻ với phóng viên, ông Cao Chí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho biết, trước đại dịch, Đà Nẵng có 56 nghìn lao động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch. Theo khảo sát mới nhất, đến thời điểm này, có khoảng 3/4 số lao động trong ngành du lịch đã tạm ngừng việc, thất nghiệp hoặc mất việc và cũng rơi vào tình trạng chật vật.
Thực tế, nhiều lao động sau nghỉ việc đã tìm được việc thích hợp, có thu nhập tương đương như trước, đam mê với du lịch đã mai một đang khiến họ không có nhu cầu quay trở lại ngành. Rõ ràng nhân lực du lịch đang bị “chảy máu” gần hết trong đại dịch. Khi du lịch hồi sinh, bù đắp sự thiếu hụt nguồn nhân lực sẽ hết sức bức thiết, nhất là khi lĩnh vực này đòi hỏi lượng nhân lực phải có những kỹ năng đặc thù không thể đào tạo ngắn ngày.
Lấp đầy khoảng trống
Qua bốn lần dịch Covid-19 bùng phát, nhân lực du lịch xuất hiện một khoảng trống rất lớn không thể khỏa lấp trong ngày một ngày hai. Việc giữ chân những lao động chuyên nghiệp và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để chuẩn bị cho sự phục hồi du lịch là bài toán cần giải bằng nhiều phương pháp.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Công Hoan, Trưởng ban truyền thông Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Tổng Giám đốc Flamingo Redtours cho rằng, doanh nghiệp nên duy trì hoạt động du lịch ở góc độ đam mê, cố gắng giữ một bộ phận nhân sự tối thiểu, duy trì kết nối bằng cách giao ban trực tuyến hàng tuần, lập các nhóm tương tác để trao đổi, đánh giá tình hình thị trường nhằm duy trì kỹ năng chuyên môn du lịch. Đồng thời vẫn cần trả một phần lương cho nhân viên, tạo điều kiện cho họ được đóng bảo hiểm xã hội. Nhân sự ngành du lịch có kỹ năng mềm về bán hàng, marketing, phiên dịch, truyền thông, tư vấn,… nên có thể dùng những chuyên môn để làm nghề tay trái, bù đắp thu nhập trong khi chưa biết khi nào đại dịch kết thúc.
Từ phía Hiệp hội du lịch, ông Cao Chí Dũng cho hay, việc duy trì lực lượng lao động du lịch phụ thuộc vào ba yếu tố. Thứ nhất là các chính sách hỗ trợ của chính phủ, của các địa phương, hiệp hội. Thứ hai là dựa vào khả năng của từng doanh nghiệp cả về tiềm lực tài chính lẫn độ linh hoạt chuyển đổi công việc thay thế để duy trì lực lượng lao động. Thứ ba là ở chính người lao động. Người lao động một mặt chủ động tìm kiếm công việc phù hợp tạm thời nhưng vẫn giữ đam mê với ngành để có thể trở lại làm việc khi thị trường phục hồi.
Ông Dũng nêu dẫn chứng, tại Đà Nẵng, Hiệp hội Du lịch thành phố đã phối hợp với Liên đoàn lao động thành phố, nhiều tổ chức nghề nghiệp để triển khai các lớp đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động trong lĩnh vực du lịch, nhất là việc chuyển đổi số để người lao động có được một số nhóm chuyên môn mới, chuẩn bị cho sự quay lại của thị trường trong bối cảnh số.
Cùng với việc nâng cao tay nghề, Đà Nẵng cũng đang hoàn thiện điều kiện để người lao động trong lĩnh vực du lịch được tiếp cận một số nguồn vay không thế chấp nhằm trang trải cuộc sống.
“Những biện pháp này của Đà Nẵng được kỳ vọng sẽ duy trì được nguồn lao động du lịch để sẵn sàng cho sự phục hồi của thị trường du lịch”, ông Dũng bày tỏ.
Bứt tốc đường xa
Trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch Việt Nam (Tổng cục Du lịch) nhận định, hiện đang là giai đoạn khó khăn nhất của ngành du lịch từ khi hình thành đến nay. Nhưng trong khó khăn vẫn phải tính đường xa, chuẩn bị lực lượng và các điều kiện để tạo đà bứt tốc, tăng tính cạnh tranh quốc tế khi du lịch hồi sinh.
Theo Viện trưởng Nguyễn Anh Tuấn, du lịch là ngành đặc thù đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao, cần thời gian dài tích lũy kinh nghiệm và đào tạo bằng thực tế trải nghiệm qua việc làm hàng ngày, có khi phải mất 10 năm mới đào tạo được một lao động mới trở thành chuyên nghiệp.
“Nếu một lao động cũ trong ngành du lịch nghỉ việc có thể phải cần tới 10 lao động mới để bù đắp, nhưng chưa chắc 10 lao động mới đã bằng một lao động cũ”, Tiến sĩ Tuấn nói.
Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn khẳng định, “Cạnh tranh quốc tế trong ngành du lịch sau này (UNWTO dự báo, hậu Covid-19, ngành du lịch sẽ bật tăng mạnh mẽ sau thời gian dài dồn nén vì đại dịch) phải dựa vào lực lượng lao động chuyên nghiệp. Do đó giải pháp giữ chân lao động trong ngành du lịch là giải pháp hiệu quả nhất”.
Tiến sĩ Tuấn nêu thí dụ, nếu tiếp nhận lao động mới ở những vị trí đặc thù như trưởng bộ phận buồng phòng, hướng dẫn viên du lịch,... người làm mới sẽ phải cần khoảng thời gian để tích lũy kinh nghiệm thực tế. Điều này có thể ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Vì thế “giữ chân lao động cũ hiệu quả hơn đào tạo, nhất là đào tạo mới”.
Tiến sĩ Tuấn nêu rõ, Bộ Chính trị đã ban hành nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển ngành du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Sau nhiều năm tăng trưởng liên tiếp, năm 2019 du lịch đã đạt mức đóng góp tới hơn 9,2% GDP, tiệm cận ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Nhưng đại dịch bùng phát đã khiến du lịch rơi vào khó khăn chưa từng có trong hơn một năm qua.
"Để tiếp tục thực hiện được nghị quyết 08 của Bộ Chính trị thì cần phải có những chính sách hỗ trợ xác đáng cho ngành du lịch vực dậy. Cùng với những chính sách về thuế, ưu đãi về tài chính, thì một chính sách thiết thực đồng bộ từ trung ương tới địa phương nhằm giữ chân lực lượng lao động trong ngành du lịch thực sự là một việc làm cần nhất lúc này", Tiến sĩ Tuấn nói.
Cơ sở vật chất, vẻ đẹp thiên nhiên, chất lượng dịch vụ là ba thành tố không thể tách rời để tạo nên sự thành công của du lịch nói chung và du lịch Việt Nam nói riêng. Trước đại dịch, du lịch Việt Nam đã thăng hạng bằng những giải thưởng du lịch quốc tế danh giá nhờ nỗ lực bảo tồn tự nhiên, đầu tư trúng đích vào cơ sở hạ tầng, và không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ. Khi du lịch “đóng băng”, tài sản cố định vẫn còn đó, chỉ còn lực lượng lao động – yếu tố quyết định làm nên chất lượng dịch vụ - là bị biến đổi. Bởi vậy, câu chuyện giữ chân lao động có chất lượng để bảo đảm nhân lực khi du lịch hồi sinh không chỉ nhằm giữ sinh kế trước mắt cho người lao động, mà chính là để bảo đảm cho khả năng bứt tốc của du lịch Việt Nam ở cuộc đua khẳng định vị trí trong thị trường du lịch quốc tế hậu đại dịch Covid-19.
Ngày 16-1-2017, Bộ Chính trị ban hành nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đây là Nghị quyết có ý nghĩa lịch sử đối với sự nghiệp phát triển du lịch Việt Nam. Nghị quyết đặt ra mục tiêu đến năm 2020, ngành du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; thu hút 17-20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 82 triệu lượt khách du lịch nội địa; Ðóng góp trên 10% GDP, tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỷ USD; Giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 20 tỷ USD; Tạo ra 4 triệu việc làm, trong đó có 1,6 triệu việc làm trực tiếp. Phấn đấu đến năm 2030, du lịch Việt Nam thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Việt Nam thuộc nhóm các nước có ngành du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á.