Giới thiệu những tác phẩm thuở đầu nghiệp viết của Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư

NDO - Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh vừa ra mắt bộ ba tác phẩm “Nguyễn Xí-Nguồn sống-Dì ghẻ, con chồng” của Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư. Đây được xem là những tác phẩm ban đầu trong sự nghiệp viết lách của nhà nghiên cứu đã bước sang tuổi 104.
Bộ ba tác phẩm của Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư vừa được ra mắt độc giả.
Bộ ba tác phẩm của Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư vừa được ra mắt độc giả.

Được đông đảo độc giả, giới nghiên cứu khoa học xã hội biết đến là nhà nghiên cứu lịch sử, địa chí nhưng xuất phát điểm của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư lại là truyện dài… dành cho thiếu nhi.

Tác phẩm đầu tiên của ông là truyện dài “Nguyễn Xí”, được ông viết hơn 80 năm trước. Truyện dài “Nguyễn Xí” đăng trên báo Truyền bá số 85, ra ngày 10/6/1943 tại Hà Nội, viết về cụ Tổ dòng họ Nguyễn Đình.

Đây là câu chuyện về nhân vật lịch sử “Nguyễn Xí”, một danh tướng kiệt xuất thời Lê Sơ. Nguyễn Đình Tư đã khôi phục lại cuộc đời của Nguyễn Xí từ khi cha của ông mất.

Từ nhỏ, Nguyễn Xí đã sớm bộc lộ tài năng và lòng trung thành, theo vua Lê Lợi trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống quân Minh. Ông là một trong những nhân vật quan trọng góp phần vào chiến thắng vang dội, giúp khôi phục độc lập cho Đại Việt.

Tiếp theo đó, tác phẩm “Dì ghẻ, con chồng” xuất hiện trên Truyền bá số 103, ra ngày 3/2/1944 (tập 1 ra trước đó Nhà xuất bản Tổng hợp chưa tìm được tư liệu); “Nguồn sống” trên Truyền bá số 150, ra ngày 19/10/1944.

Tác phẩm “Nguồn Sống” của Nguyễn Đình Tư kể về hai anh em Thanh và Lam trong bối cảnh xã hội Việt Nam đầu thế kỷ 20 đầy biến động. Dù phải đối mặt với nhiều thử thách trong cuộc sống nhưng hai anh em vẫn giữ vững tình yêu thương và niềm tin vào tương lai. Đặc biệt là người anh-Thanh đã xem em mình-Lam như là nguồn sống trong cuộc đời để cố gắng vượt qua mọi khó khăn sau khi cụ phủ Tân từ trần.

Giới thiệu những tác phẩm thuở đầu nghiệp viết của Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư ảnh 1

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư năm nay đã 104 tuổi.

Những tác phẩm thuở ban đầu nghiệp viết của Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư cứ nghĩ chỉ còn là kỷ niệm bởi dòng chảy của thời gian không còn giữ lại được. May thay, Thư viện quốc gia Pháp vẫn còn lưu gần như đầy đủ những số báo Truyền bá có bài viết của tác giả Nguyễn Đình Tư (chỉ thiếu “Thù chồng nợ nước” tập 1).

Trên tinh thần tri ân nhà nghiên cứu, cũng để giúp tác phẩm quay trở lại với độc giả hiện nay, Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện ấn hành các tác phẩm của Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư đã in trên báo Truyền bá.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư từng cho biết, từ hồi còn học Tiểu học, ông đã thích môn lịch sử Việt Nam, nhờ được đọc những cuốn sách viết về danh nhân chống Pháp như vua Hàm Nghi, vua Duy Tân, cụ Phan Đình Phùng, cụ Hoàng Hoa Thám, cụ Thái Phiên, nhất là cuốn Việt Nam sử lược, với những chiến công oanh liệt của Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi…

Thông qua những tác phẩm này, ông đã ước sau này học lên cao, ông sẽ đi sâu nghiên cứu lịch sử nước nhà và viết những cuốn sách về lịch sử và địa lý các triều đại, các vùng miền của Tổ quốc Việt Nam.

“Do đó khi học bậc Trung học (tương đương với bậc Trung học cơ sở ngày nay), tôi đã bắt đầu tập viết và cuốn sách đầu tay là cuốn Nguyễn Xí, một vị khai quốc công thần của nhà Hậu Lê và là ông Tổ họ Nguyễn Đình của tôi, rồi sau đó viết tiếp một số cuốn khác … tiếp tục đến ngày nay như một sự đam mê”-Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư, chia sẻ.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư quê ở tỉnh Nghệ An. Ông có gia tài đồ sộ gồm những tác phẩm ở các mảng tiểu thuyết lịch sử, nghiên cứu lịch sử, địa chí như: Non nước Phú Yên, Non nước Khánh Hòa, Non nước Ninh Thuận, Địa chí hành chính các tỉnh Nam Kỳ thời Pháp thuộc (1859 -1954), Đường phố nội thành Thành phố Hồ Chí Minh, Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam kỳ (1859-1954), Gia Định-Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh dặm dài lịch sử (1698-2020)…

Nhiều tác phẩm của nhà nghiên cứu bách niên nhận được sự đánh giá cao của giới nghiên cứu, sự ghi nhận của các tổ chức uy tín thông qua những giải thưởng chất lượng. Dù nay đã bước sang tuổi 104, nhưng nhà nghiên cứu ở tuổi xưa nay hiếm vẫn là tấm gương lao động cần mẫn khi hằng ngày miệt mài bên những tư liệu cùng chiếc máy tính, tự mình gõ chữ để thành hình bản thảo cho những đề tài nghiên cứu mới.