Các nhà lãnh đạo ASEAN và Australia cùng bày tỏ mong muốn trong chặng đường 50 năm tới, hai bên sẽ nắm bắt các cơ hội và tăng cường quan hệ đối tác để góp phần đáng kể vào hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng của khu vực.
Nhân dịp này, phóng viên TTXVN tại Australia đã có cuộc trao đổi với Giáo sư Carl Thayer, thuộc Học viện Quốc phòng Australia, Đại học New South Wales, về kết quả của hội nghị, cũng như vai trò của Việt Nam trong việc thúc đẩy mối quan hệ ASEAN-Australia.
Giáo sư Carl Thayer bày tỏ ấn tượng với phần thứ hai trong “Tuyên bố Melbourne”, theo đó Australia cam kết hỗ trợ vai trò trung tâm của ASEAN, tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, thương mại tự do ASEAN-Australia-New Zealand, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương mà Việt Nam là một phần trong đó.
Theo Giáo sư Carl Thayer, Việt Nam cũng có mối quan tâm đặc biệt đến các vấn đề này nhằm đạt được mục tiêu phát triển dài hạn đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, vì vậy đây là những khía cạnh rất quan trọng.
Giáo sư Carl Thayer nhận định, điều đặc biệt quan trọng là kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo ASEAN và Australia bày tỏ mong muốn tiếp tục thúc đẩy cấu trúc khu vực dựa trên luật lệ, đề cao luật pháp quốc tế, lấy ASEAN làm trung tâm, duy trì mối quan hệ tôn trọng, ổn định và hòa bình giữa các quốc gia. Các nhà lãnh đạo cũng cam kết thúc đẩy niềm tin chiến lược và hợp tác, thúc đẩy đối thoại và đối thoại cởi mở trong các cơ chế do ASEAN dẫn dắt nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau, giảm thiểu rủi ro tính toán sai lầm và ngăn ngừa xung đột, hợp tác giải quyết vấn đề ô nhiễm hàng hải và phát triển bền vững ở hạ lưu sông Mekong.
Dấu mốc mới trong quan hệ ASEAN-Australia
Bình luận về vai trò của Việt Nam trong việc thúc đẩy quan hệ ASEAN-Australia, Giáo sư Carl Thayer cho rằng, Việt Nam từ lâu đã nhắc đến đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, trở thành quốc gia chủ động, tích cực trên trường quốc tế. Việt Nam coi ASEAN là trọng tâm để thực hiện điều này.
Giáo sư Carl Thayer đánh giá, Việt Nam như một “thành viên thủy thủ đoàn trên con tàu ASEAN”, luôn muốn giữ cho con tàu đi đúng hướng và khẳng định với các thành viên thủy thủ đoàn khác rằng tất cả chia sẻ một tương lai chung.
Tất cả các thành viên ASEAN hiểu rằng đến năm 2040, khối này có thể trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 hoặc thứ 4 trên thế giới nếu họ duy trì được tốc độ tăng trưởng. Câu hỏi đặt ra là Việt Nam có vai trò gì? Theo nhận xét của Giáo sư Carl Thayer, Việt Nam luôn có sẵn chiến lược lên kế hoạch trong 5 năm nhằm xây dựng một đội ngũ ngoại giao và đội ngũ phân tích được đào tạo bài bản. Thành tích của Việt Nam thực sự rất vượt trội, bằng chứng là Việt Nam đã hai lần trúng cử làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Giáo sư Carl Thayer khẳng định để làm được điều này không phải dễ, đó là do các quốc gia trên thế giới có niềm tin đối với Việt Nam. Họ coi Việt Nam là một quốc gia trung gian hòa giải chân thành và muốn hợp tác với Việt Nam bởi vai trò mang tính xây dựng của quốc gia này. Việt Nam luôn có những bình luận mang tính tích cực, xây dựng, đó là làm thế nào để thúc đẩy chương trình nghị sự và để ASEAN dần đạt được những tiến triển trong những lĩnh vực nhạy cảm.
Theo Giáo sư Carl Thayer, việc hỗ trợ xây dựng một ASEAN mạnh mẽ và thống nhất là điều quan trọng đối với Australia. Khi ký kết các hiệp định thương mại với ASEAN, Australia có thể làm việc với tất cả 10 quốc gia có cùng tiêu chuẩn. Và Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong vấn đề này, chia sẻ kinh nghiệm của mình với các nước ASEAN khác và giữ cho ASEAN luôn tự chủ.