Sáng 26/3, tại Thư viện Trường trung học Vinschool Time City, Hà Nội, chương trình giao lưu đặc biệt mang tên "Trường Sa - nơi ta đến" do Nhà Xuất bản Kim Đồng phối hợp Dự án Sách nhà mình và nhà trường tổ chức đã mở ra cơ hội để các em học sinh được tìm hiểu một cách sinh động, sâu sắc hơn về quần đảo Trường Sa, đồng thời là dịp để các văn nghệ sĩ chia sẻ, kết nối những câu chuyện đầy kỷ niệm về nơi biển đảo xa xôi mà vô cùng thiêng liêng của Tổ quốc.
Chương trình có sự tham gia của ba khách mời đặc biệt: nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà văn Nguyễn Xuân Thủy, nhà báo Nguyễn Mỹ Trà - những người có những trải nghiệm thực tế với Trường Sa. Đặc biệt, các em học sinh có mặt trong chương trình cũng đóng vai trò như những "phóng viên nhí" cùng đồng hành, ghi lại từng câu chuyện, cảm xúc.
![]() |
Nhà thơ Trần Đăng Khoa giao lưu với học sinh. |
Mở đầu chương trình, MC Thùy Dương, Chủ nhiệm Dự án Sách nhà mình đã dẫn dắt học sinh trong một chuyến hải trình đặc biệt đến Trường Sa thông qua các dữ liệu được hệ thống, chuyển tải hấp dẫn, sinh động. Những câu hỏi thú vị đã được đưa ra, chẳng hạn như việc giải thích ý nghĩa của các địa danh để mỗi bạn nhỏ hiểu rõ hơn về lịch sử, vị trí và chủ quyền của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Với mục tiêu mang đến những giá trị nhân văn sâu sắc, chúng tôi tự hào được tổ chức các chuỗi chương trình giao lưu về biển đảo, nơi mà mỗi người tham gia sẽ cùng nhau chia sẻ những câu chuyện, kiến thức, cảm xúc... để hiểu hơn vai trò quan trọng về mọi mặt của biển đảo. Đây cũng là cơ hội để các thế hệ trẻ, các gia đình có thể gắn kết, truyền lửa yêu thương, trách nhiệm để từ đó khơi dậy lòng tự hào dân tộc, thúc đẩy sự chung tay bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.
Bà Thùy Dương, Chủ nhiệm Dự án Sách nhà mình
"Trường Sa nơi ta đến" vừa là một chương trình giao lưu, vừa mở ra cơ hội để học sinh cùng các khách mời chia sẻ những cảm xúc, trải nghiệm về biển đảo quê hương, đồng thời khơi gợi lòng tự hào và ý thức trách nhiệm bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.
![]() |
Chủ quyền Tổ quốc gợi lên nhiều xúc động. |
Tại phần giao lưu, các em học sinh đã được xem những hình ảnh sống động và xúc động về Trường Sa được chuẩn bị công phu. Những tác phẩm văn học của nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà văn Nguyễn Xuân Thủy hay ảnh của nhà báo Nguyễn Mỹ Trà đưa người đọc, người xem đến với Trường Sa qua những góc nhìn rộng lớn, khắc họa vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ và cuộc sống đầy gian khổ nhưng cũng đầy kiên cường của những người lính đảo.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa - người đã có thời gian dài làm lính đảo Trường Sa - đã nhắc đến biểu tượng bất tử của Trường Sa đó là Gạc Ma, nơi những người lính hải quân của chúng ta đã anh dũng hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo. Các khách mời đã cùng nhau chia sẻ, tương tác, tái hiện lại cảm xúc đầy bi tráng về sự kiện Gạc Ma ngày 14/3/1988.
![]() |
Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy (giữa) nhận được sự quan tâm của nhiều học sinh. |
Nhà văn Lê Lựu từng nhận định về tác phẩm "Đảo chìm" của nhà thơ Trần Đăng Khoa: "Theo tôi, 'Đảo chìm' là thần bút, vì những chuyện thông thường, ai ra đảo cũng thấy thế hoặc không thấy thế mà tự nhiên có và vẫn thấy như là có thật... Ý tưởng của tác phẩm đã vượt ra ngoài những chuyện cụ thể, tưởng như rất vụn vặt. Chính vì thế, nó có sức hấp dẫn đối với bạn đọc. Và dù khe khắt thế nào, tôi vẫn phải đánh giá đây là những trang văn tuyệt vời".
Từng công tác tại quần đảo Trường Sa, nhà văn Nguyễn Xuân Thủy đã chia sẻ những cảm nhận về biển đảo mà anh đã trải nghiệm, làm nổi bật vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, kỳ vĩ và hùng tráng, cũng như sự đa dạng của các loài sinh vật biển. Qua cuốn sách "Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa" được Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành, đã qua rất nhiều lần tái bản, anh mong muốn truyền tải tới thế hệ trẻ tình yêu, sự trân trọng đối với biển đảo, đồng thời nhấn mạnh trách nhiệm gìn giữ và bảo vệ vùng biển đảo Tổ quốc.

[Ảnh] Khai mạc Triển lãm nhân dịp 50 năm giải phóng Quần đảo Trường Sa và 70 năm thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam
Với những hiểu biết và tình cảm của mình, qua "Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa", nhà văn Nguyễn Xuân Thủy kể cho bạn đọc về biển cả, sóng gió, những loài cỏ cây, động vật tự nhiên và cuộc sống của các chú bộ đội cùng nhân dân trên quần đảo Trường Sa... Bao câu chuyện thú vị, kỳ lạ, hấp dẫn về cây phong ba, cây bão táp, cá heo, cá chuồn biết bay... cùng những sự tích oanh liệt, bi tráng, những tấm gương anh hùng, dũng cảm và cả những mất mát, hy sinh của cha ông chúng ta trong sự nghiệp bảo vệ, gìn giữ quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
![]() |
Nhiều cảm xúc đã được bộc lộ một cách trân trọng và chứa chan. |
Đó là một cuốn sách sinh động, giàu cảm xúc và có dung lượng chưa đầy 100 trang nhưng chứa đựng vô vàn điều thú vị. Bạn đọc sẽ cảm nhận rõ, Trường Sa không xa, và vạn dặm Trường Sa đã hiện hữu ngay trước mắt mình. Nhận định về tác phẩm, Tiến sĩ Giáo dục Nguyễn Thụy Anh từng cho rằng, nhà văn-người lính Nguyễn Xuân Thủy có cách viết nhẹ nhàng, giọng văn tả cảnh tinh tế, đầy ắp những quan sát, liên tưởng thú vị gần gũi với tư duy của trẻ em. Đây đó thấp thoáng nụ cười hóm hỉnh dễ chịu. "Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa" được trao giải Vàng Sách Hay năm 2012 của Hội Xuất bản Việt Nam.
Chia sẻ về hành trình chụp ảnh tại các đảo, làm rõ hơn câu chuyện đằng sau những bức hình và những khó khăn trong quá trình tác nghiệp, nhà báo Nguyễn Mỹ Trà đã giúp các em hình dung sinh động hơn về Trường Sa qua ảnh. Các học sinh đã tham gia tường thuật lại những bức ảnh, từ hình ảnh của các cột mốc, những ngọn hải đăng cho đến cuộc sống thường nhật của các chiến sĩ nơi đảo xa.
![]() |
Nhà xuất bản Kim Đồng đã ra mắt Tủ sách biển đảo Việt Nam với nhiều tác phẩm hay và mang thông điệp, ý nghĩa quan trọng. |
Một phần quan trọng của chương trình là việc các học sinh được mời chia sẻ cảm xúc về những cuốn sách và những câu chuyện về Trường Sa mà họ đã được học và đọc. Các em học sinh không ngần ngại chia sẻ những suy nghĩ, cảm nhận về Trường Sa, về tình yêu quê hương đất nước, về những điều mà các bạn đã học được từ các tác phẩm văn học.
Các khách mời cũng đã chia sẻ những kỷ niệm sâu sắc của họ với Trường Sa. Nhà thơ Trần Đăng Khoa kể về những ngày tháng gắn bó ở nơi đầu sóng ngọn gió, về hình ảnh các chiến sĩ đang gồng mình bảo vệ biển đảo, về những đêm canh gác yên lặng nhưng cũng đầy quyết tâm. Nhà báo Nguyễn Mỹ Trà thì nhớ lại những lần tác nghiệp tại Trường Sa, những câu chuyện về sự kiên cường và nghị lực đặc biệt của người lính.
Chương trình khép lại với một phần thảo luận nhanh, nơi MC Thùy Dương và học sinh trao đổi về những kế hoạch, hành động cụ thể mà thế hệ trẻ có thể thực hiện để bảo vệ chủ quyền biển đảo. Các học sinh đã mạnh dạn đưa ra những sáng kiến, như: quyên góp sách, viết thư gửi các chiến sĩ, làm video tuyên truyền về Trường Sa, cũng như cam kết hành động bảo vệ biển đảo. Đông đảo học sinh cũng đã viết những lời nhắn gửi chân thành trên bảng cam kết chung, thể hiện tình yêu và trách nhiệm của mình đối với biển đảo quê hương.
Chương trình vừa là hoạt động giao lưu ý nghĩa, vừa mở ra một hành trình đầy cảm xúc, giúp thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về Trường Sa, Hoàng Sa, và chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đây là dịp để thế hệ trẻ thêm yêu mến, trân trọng và cam kết bảo vệ biển đảo quê hương; đồng thời xây dựng ý thức trách nhiệm và niềm tự hào dân tộc, khơi nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho những tình cảm, hành động cụ thể hơn.