Thiếu tướng Võ Sở, 95 tuổi, nguyên Chính ủy Binh đoàn 12. Ông đã có hơn 10 năm trực tiếp tham gia chiến đấu tại đường Trường Sơn với cương vị Phó Chủ nhiệm chính trị Đoàn 559, hiện là Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh.
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, 80 tuổi, nguyên Phó chủ nhiệm về Chính trị Tổng cục Kỹ thuật. Ông đã có gần 15 năm trực tiếp làm nhiệm vụ ở Trường Sơn, hiện là Phó chủ tịch thường trực Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh.
Ông Nguyễn Sỹ Hưng, nguyên là Trung tá phi công tiêm kích, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị - kiêm Tổng giám đốc Vietnam Airlines, con trai của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên.
Các nhân chứng lịch sử giao lưu trực tuyến tại trụ sở Báo Nhân Dân. |
Mời độc giả theo dõi cuộc giao lưu trực tuyến dưới đây:
Ông Nguyễn Sỹ Hưng:
Qua trao đổi với ba, tôi có lần đã từng hỏi, trong chiến tranh, tuyến đường Trường Sơn vừa dài vừa hiểm trở như vậy, trong khi lực lượng không quân Mỹ tìm đủ mọi cách ngăn chặn mà tại sao ta có thể vận chuyển được khối lượng lớn trang bị kỹ thuật như vậy.
Trước khi trả lời trực tiếp, ba tôi có nói muốn đánh thắng được địch thì phải coi tuyến đường Trường Sơn là chiến trường chứ không phải là tuyến vận tải đơn thuần, từ đó mới xuất hiện tư tưởng “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”, khắc phục tư tưởng phòng tránh để chủ động đánh địch trên đường Trường Sơn.
Theo quan điểm của ông, trước hết, ta phải ở tầm cao hơn địch, nhìn trước, nhìn xa chứ nếu chỉ phòng tránh, chịu trận thì hiệu quả vận tải trên đường Trường Sơn không cao. Cũng từ chính tư tưởng bao trùm đó, ta mới có những sáng kiến, sáng tạo để tổ chức vận tải hiệu quả.
Thậm chí, ông cũng đã tìm đến Tư lệnh Phòng không, không quân để xin lực lượng vào chủ động tấn công địch trên tuyến đường huyết mạch này để ta chủ động vận tải, với tư tưởng người lái xe Trường Sơn không thể bị động phòng tránh mà phải chủ động chiến đấu, ta phải tiến xa, đi trước để thắng địch dù lực lượng kém hơn.
Theo quan điểm của ông, sáng tạo phải xuất phát từ từ thực tế nhưng phải có tầm nhìn chiến lược, ở thế cao hơn địch, nắm được thủ đoạn của địch để đưa ra sáng kiến.
Cũng chính từ những tư tưởng này, sau khi hòa bình lập lại, dù ở cương vị nào, ông cũng đều đưa ra những sáng kiến mang tính hiệu quả cao, có thể áp dụng vào thực tiễn, thí dụ như ý tưởng xây dựng cầu Chương Dương song song với cây cầu Long Biên.
Nhà báo Hữu Việt:
Xin ông chia sẻ về tài thao lược của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên?
Thiếu tướng Võ Sở:
Khó nhất và ác liệt nhất là giai đoạn năm 1968-1969, đường sá đi lại rất khó khăn. Tôi nhớ rõ lúc đó Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên có nói: “Bằng mọi giá phải thông được đường”. Và sau 1 tháng, chúng ta đã thông được đường. Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là con người rất nghĩ về con đường.
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Ảnh tư liệu |
Có giai đoạn như năm 1964, trong 50 ngày, chúng ta mở được 500km đường. Đây là một kỳ tích, được lịch sử ghi nhận. Như thế, dù con đường này phải đổ rất nhiều xương máu, nhưng không có con đường nào mà chúng ta không làm được.
Tôi nhớ giai đoạn ấy, ở một điểm ác liệt, cứ 10 ngày, một đại đội lại thay một lần, quân số hao hụt gần 50%. Các đại đội phải thay phiên nhau, không thể trụ nổi vì sự hy sinh quá lớn.
Giai đoạn ấy, ác liệt như thế, nhưng bộ đội của chúng ta thật dũng cảm, gan dạ và dù đối mặt với hy sinh, vẫn bám trụ để hoàn thành nhiệm vụ.
Nhà báo Hữu Việt:
Tướng Đồng Sỹ Nguyên là vị tướng huyền thoại của con đường Trường Sơn với vai trò là Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn - Đoàn 559. Ông được đánh giá là “Cánh chim đại bàng” của Đoàn 559. Vậy xin hỏi Thiếu tướng Võ Sở, ông có nhận xét như thế nào về những đánh giá này đối với Tướng Đồng Sỹ Nguyên?
Thiếu tướng Võ Sở:
Với vai trò chỉ huy gần gũi với Tướng Đồng Sỹ Nguyên, tôi khá hiểu ông. Dấu ấn đầu tiên ngay khi ông về nhận nhiệm vụ Tư lệnh Đoàn 559 đó là ông đã đi khảo sát ngay các đơn vị trực thuộc ở khu vực Đường 9 để nắm tình hình. Từ đó, Tướng Đồng Sỹ Nguyên đã có kết luận: Muốn đánh thắng địch phải nắm vững thông tin và đánh giá đúng địch-ta.
Ông khẳng định, địch có nhiều bom đạn, máy bay nhưng là ở nơi khác đến, còn ta là người làm chủ, nên ta phải xây dựng được thế trận, phải có cầu, đường và hệ thống liên lạc, kho bãi… để bảo đảm thắng lợi.
Thiếu tướng Võ Sở. |
Ngoài ra, Tướng Đồng Sỹ Nguyên cũng là người có tài khi phát huy được vai trò, sức mạnh của cán bộ, trong đó có cả người chỉ huy và người lính để đáp ứng nhiệm vụ, yêu cầu từ thực tiễn chiến đấu.
Tầm nhìn, bản lĩnh của Tướng Đồng Sỹ Nguyên mang ý nghĩa chiến lược đối với con đường Trường Sơn huyền thoại.
Nhà báo Hữu Việt:
Xin Thiếu tướng Võ Sở chia sẻ cho bạn đọc được biết, vai trò của đường mòn Hồ Chí Minh trong cả cuộc chiến tranh là gì?
Thiếu tướng Võ Sở:
Về đường Hồ Chí Minh, cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, Chủ tịch Trường Chinh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và đặc biệt Bác Hồ cũng đã nhấn mạnh: Đường Trường Sơn không chỉ có nhiệm vụ tham gia giải phóng miền nam mà khai thông cho tương lai. Đó là câu rất ý nghĩa và khẳng định, đánh giá không có đường Hồ Chí Minh không tạo nên sức mạnh cho miền nam để thắng Mỹ. Hai triệu tấn vũ khí, lương thực, tiền và 2 triệu lượt bộ đội, thanh niên được vận chuyển trong giai đoạn này.
Giai đoạn này, hàng chục Sư đoàn cơ động qua đường mòn Hồ Chí Minh để tham gia đánh đường 9, tham gia chiến dịch Tây Nguyên, tham gia giải phóng Tây Nguyên đặc biệt là chiến dịch Hồ Chí Minh. Khi đó, chúng ta có 3 quân đoàn tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh và ban đầu chúng tôi xác định ít nhất phải mất 3 tháng mới đưa được 3 quân đoàn vào. Nhưng cuối cùng, chúng ta chỉ mất 20 ngày đã vượt qua được.
Ngoài vận chuyển vũ khí, quân, chúng ta còn có hệ thống đường ống dẫn dầu phục vụ xe tăng, ô-tô. Đây là một kỳ tích khi chúng ta xây dựng được 1.400km đường ống xăng dầu.
Nhà báo Hữu Việt:
Trong ấn tượng của Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên hiện lên như thế nào?
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn:
Chúng tôi gọi tướng Đồng Sỹ Nguyên là "đại bàng của Trường Sơn". Mặc dù không có nhiều dịp gặp ông, nhưng tôi vẫn có những ấn tượng rất sâu sắc.
Thứ nhất, tướng Đồng Sỹ Nguyên là người luôn nêu cao tư tưởng tấn công; nhưng phải dựa trên cơ sở mưu trí, sáng tạo để giữ được lực lượng của mình để giành chiến thắng.
Thứ hai, không chỉ động viên anh em, tướng Đồng Sỹ Nguyên còn trực tiếp đi trước, sát sao với thực tế chiến trường. Có những thời điểm khi chúng tôi được thông báo đêm nay, 601 ["bí danh" trên chiến trường của tướng Đồng Sỹ Nguyên - PV] trực tiếp tới chỉ đạo vận chuyển, cánh chiến sĩ trẻ đều hừng hực vì muốn... gặp Tư lệnh.
Thứ ba, Tư lệnh luôn chỉ đạo và xây dựng các phương án vận chuyển hợp lý, khoa học dựa trên cơ sở thực tiễn. Tôi nhớ có giai đoạn địch sử dụng máy bay C130 trang bị tia hồng ngoại để phát hiện ra xe ta. Nhiều chiến sĩ bị dao động vì rõ ràng địch không dùng pháo sáng mà vẫn có thể bắn cháy phương tiện vận tải của ta.
Trước tình hình kể trên, tại Hội nghị tổng kết được tổ chức tại cây số 4, đường 18, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên yêu cầu: Các lượng lượng, đặc biệt là phòng không-không quân phải tăng cường chiến đấu, không để máy bay địch "cưỡi trên lưng xe mình". Đặc biệt, Tư lệnh cho biết, năm tới, Bộ Tư lệnh sẽ tiến hành ngụy trang toàn tuyến.
Lúc này, chúng tôi không biết ngụy trang toàn tuyến ra sao. Té ra, đó chính là phương án mở đường kín để đi trong rừng... ngay ban ngày. Tuyến đường chính thì ta cho một vài xe chạy ban đêm để... nghi binh. Rõ ràng đây là một chủ trương rất sáng tạo, mà nếu không có thực tiễn thì không thể làm được.
Nhà báo Hữu Việt:
Theo Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, đường Trường Sơn có vai trò và ý nghĩa như thế nào, đặc biệt với những người lính vận tải?
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn:
Với người lính lái xe, tôi muốn đặc biệt nhấn mạnh tới ý nghĩa của việc hình thành tuyến đường vận chuyển xăng dầu.
Đường Trường Sơn. Ảnh tư liệu |
Trước khi có tuyến này, mỗi xe vận tải phải... chở theo 1 phi xăng 260 lít trên thùng. Mỗi đại đội từ 36-40 phương tiện lại phải cắt ra 2 xe để chở xăng đi theo. Như thế, trọng tải vận chuyển không cao. Đặc biệt, khi địch đánh phá, bắn vào xe thì tất cả sẽ cháy hết.
Thực tế, chúng tôi đã có những đồng đội hy sinh khi lao vào cứu xe và bị nổ tung cùng phi xăng ấy.
Khi có tuyến đường ống xăng dầu thì vấn đề này được giải quyết. Ngoài ra, quan trọng hơn, cả về tốc độ và khối lượng vận chuyển đều được nâng cao.
Nhà báo Hữu Việt:
Xin Thiếu tướng Võ Sở chia sẻ kỷ niệm sâu sắc của ông trong giai đoạn chiến đấu ở đường Trường Sơn?
Thiếu tướng Võ Sở:
Tôi nhớ có lần, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên gọi điện cho tôi hỏi vì sao đường nào cũng tắc, nếu tắc thế này, xe không qua được rất gay go. Trung tướng nói: “Anh làm được không, nếu không, tôi thay người khác".
Tôi trả lời: "Quyết định như thế nào tùy Tư lệnh, còn làm thì chúng tôi đang làm và chắc chắn chúng tôi sẽ thông xe”.
Sau khi nghe tôi nói vậy, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên nói thêm: “Tôi bức bách quá nên nói thế, các anh cố gắng nhé”.
Còn nhiều kỷ niệm khác nữa không thể kể hết trong giai đoạn chiến đấu ác liệt tại đường Trường Sơn. Nhưng dù cuộc chiến đấu có khó khăn tới đâu, chúng tôi quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ vì lòng quyết tâm, dũng cảm vì trách nhiệm với chiến trường.
Ở Trường Sơn, có 4 trực tiếp: Cán bộ trực tiếp ra đường, chỉ huy, giao nhiệm vụ, kiểm tra, kết luận trong thời gian nhất định, trên khu vực được giao. Từ đó rút kinh nghiệm ngay lập tức cho các đơn vị. Đây là điều rất quan trọng.
Nhà báo Hữu Việt:
Được biết, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn cùng phu nhân đã... gặp gỡ và nên duyên cũng trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại. Xin Thiếu tướng chia sẻ cho bạn đọc về kỷ niệm đặc biệt này?
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn:
Ngày đó, tôi vẫn còn là một thanh niên rất trẻ, vào chiến trường với niềm tự hào và phấn khởi. Tôi may mắn được ở cùng anh em, đồng đội; trong số này có cả những anh hùng.
Tới tháng 9/1968, sau 7 năm lăn lộn trên các tuyến đường Trường Sơn, đang là chính trị viên Đại đội 1, Tiểu đoàn 52, Trung đoàn ô-tô 245, tôi được binh trạm cử đi báo cáo thành tích của đơn vị tại Hội nghị quân chính và hội nghị mừng công do Cục Chính trị, Bộ tư lệnh Trường Sơn triệu tập.
Trong những ngày dự hội nghị, tôi có dịp gặp gỡ và trò chuyện với bà nhà tôi là y sĩ. Cùng chí hướng, cùng quyết tâm, chúng tôi dần dần nảy sinh tình cảm và bắt đầu trao đổi thư từ cho nhau... rồi yêu nhau.
2 năm sau, vào năm 1970, chúng tôi chính thức làm lễ cưới ngay tại chiến trường. Đây cũng là một kỷ niệm vô cùng đặc biệt khi chúng tôi được tạo điều kiện mượn "lều thơ" của các nhà thơ Phạm Tiến Duật, Nguyễn Trọng Khoát (nguyên cán bộ Phòng Tuyên huấn, Cục Chính trị, Bộ Tư lệnh Trường Sơn, đã mất) để bàn bạc chuyện cưới hỏi.
Sau đó, một đám cưới đúng chất lính đã được tổ chức trong hội trường là một căn hầm bán âm. Áo cưới là bộ quân phục thường ngày.
Nhà báo Hữu Việt:
Thưa Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, vào những năm tháng ác liệt trên đường 559, lực lượng chiến sĩ lái xe đã phải đối mặt với những khó khăn như thế nào?
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn:
Trong 16 năm tham gia với tư cách bộ đội Trường Sơn, chúng tôi trải qua 2 giai đoạn: giai đoạn trước năm 1966 và giai đoạn từ năm 1967 về sau.
Giai đoạn đầu, do mới thành lập tuyến và dần tăng cường lực lượng nên máy bay địch chưa đánh phá nhiều. Mặc dù vậy, từ năm 1964, địch bắt đầu tiến hành rải chất độc hóa học. Lúc đầu, bộ đội ta không biết, chỉ thấy khói mù lên từ những chiếc máy bay to như chiếc thuyền lớn. Nhưng chỉ 2 giờ sau, lá chuối, lá tre bị rụng sạch. Lim khỏe mạnh hơn thì cũng cháy lá sau 2 ngày. Một tuần sau, toàn bộ lá rừng lần lượt trụi hết. Ác liệt nhất phải kể đến giai đoạn mùa khô, các dòng suối trong rừng cạn dần, chỉ còn đọng lại thành vũng. Để nấu ăn, bộ đội Trường Sơn vẫn phải dùng nước này. Có lẽ, đây cũng là lý do khiến anh em nhiễm chất độc màu da cam rất nhiều.
Cũng trong giai đoạn này, khu vực tây Trường Sơn lại đối mặt với khó khăn khác. Đây là khu vực rừng non và rất thưa thớt. Do đó, việc ngụy trang, giấu xe gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù đã chặt nhiều thân, cành để che, nhưng xe vẫn... lù lù như cái nhà.
Có những lúc, máy bay trinh sát địch phát hiện, bắn cháy xe. Anh em bộ đội phải lên vị trí cách đó 500m... mà nhìn. Lính lái xe bị mất xe, cháy xe khác gì bộ đội không có súng. Nhìn mà không thể làm được gì.
Bước sang mùa khô năm 1967, địch bắt đầu tăng cường đánh phá, tạo thành nhiều trọng điểm... khét tiếng, có đoạn kéo dài hơn 20km. Máy bay trinh sát, B52 quần thảo ngày đêm.
Mặc dù vậy, lúc này, chúng ta đã có các trung đoàn pháo phòng không chống lại. Nhiều vị lãnh đạo tài ba cũng trực tiếp chỉ đạo công tác chiến đấu trên toàn tuyến. Anh em cũng tổ chức nhiều tuyến đường tránh, đường vòng. Địch đánh điểm này, ta sẽ vòng qua đường kia.
Đặc biệt, đây cũng là giai đoạn chúng ta thực hiện công tác hợp đồng binh chủng với sự tham gia của rất nhiều lực lượng khác nhau, qua đó đạt được hiệu quả tốt.
Nhà báo Hữu Việt:
Thưa Thiếu tướng Võ Sở, những lực lượng nào của ta tham chiến và phối hợp với nhau thế nào?
Thiếu tướng Võ Sở:
Giai đoạn đầu, chúng ta có 2 Trung đoàn là Trung đoàn 70, Trung đoàn 71. Từ năm 1961, khi có yêu cầu phát triển mở rộng lực lượng, quyết tâm mở đường cho ô-tô đi qua. Tôi nhớ, những năm 1965-1966, đặc biệt là năm 1969 là giai đoạn Mỹ đánh phá ác liệt nhất. Có những đoạn đường ban đầu là rừng già, nhưng chỉ sau chừng thời gian ngắn đã tan hoang, không còn màu xanh của cây cối, để thấy được mức độ tàn phá kinh khủng của bom đạn. Giai đoạn này, cứ mỗi 1m đường ít nhất có 2-3 quả bom.
Chúng tôi nói với nhau, nếu ai đi vào Trường Sơn nếu đi theo đường ô-tô thì phải đi qua những nơi bị bom đạn ác liệt, cây cối bị đánh cho xơ xác, thậm chí phải đi qua nơi mà địch rải chất độc hóa học dioxin, sau này bị ảnh hưởng di chứng rất nặng nề.
Giai đoạn này, chúng tôi đặc biệt có đội công binh vừa mở đường, vừa bảo đảm giao thông. Nếu không có công binh không làm được. Bên cạnh đó, có bộ đội phòng không, với tinh thần quyết chí đánh rơi máy bay Mỹ. Khi đó, chúng tôi có phong trào công binh bám đường bảo đảm để đường xuyên suốt. Đặc biệt, không có nơi nào làm được việc dùng súng 367 ly lên đỉnh núi để đánh B52. Khi đó, chúng tôi có khẩu hiệu: “Vít đầu máy bay Mỹ xuống mà đánh”.
Về đội xe, ban đầu có 2 trung đoàn 245 và 265. Lúc đầu, chúng tôi sử dụng loại xe 2 tấn, sau này được Nga hỗ trợ nâng lên loại xe 5 tấn vận chuyển. Đường đi rất khó khăn, nên chúng tôi đều đặt mục tiêu phấn đấu mỗi giờ đi được 20km.
Như vậy, giai đoạn này, chúng ta có công binh, phòng không, trong đó chủ lực bộ đội xe phục vụ cho xe vận chuyển, bộ binh để chiến đấu.
Để có được hệ thống thông tin liên lạc, điều đặc biệt ở đường Trường Sơn có hệ thống kết nối với Bộ Tổng tham mưu ở miền nam, miền bắc. Nhờ đó, các đồng chí ở Sở chỉ huy có thể nắm được xe đi qua điểm nào, an toàn không. Từ đó, ta thấy công tác tổ chức công phu, hiện đại.
Trong giai đoạn năm 65-66, điều đặc biệt ở Việt Nam ta là từ bắc vào nam ở đâu cũng có đội thanh niên xung phong, có nơi có tiểu đoàn lên tới 2.000-3.000 người. Chúng ta vẫn nhớ những tấm gương thanh niên xung phong đã ngã xuống ở Ngã ba Đồng Lộc, Truông Bồn…
Nhà báo Hữu Việt:
Xin được hỏi Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn về những ngày đầu tiên Thiếu tướng tham gia vận tải trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại?
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn:
Tôi là lớp đi sau, nhập ngũ năm 1961. Lúc này, tôi được giao đi học lái xe. Tới cuối tháng 11/1961, khóa học hoàn thành, tôi được biệt phái vận chuyển người và hàng vào chiến trường theo đường 559.
Đầu tiên là chở quân. Chúng tôi xuất phát từ Xuân Mai vào 1 giờ 30 phút sáng. Tới Đồng Hới là quãng 11 giờ trưa. Lúc này, xe chỉ tới được khu vực Làng Ho. Sau đó, "khách" là bộ đội mang theo balo con cóc cùng trang bị xuống xe rồi đi vào chiến trường.
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn chia sẻ tại buổi giao lưu trực tuyến. |
Để phục vụ việc vận chuyển từ Làng Ho, đại đội tôi cắt cử 2 xe lại. Khi đi, có 3 chú voi đi phía trước, chân gắn xích. Đoạn nào khó, xích sẽ được nối với xe để kéo, thậm chí huy động thêm 1 chú voi khác đẩy đằng sau.
Dần dần về sau, các lực lượng tiếp tục được tăng cường. Ta với nước bạn Lào cũng thỏa thuận mở đường sang phía Tây. Giai đoạn này, bộ đội ta đã phải mặc quần áo của bộ đội Pathet Lào, không được nói tiếng Việt để bảo đảm bí mật. Khẩu hiệu "đi không dấu, nói không tiếng" cũng có từ thời kỳ đó.
Về sau, các tuyến đường tiếp tục được mở rộng, đưa đường Trường Sơn bước vào giai đoạn mới.
Nhà báo Hữu Việt: :
Thưa Thiếu tướng Võ Sở, vì sao ta phải làm đường Trường Sơn và tên gọi Đoàn 559 khởi nguồn thế nào?
Thiếu tướng Võ Sở:
Chiến tranh nào cũng phải cần có súng đạn và lương thực, thực phẩm. Sau khi chúng ta thắng Pháp, thì Mỹ lại xâm lược, muốn biến miền nam Việt Nam thành một nước riêng. Khi đó, Đảng có Nghị quyết ra quyết định cả miền nam và miền bắc cùng chiến đấu, trong đó, miền nam là tiền tuyến lớn, miền bắc là hậu phương lớn. Miền bắc có trách nhiệm cùng miền nam chiến đấu, chi viện cho miền nam cả về vật chất và con người. Sức mạnh của cuộc chiến là sức mạnh của cả nước.
Thiếu tướng Võ Sở chia sẻ tại buổi giao lưu. |
Theo đó, trong cuộc chi viện cho miền nam chiến đấu, miền bắc chủ yếu bổ sung thanh niên và lực lượng chủ lực của miền bắc. Hai là, miền bắc phải đối mặt với cuộc chiến tranh phá hoại miền bắc của Mỹ khi chúng đưa 500 nghìn quân đổ bộ vào Đà Nẵng.
Bản thân tôi được tham gia trực tiếp ở chiến trường này ở nhiều vị trí thì tôi hiểu, việc xây dựng tuyến đường Trường Sơn vào tháng 5/1959 rất có giá trị. Nếu không có con đường Hồ Chí Minh, chúng ta sẽ không thể làm nên những chiến thắng kỳ tích trong cuộc chiến này.
Muốn làm được bất kỳ việc gì của một đất nước, đều phải có con đường. Trong chiến tranh, việc có con đường vận tải rất quan trọng và con đường này phải bảo đảm được vừa bí mật, vừa là công khai, vừa có quy mô từ nhỏ đến lớn.
Đặc biệt sau này, quy mô của đường Trường Sơn càng ngày càng lớn với trên 20 nghìn km, với 5 trục dọc và 21 trục ngang giữa Việt Nam-Lào, các chiến trường Đông Bộ, Nam Bộ, từ đông sang tây… tạo thành trận đồ bát quái.
Sau này, khi giải phóng, chúng tôi có thu nhận một cuốn sách từ Mỹ, trong cuốn này, phía Mỹ nhận định con đường Trường Sơn của chúng ta thật sự là một trận đồ bát quái.
Các nhân chứng lịch sử chụp ảnh lưu niệm với cán bộ, phóng viên Báo Nhân Dân tại buổi giao lưu trực tuyến. |
Các nhân chứng lịch sử chụp ảnh lưu niệm với cán bộ, phóng viên Báo Nhân Dân tại buổi giao lưu trực tuyến. |
Nhà báo Hữu Việt:
Thưa ông Nguyễn Sỹ Hưng, là con trai của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - vị tướng huyền thoại của con đường Trường Sơn, ông có thể chia sẻ những kỷ niệm mà cha mình đã chia sẻ vừa trên cương vị là vị tướng, vừa với vai trò là người cha?