Chính thức diễn ra vào ngày Rằm tháng 7 âm lịch hằng năm, song Vu Lan không chỉ là một ngày mà còn trở thành cả một mùa báo ân, báo hiếu, tích đức, hành thiện của người Việt Nam sinh sống cả trong nước và ngoài nước. Dù có biến đổi, khác nhau theo từng thời kỳ, từng vùng miền, song tinh thần chung bao trùm Đại lễ Vu Lan chính là đạo hiếu của con cái dành cho cha mẹ, ông bà, tổ tiên; rộng hơn là lòng biết ơn và đền đáp tất cả những người có công ơn với mình.
Để giữ gìn, tiếp nối và phát huy nét đẹp văn hóa đó, các thầy giáo, cô giáo trường Alfred Nobel cùng diễn giả Trần Việt Quân (chuyên gia giáo dục, sáng lập Viện đào tạo Bách Khoa) đã chia sẻ nhiều thông tin, kiến thức bổ ích về ngày Vu Lan tới các em nhỏ trong một toạ đàm chủ đề “Lòng biết ơn”. Nguồn gốc Vu Lan, triết lý của Phật về đạo làm con, hay luật nhân-quả… được giảng giải cho các thanh niên, thiếu nhi một cách sinh động, dễ hiểu bằng qua các ví dụ gần gũi trong cuộc sống và một số trò chơi tương tác sôi nổi.
Chương trình còn có nghi thức thắp nến tri ân, ăn chay, và phần biểu diễn nghệ thuật với các tiết mục về tình thương, về đạo hiếu do chính các học sinh cùng thầy, cô giáo dàn dựng, biểu diễn.
Những sinh hoạt giàu ý nghĩa được kỳ vọng sẽ vun đắp tấm lòng thơm thảo, hiếu nghĩa cho các em trong quá trình khôn lớn. |
Không chỉ các em nhỏ mà đông đảo phụ huynh học sinh, đội ngũ giáo viên ngoại quốc có mặt tại sự kiện cũng có dịp tìm hiểu về ngày Vu Lan. Từ một nghi lễ quan trọng trong Phật giáo, hoà chung với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” được người Việt đề cao từ ngàn xưa, Vu Lan ngày nay là sự kiện văn hoá có sức sống mãnh liệt trong đời sống tinh thần tất cả người dân Việt Nam, không chỉ riêng các Phật tử. Trong kho tàng văn hoá dân gian và văn học Việt Nam, Đại lễ Vu Lan hay đạo hiếu hạnh là một đề tài thường xuyên được khai thác, lan tỏa.
Lễ Vu Lan cũng kêu gọi ý thức xã hội về tinh thần đền ơn đáp nghĩa của Đức Phật, khuyến khích con người đền ơn 4 nguồn ân đức gồm: tri ân, đền ơn cha mẹ đã sinh thành; tri ân những người thầy cô đã dạy dỗ, truyền đạt kiến thức; tri ân các bậc tiền bối đã hy sinh xây dựng đất nước mang lại cuộc sống ấm no, chủ quyền cho dân tộc và cuối cùng là tri ân chính đồng loại của mình.
Anh Stephen Cook, giáo viên người Anh sống và làm việc 7 năm tại Hà Nội, cho biết Vu Lan là một ngày lễ rất đẹp, rất xúc động của người Việt mà anh có cơ hội quan sát, tham dự. |
Cũng trong khuôn khổ chương trình, học sinh được hướng dẫn tự tay làm “bông hồng cài áo” để thực hiện nghi thức gắn lên ngực cha mẹ, ông bà, bày tỏ lòng biết ơn, tình cảm yêu kính. Bài học có tầm vóc rộng lớn được cụ thể qua một hành động nhỏ mà đầy ý nghĩa, giúp các em hứng thú và cảm nhận rõ hơn về truyền thống tốt đẹp. Trong những mùa Vu Lan trước, Ban tổ chức mời sư thầy thuyết giảng Phật pháp, hướng dẫn đọc sách, ca hát, thực hành nghi thức rửa chân báo hiếu cha mẹ.
Học sinh Phùng Phạm Minh Châu (13 tuổi) chia sẻ: “Em tham gia ngày hội Vu Lan ở trường đã vài lần và rất thích các hoạt động tập thể, nhưng càng lớn lên em mới càng thấm thía những điều mình được chỉ dạy. Em cũng hiểu rằng để thực hành lòng biết ơn không phải điều gì to tát hay khó khăn, chúng em hoàn toàn có thể báo đáp công ơn cha mẹ qua những việc làm nhỏ mà chân thành”.
Học sinh thực hành cắt dán bông hồng để tặng cha mẹ. |
Sự kiện Đại lễ Vu Lan là một trong số các hoạt động trong chương trình giáo dục, bồi dưỡng về văn hoá và phát triển toàn diện cho học sinh được Hệ thống Phổ thông Liên cấp Alfred Nobel triển khai. Trước đó, nhiều hoạt động phong phú đã được thực hiện như cuộc thi và triển lãm mỹ thuật thiếu nhi “Những sắc màu cuộc sống” (phối hợp Ban vận động Mỹ thuật và Ngoại giao Văn hóa Việt Nam), cuộc thi sáng tác văn học “Nâng cánh ước mơ xanh” (phối hợp Hội Nhà văn Việt Nam)… Sắp tới, vào dịp Tết Trung thu 2023, trường học sẽ tiếp tục phối hợp các chuyên gia và đơn vị văn hóa, giáo dục tổ chức hoạt động cho các em vừa vui chơi vừa học hỏi, hướng về các giá trị truyền thống đáng tự hào của dân tộc.