Phóng viên (PV): Việc xây dựng mô hình giáo dục đại học số là xu thế tất yếu trong bối cảnh công nghệ số ngày càng có tác động mạnh mẽ tới đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực số. Theo Thứ trưởng, giáo dục đại học số có phải là giải pháp đột phá để phát triển nguồn nhân lực số?
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định, một trong những nền móng quan trọng trong phát triển kinh tế số và xã hội số chính là nhân lực số. Với trụ cột này, yêu cầu đặt ra là phải tập trung phát triển nguồn nhân lực có năng lực phát triển và ứng dụng hiệu quả những công nghệ tiên tiến liên quan đến điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, internet vạn vật, mô phỏng số… trong các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế - xã hội. Giáo dục đại học có sứ mạng đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chắc chắn sẽ phải tiên phong trong phát triển và ứng dụng các công nghệ số để đổi mới mô hình quản trị và tổ chức giáo dục đại học, tạo đột phá về quy mô và hiệu quả trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao nói chung và nguồn nhân lực số nói riêng.
PV: Việc chuẩn bị phát triển nhân lực số đang được thực hiện như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Nhân lực số có thể được phân loại thành hai nhóm, nhóm thứ nhất được đào tạo chuyên sâu trong những ngành liên quan để có khả năng tham gia phát triển công nghệ số, và nhóm thứ hai được đào tạo trong hầu hết các ngành khác nhau nhưng được trang bị những năng lực số cơ bản để có khả năng khai thác, ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực chuyên môn, nghề nghiệp của mình. Trong bối cảnh ngày nay, khi công nghệ số đã có mặt trong mọi mặt của cuộc sống và công việc thường ngày, thì quá trình này cần phải bắt đầu ngay từ bậc phổ thông, tiếp tục ở các trình độ đào tạo cao hơn và thường xuyên cập nhật, nâng cao trong các hoạt động nghề nghiệp. Đặc biệt, những tiến bộ đột phá gần đây của trí tuệ nhân tạo đã mở ra những cơ hội mới đồng thời đang đặt ra những thách thức rất lớn cho hệ thống giáo dục, đào tạo của mỗi quốc gia.
Trong những năm gần đây, số cơ sở đào tạo và số người theo học các ngành liên quan công nghệ số, nhất là công nghệ thông tin đã gia tăng đáng kể, tuy nhiên quy mô còn thấp so những số liệu dự báo nhu cầu, chất lượng còn chưa theo kịp yêu cầu của nhiều doanh nghiệp. Bên cạnh đó, năng lực số chưa được tích hợp một cách có hệ thống vào chương trình giáo dục phổ thông cũng như trong chương trình đào tạo ở các trình độ của giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp. Việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục - đào tạo mặc dù đã có những thành công nhất định, nhưng tác động chưa lớn và bền vững. Chính vì thế, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã xây dựng và trình Thủ tướng phê duyệt đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030” (Đề án 131). Đề án đã đưa ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, trong đó có các nhiệm vụ tăng cường giáo dục STEM/STEAM trong các cấp học phổ thông; xây dựng và triển khai khung năng lực số cho học sinh, sinh viên, nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; triển khai thí điểm mô hình giáo dục đại học số.
Song song với việc xây dựng Đề án triển khai thí điểm mô hình giáo dục đại học số, Bộ GD&ĐT cũng đã thống nhất giao Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh chủ trì, nghiên cứu phối hợp với bốn cơ sở giáo dục đại học khác (Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông) xây dựng Đề án đào tạo nhân lực công nghệ số, tập trung vào đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực công nghệ thông tin trên cơ sở thí điểm mô hình giáo dục đại học số.
Tư vấn tuyển sinh tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: NGUYỄN NAM |
PV: Có thể nói, giáo dục đại học số tạo cơ hội mở rộng các chương trình đào tạo ra phạm vi toàn hệ thống, thậm chí phạm vi toàn cầu và người hưởng lợi nhiều nhất là sinh viên. Ông nhận định gì về vấn đề này?
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Giáo dục đại học số là một mạng lưới cung cấp và sử dụng dịch vụ giáo dục đại học trên một vài nền tảng chung, có phạm vi bao trùm cả hệ thống giáo dục đại học, vượt ra ngoài biên giới của một trường đại học, thậm chí vượt qua biên giới của một quốc gia. Trong giáo dục đại học số, tất cả các trường đại học, tất cả giảng viên có thể tham gia sử dụng chung một nền tảng để cùng phát triển các khóa học, các chương trình đào tạo, để cùng sử dụng, cùng chia sẻ lợi ích. Mỗi trường đại học, mỗi giảng viên sẽ tập trung phát triển những khóa học mà mình có lợi thế vượt trội, như vậy sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí. Một khóa học không chỉ cung cấp cho sinh viên của một khoa, một trường, mà có thể cho sinh viên toàn quốc, thậm chí cho cả sinh viên quốc tế. Bên cạnh đó, những công nghệ giáo dục mới ứng dụng trí tuệ nhân tạo sẽ giúp giảm thiểu chi phí tổ chức đào tạo. Đó là đột phá về hiệu quả đào tạo của giáo dục đại học số.
Đứng từ phía người học sẽ có thêm nhiều lựa chọn, trải nghiệm. Sinh viên của một trường có thể học một chương trình do nhiều trường đại học cùng hợp tác cung cấp, được chọn học khóa học phù hợp nhất với giảng viên giỏi nhất, được chọn phòng thí nghiệm ảo tốt nhất, được chọn học chung với sinh viên các trường khác, kể cả sinh viên quốc tế. Mô hình đào tạo theo tín chỉ không còn dừng ở phạm vi một trường đại học, mà đã được mở rộng ra phạm vi toàn hệ thống, phạm vi toàn cầu. Bên cạnh đó, các ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo và các công nghệ giáo dục khác sẽ giúp cá thể hóa quá trình học tập, tăng cường trải nghiệm cho người học. Đó chính là đột phá về chất lượng và khả năng tiếp cận đối với người học của giáo dục đại học số.
PV: Xu hướng giáo dục đại học số trên thế giới ngày càng phát triển, có nhiều mô hình khác nhau, Thứ trưởng có thể cho biết Đề án “Mô hình giáo dục đại học số” tại Việt Nam được xây dựng có gì khác biệt?
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: “Mô hình giáo dục đại học số” tại Việt Nam trước hết phải chọn lọc và kế thừa những kinh nghiệm thành công của thế giới, phát huy tiềm năng của không gian số và những tiến bộ của công nghệ số, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo. Chúng ta cũng cần phát triển một nền tảng quốc gia cung cấp các khóa học trực tuyến, học liệu số dùng chung, đồng thời khai thác có hiệu quả những nguồn học liệu có giá trị có sẵn trên thế giới. Bên cạnh đó, khác biệt cũng xuất phát từ những đặc điểm hệ thống giáo dục đại học của chúng ta trong giai đoạn đổi mới căn bản và toàn diện. Vì vậy, trong giai đoạn đầu cần tập trung đầu tư và hỗ trợ các cơ sở đào tạo có uy tín thí điểm triển khai ở các lĩnh vực đào tạo có nhu cầu cao về nguồn nhân lực như máy tính và công nghệ thông tin, thúc đẩy tăng quy mô gắn với nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo, tạo tác động tích cực, sự lan tỏa trong hệ thống và bảo đảm phát triển bền vững sau giai đoạn thí điểm.
PV: Ông có thể cho biết, đến thời điểm nào, sinh viên Việt Nam sẽ được thụ hưởng môi trường học tập theo mô hình giáo dục đại học số?
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Đề án có đặt ra mục tiêu, đến năm 2026, hình thành được mô hình giáo dục đại học số với một nền tảng công nghệ hoạt động hiệu quả, vận hành độc lập, khung pháp lý được hoàn thiện. Thời điểm này, ít nhất có 10 cơ sở giáo dục hàng đầu thuộc hai lĩnh vực đào tạo tham gia, xây dựng được 50 khóa học trực tuyến dùng chung với ít nhất 10.000 sinh viên theo học. Để thực hiện mục tiêu này, như đã nói trên đây, ngay từ bây giờ đã có 5 cơ sở giáo dục đại học mạnh về lĩnh vực công nghệ thông tin tham gia hợp tác, nhiều khóa học trực tuyến đang được thiết kế và hoàn thiện. Dự kiến, từ năm 2025 sẽ có những khóa học đầu tiên được đưa vào giảng dạy để sinh viên của 5 cơ sở giáo dục đại học này, cũng như sinh viên của các cơ sở giáo dục đại học khác tham gia. Bộ GD&ĐT cũng sẽ tiếp tục chỉ đạo để hình thành thêm một đến hai nhóm cơ sở giáo dục đại học để hợp tác, thí điểm triển khai mô hình cơ sở giáo dục đại học số trong các lĩnh vực đào tạo trọng điểm khác.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!