Với hỏa hoạn, chẳng may bị cháy rụi thì ít nhất người dân vẫn còn cái nền nhà. Nhưng sạt lở ven sông thì thảm khốc hơn, vì cả cái nhà và nền nhà cũng không còn - Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau Lê Minh Hiền đúc kết.
Nỗi lo thường trực
Đêm 8/7 vừa qua, nhiều hộ dân tại khóm 8 (thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) chợt tỉnh giấc khi nghe tiếng động bất thường. Mọi người chỉ kịp chạy ra ngoài thoát thân trước khi nhà của họ bị dìm xuống dòng nước xiết. Trong vụ sạt lở trên, có bốn căn nhà bị dìm xuống sông, thiệt hại hoàn toàn; năm căn nhà khác bị thiệt hại từ 20-50%. Ông Võ Khánh Linh, một trong bốn hộ dân bị ảnh hưởng nặng bởi vụ sạt lở buông giọng buồn so: “Tôi và các thành viên trong gia đình kịp chạy ra ngoài nhưng nhà cửa, tài sản thì không còn gì cả, phút chốc thành kẻ trắng tay”.
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ngọc Hiển Trần Hoàng Lạc, tình hình thiên tai và sạt lở ven sông tại địa phương hiện diễn biến phức tạp. Vào những tháng mùa mưa như hiện nay, ban đêm, chênh lệch mực nước khá lớn, cộng với mưa dầm nên rất dễ xảy ra sạt lở. Có những gia đình phút chốc mất hết nhà cửa, tài sản.
Không nhiều như năm 2023 nhưng cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh Cà Mau xảy ra gần 100 vụ sạt lở đất ven sông với tổng chiều dài hơn 2.500 m, làm hư hỏng gần 600m đường bê-tông, hơn 30 nhà dân, 1 cây cầu bê-tông, 6 trụ điện và cáp viễn thông..., với thiệt hại về tài sản ước tính hơn 5 tỷ đồng.
Huyện Đầm Dơi là “điểm nóng” của Cà Mau về sạt lở ven sông với hơn 70 vụ. Chỉ trong ngày 25/7 vừa qua đã xảy ra 6 vụ sạt lở trên các tuyến sông: Nông Trường (2 vụ), Kênh Mới (3 vụ) và sông Ðầm Dơi với tổng chiều dài hơn 156m, hư hỏng hoàn toàn hơn 92m đường bê-tông, 1 giếng khoan, 1 mái che và 6 bể thuần hóa tôm sú giống. Gần đây nhất, vào ngày 6/8, dọc tuyến kênh Trưởng Ðạo đi qua khu vực ấp Phú Hiệp A (xã Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi), sạt lở đất làm thiệt hại 25m đường bê-tông. 5 ngày trước đó, rạng sáng 1/8, trên tuyến sông Tân Thành (ấp Tân Phú, xã Tân Dân), sạt lở đất làm hư hỏng hoàn toàn con đường bê-tông với mặt đường 3m, chiều dài đoạn sạt lở đến 32m.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đầm Dơi Nguyễn Phương Bình, số vụ sạt lở trong 8 tháng của năm 2024 chưa bằng 50% của số vụ cả năm 2023, tuy nhiên, mức độ, quy mô sạt lở trong mùa mưa 2024 thì có phạm vi rộng hơn và nguy hiểm hơn. “Khi sạt lở xảy ra, nếu thiệt hại 1 đồng thì cần từ 4-5 đồng để khắc phục.
Dẫu biết vậy và đã chủ động gia cố nhưng có một số vị trí nguy hiểm, sạt lở vẫn xảy ra với quy mô lớn, và việc khắc phục vượt khả năng cân đối của địa phương, ảnh hưởng không nhỏ đến hạ tầng đã đầu tư tại các xã nông thôn mới”-đồng chí Nguyễn Phương Bình cho biết.
Dọc nhiều tuyến sông trên địa bàn huyện Đầm Dơi, sạt lở phần lớn tại các khúc cua, ngã ba, ngã tư, nơi tiếp giáp của nhiều sông, rạch… Tại những vị trí sạt lở, dòng nước chảy mạnh cuốn mất những cây rừng che chắn bên ngoài, những con đường và hạ tầng do Nhà nước đầu tư tiền tỷ có nguy cơ cao bị hư hỏng. Có khi, trên cùng một tuyến đường, có đến 4-5 vụ sạt lở, trong đó có tuyến đường ô-tô về xã Tân Dân bị sạt lở nhiều lần với chiều dài hơn 100m, làm gián đoạn lưu thông toàn tuyến bằng xe 4 bánh, đến nay vẫn chưa khắc phục xong.
“Trong thời gian chờ huyện đầu tư sửa chữa, đơn vị chức năng tạm mở rộng lề lộ (đường) vào phía nhà dân, làm cầu tạm bằng gỗ để xe 2 bánh lưu thông nhưng khá nguy hiểm. Ngay trước mặt nhà tôi, vào ban đêm có mắc đèn nhưng vài lần cả người và xe tham gia giao thông văng xuống sông. Bà con ở đây phát hiện, kéo lên kịp thời nếu không thì nguy” - ông Nguyễn Việt Bắc, hộ dân ở ngay vị trí sạt lở trên tuyến đường về xã Tân Dân, đoạn Cầu Thờ Tỉnh (ấp Tân Long B) cảnh báo.
Nguồn lực còn khó khăn
Tổng chiều dài sông ngòi, kênh rạch toàn tỉnh Cà Mau hơn 8.000 km, với tổng diện tích gần 20.000 ha, chiếm khoảng 2,3% diện tích tự nhiên toàn tỉnh này. Qua thống kê, chiều dài các đoạn sông, rạch… bị sạt lở và có nguy cơ bị sạt lở toàn tỉnh vào khoảng 425/8.118 km, trong đó, sạt lở đặc biệt nguy hiểm khoảng 120 km (địa bàn các huyện Đầm Dơi, Năm Căn, Ngọc Hiển…); sạt lở nguy hiểm khoảng 305 km, chủ yếu xảy ra ở các đoạn bờ sông có mật độ dân cư thưa hơn và hạ tầng bên trong chủ yếu là giao thông nông thôn.
Trong tháng 8/2024, theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau với đoàn khảo sát về thiên tai của Trung ương, khoảng 10 năm gần đây, sạt lở đất ven sông đã làm hư hỏng, sụp đổ xuống sông gần 28 km đường giao thông; 334 nhà dân cùng nhiều tài sản khác của dân và hạ tầng dân sinh do Nhà nước đầu tư bị nước cuốn trôi…, với tổng thiệt hại gần 1.120 tỷ đồng. Sạt lở ven sông có nguy cơ ảnh hưởng đến khu vực có diện tích hơn 3.700 ha, bao gồm nhà cửa, tài sản của người dân và nhiều công trình hạ tầng quan trọng khác.
Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Cà Mau Nguyễn Thanh Tùng phân tích, sạt lở ven sông ở Cà Mau do sông, rạch… có dòng chảy phức tạp, khi chịu tác động cả thủy triều của Biển Đông và Biển Tây, đặc biệt là sông Cửa Lớn chảy từ Biển Đông sang Biển Tây có biên độ chênh lệch mực nước khoảng 3m, dòng chảy mạnh, vận tốc lớn. Ngoài điều kiện tự nhiên, khó khăn của Cà Mau hiện nay trong ứng phó sạt lở đất ven sông là chưa có cơ sở dữ liệu điều tra cơ bản, số liệu điều tra chưa đồng bộ.
Việc quản lý sử dụng đất, xây dựng nhà, công trình ven sông chưa được quan tâm đúng mức, còn xuất hiện nhiều nhà ở, công trình xây dựng sát bờ sông làm gia tăng nguy cơ sạt lở… Thời gian qua, do việc xử lý đòi hỏi kinh phí rất lớn nên nhiều khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm và nguy hiểm chưa được triển khai kịp thời, rất cần thêm sự “tiếp sức” từ Trung ương.
Bằng nhiều nguồn vốn hỗ trợ khác nhau, trong khoảng 10 năm qua, Cà Mau đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng để triển khai các công trình phòng chống sạt lở ven sông, ven biển. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 391 tỷ đồng trong số đó được đầu tư cho các công trình kè bảo vệ bờ sông (khoảng 9,2 km) tại những vị trí cấp bách (?). Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau Phan Hoàng Vũ cho biết: “Sạt lở ven sông tại địa phương diễn ra thường xuyên, liên tục trên diện rộng, hậu quả để lại lớn, khó khắc phục nhưng nguồn lực ứng phó vẫn rất khó khăn vì chưa thuộc diện ưu tiên so với sạt lở ven biển”.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Cà Mau đã hoàn thành dự thảo Đề án phòng, chống sạt lở bờ biển, bờ sông giai đoạn 2021-2030 và định hướng đến 2050. Theo đó, phấn đấu đến năm 2025 sẽ hoàn thành xử lý sạt lở tại các khu vực trọng điểm xung yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến khu dân cư tập trung, kết cấu hạ tầng thiết yếu vùng ven sông, ven biển. Tầm nhìn đến năm 2030, hoàn thành khoảng 90% việc sắp xếp lại dân cư, di dời dân cư ra khỏi khu vực bờ biển, bờ sông có nguy cơ xảy ra sạt lở cao; các khu vực sạt lở nguy hiểm tại bờ sông cơ bản được xử lý bằng giải pháp công trình.
Để chủ động nguồn lực thực hiện hiệu quả đề án nêu trên, giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, Cà Mau cần khoảng hơn 31.200 tỷ đồng để đầu tư 177 công trình phòng chống sạt lở bờ biển, bờ sông, đê sông, đê biển và công trình chỉnh trị lòng sông. Trong số này, có 10 công trình chống sạt lở bờ biển; 30 công trình phòng chống sạt lở bờ sông; 36 công trình chỉnh trị giảm thiểu xói lở; 5 công trình đê biển; 96 công trình đê sông.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử, đối với sạt lở ven sông, trước mắt, Cà Mau kiến nghị Trung ương hỗ trợ 684 tỷ đồng giúp tỉnh khắc phục một số tuyến bờ sông bị sạt lở đặc biệt nguy hiểm với chiều dài 5,7 km. “Ngoài nguồn ngân sách, giải pháp hữu hiệu nhất hiện nay trong phòng chống sạt lở ven sông, ven biển là tăng cường huy động nguồn lực bên ngoài, nhất là của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân được hưởng lợi trong phòng chống sạt lở. Để thực hiện được việc xã hội hóa, Cà Mau cần được cơ chế đặc thù để kêu gọi nguồn lực” - đồng chí Lê Văn Sử cho biết.