Giữa cái nắng, mưa chập chờn ngột ngạt của tiết ngâu, những gương mặt anh em trong đoàn làm phim cùng bộ đội, chiến sĩ tham gia bừng sáng niềm vui khi hành trình của mình sắp về đến đích.
Ðêm trong suốt áp ngực vào phương ấy
Gặp lại mùi cỏ cháy suốt thời trai
Ngôi sao rơi trên dãy kẽm gai dài
Cái vùng đất không tiếng gà cất gáy
Bao hoang nồng cỏ cháy rát hoàng hôn...
Ðó là những câu thơ cồn cào, ám ảnh mà tác giả kịch bản Mùi cỏ cháy, người chiến sĩ một thời nơi mặt trận Quảng Trị mùa hè năm 1972 đỏ lửa viết về mảnh đất ấy. Hoàng Nhuận Cầm cho biết, ông nảy sinh ý định làm kịch bản bộ phim này từ năm 2005, khi Mãi mãi tuổi 20 của Nguyễn Văn Thạc, rồi Nhật ký Ðặng Thùy Trâm, Tài hoa ra trận của Hoàng Thượng Lân... lần lượt ra đời. "Tại sao mình được sống trở về?" Ðó là nỗi trăn trở của nhà thơ suốt nhiều đêm, để rồi nung nấu, thiêu đốt mãnh liệt một khát vọng cầm bút: "Có một điều gì đó thôi thúc tôi phải viết về cuộc đời của mình và đồng đội, chép lại chân dung một thế hệ. Tôi đọc được ở tất cả những trang nhật ký, ghi chép của họ một từ chung: Tận Hiến. Hiến dâng tất cả cho nền độc lập tự do của dân tộc."
Mùi cỏ cháy kể về bốn chàng sinh viên đại học Hoàng, Thành, Thăng, Long nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc "xếp bút nghiên" lên đường vào mặt trận. Họ cùng nhập ngũ trong một ngày, sống và chiến đấu ở Thành Cổ Quảng Trị vào thời kỳ khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước với 81 ngày đêm rực lửa đạn bom mùa hè năm 1972. Trải qua hàng trăm cuộc chiến đấu, cuối cùng chỉ có Hoàng là người trở về. Phim là sự xen kẽ giữa cuộc sống hiện tại của Hoàng với quá khứ chiến tranh, là thái độ của lớp trẻ hôm nay với những người đã ngã xuống. Chất yêu văn chương, giỏi toán của Nguyễn Văn Thạc, nét tài hoa của Hoàng Thượng Lân hay sự hy sinh quên mình của Hoàng Kim Giao... hiển hiện qua từng chân dung nhân vật, cho người xem xúc động sâu sắc về sự hy sinh lớn lao của một lớp người trẻ tuổi tài hoa cho độc lập tự do của Tổ quốc. Ðúng như trong những câu thơ nhà thơ Thanh Thảo từng viết:
Những dấu chân rồi lùi lại phía sau
Dấu chân in trên đời chúng tôi những tháng năm trẻ nhất
Mười tám, hai mươi sắc như cỏ, ấm như cỏ, yếu mềm và mãnh liệt như cỏ
Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình
Khởi quay từ tháng 12-2010, Mùi cỏ cháy đã qua nhiều địa điểm: Hà Nội, Sơn Tây, Bắc Giang, TP Hồ Chí Minh, Quảng Trị... Thời gian cuối cùng là ở bối cảnh Thành Cổ tại Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam tại Ðồng Mô với những đại cảnh hoành tráng như bộ đội vượt sông Thạch Hãn, pháo binh ngụy đánh chiếm Thành Cổ... Ròng rã gần hai tháng trời trên trường quay trong cái nắng hừng hực của vùng đồi, nhiều lúc bất chợt mưa càng bốc hơi nóng dữ dội, đoàn làm phim cùng các chiến sĩ bộ đội dường như đã quá quen với cái khắc nghiệt của thời tiết. Có những bữa trưa cả trăm con người ken vai trong cái lán lá nhỏ của tổ họa sĩ dựng cảnh với suất cơm hộp đơn sơ... Hôm nay là những đại cảnh cuối cùng trong tiết ngâu Hà Nội chập chờn mưa nắng. Hai chiếc M113 hoành tráng, chiến lợi phẩm thời chống Mỹ, cứu nước ngày nào do Binh chủng Tăng thiết giáp hỗ trợ đã phải "hành quân" từ 4 giờ sáng lên nằm chờ đang được họa sĩ Phạm Quốc Trung cẩn thận sơn lại từng cánh sao, dòng chữ US ARMY... mầu trắng. Hằng tháng trời lăn lóc giữa cái nắng thiêu đốt nơi đồi hoang, gương mặt anh cháy nắng sậm mầu. Phạm Quốc Trung cho biết đây là bộ phim vất vả nhất từ trước tới nay của anh, bởi phải dựng cảnh nơi đồi không mông quạnh, nắng, mưa không có chỗ trú. Kinh phí hạn hẹp, chất liệu cổng, tường thành chủ yếu bằng gạch, gỗ dán, xốp, hai lần gặp mưa giông lớn làm đổ sập, cả tổ phải hì hụi làm lại từ đầu. Thiếu tá Nghiêm Xuân Long, Tham mưu trưởng, Phó Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 93 cùng một số sĩ quan chỉ huy Binh chủng Công binh đang có mặt tại cảnh quay. Anh cho biết trong thời gian làm phim, được cấp trên điều động, anh em tiểu đoàn hết sức nhiệt tình tham gia. Tổng số gần 600 quả nổ trên cạn, dưới nước, bom lửa; rồi cả xe cộ, xăng dầu đến khâu hậu cần ăn uống... đơn vị đều tự lo. Ðó cũng lại là hỗ trợ quý giá về mặt kinh tế. Sự ủng hộ, phối hợp nhiệt tình cả tinh thần và vật chất, bất kể ngày đêm, mưa nắng theo lịch trình đoàn làm phim của chiến sĩ các binh chủng Công binh, Pháo binh, Không quân, Tăng thiết giáp, Trường Sĩ quan lục quân I, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng... chính là yếu tố vô cùng quan trọng góp phần vào sự thành công của một bộ phim về đề tài chiến tranh quy mô, hoành tráng như Mùi cỏ cháy. Thế mới biết làm phim chiến tranh thật không đơn giản chút nào. Tâm sự với chúng tôi, đạo diễn Vương Ðức, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Hãng phim truyện Việt Nam chân thành : "Chiến tranh luôn là đề tài lớn của điện ảnh nước nhà, một đề tài không dễ dàng, đòi hỏi nhiều nỗ lực, tâm huyết của những người làm phim. Hãng Phim truyện Việt Nam tự hào khi luôn được nhận giải thưởng của Bộ Quốc phòng (năm năm một lần) cho tác phẩm điện ảnh về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng. Mùi cỏ cháy là bộ phim mang ý nghĩa đặc biệt, thiêng liêng nói về một thế hệ thanh niên Hà Nội vừa cầm bút, vừa cầm súng, về rất nhiều những liệt sĩ Quảng Trị ... Theo kế hoạch, bộ phim phải hoàn thành vào dịp 30-4 năm nay, nhưng vì vướng Tết, thời tiết ra giêng lại mưa dầm gió bấc nên không thể quay được, trong khi bối cảnh cũ phải phục dựng nhiều. Kinh phí cho một bộ phim về đề tài chiến tranh với quy mô lớn còn hạn hẹp. Cũng may được sự hợp tác giúp đỡ nhiệt tình của quân đội nên đỡ được rất nhiều khó khăn, tốn kém. Quay xong, phim tiếp tục làm hậu kỳ ở Thái-lan. Chúng tôi sẽ hết sức cố gắng để bộ phim ra mắt vào dịp 22-12 năm nay, như một món quà giàu ý nghĩa vào thời điểm này".
Có mặt tại bối cảnh vào ngày đóng máy, gương mặt thư sinh trẻ măng của Năng Tùng, chàng sinh viên năm thứ tư Ðại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội rạng rỡ niềm vui. Từng theo học khóa đào tạo diễn viên của Hãng phim truyện Việt Nam, Mùi cỏ cháy là phim nhựa đầu tiên anh tham gia (vai Hoàng), sau một số phim truyền hình. Năng Tùng cho biết, đây là vai diễn khó, bởi anh phải vào vai một nhà thơ, tự sáng tác. Và nữa, phim về chiến tranh, bom mìn nên phải diễn hình thể nhiều... Theo đoàn làm phim suốt tám tháng trời, Tùng phải bảo lưu kết quả học tập, học lại một năm. "Ðược đến với điện ảnh, được hóa thân vào những người lính, hiểu thêm những hy sinh xương máu của thế hệ cha anh đi trước là điều ý nghĩa, thiêng liêng vô cùng. Tôi không ngại vất vả và sẵn sàng chấp nhận". Nụ cười 20 tuổi của chàng sinh viên hôm nay như được thắp lửa từ mùa hè cháy bỏng năm nào. Và Mùi cỏ cháy hứa hẹn những thước phim hoành tráng đầy chân thực, xúc động về chân dung một thế hệ với lý tưởng và sự dâng hiến đẹp đẽ, lớn lao cho Tổ quốc, như những câu thơ họ từng viết:
Bạn bè tôi trong chiến dịch 72
Thịt xương nhiều như đất đai Thành Cổ
Bao người lính ra đi không về nữa
Ðể đất đai mãi mãi
xanh màu