Khi khoan tới độ sâu gần 50 m thì giàn khoan bị lún nghiêng, tạo thành hố sụt lún rộng khoảng 10 m2 và tiếp tục sụt lún sâu, rộng, lên tới hơn 100 m2, đe dọa an toàn của người dân sinh sống khu vực này cũng như các phương tiện đi qua đây. UBND huyện Chương Mỹ đã xin ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam, Viện Ðịa chất - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, tiến hành xử lý hố sụt lún để bảo đảm an toàn cho các hộ dân.
Ðây không phải lần đầu xuất hiện những hố sụt lún lớn như vậy tại địa bàn nhiều huyện ngoại thành Hà Nội. Tháng 4-2016, đã xảy ra hiện tượng sụt lún tạo thành một hố sâu đường kính gần 10 m tại thôn Hòa Lạc, xã An Tiến, huyện Mỹ Ðức, đã làm một số công trình phụ, sân, tường bao của ba hộ dân bị sụt đổ. Hay vào tháng 1-2019, hai hố sụt lún sâu tại khu đồng Cống Treo, thôn Phú Thứ, xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì với đường kính gần 25 m, sâu 16 m, cùng nhiều hố sụt lún nhỏ nằm rải rác quanh khu vực này đã làm hư hỏng mương, tuyến đường nội đồng và ruộng đồng của các hộ dân. Tháng 5-2020, việc khoan giếng của một hộ dân tại thôn Hòa An, xã Hòa Xá, huyện Ứng Hòa cũng khiến xuất hiện hố sụt rộng gần 15 m, dài 40 m, chỗ lún sâu hơn 2,5 m, gây rạn nứt sân, tường nhà của các hộ dân ở chung quanh vị trí khoan. Theo các chuyên gia địa chất, nguyên nhân gây ra các vụ sụt lún là do địa chất đá vôi dưới lòng đất có sẵn các hang hốc, phễu ngầm cùng các lớp cát sạn, sỏi, đá cuội... bị cuốn trôi, tạo thành các hang cát-xtơ. Bên cạnh yếu tố tự nhiên này thì còn có nguyên nhân chủ quan, đó là việc khoan giếng để khai thác nước ngầm của con người đã làm phá vỡ kết cấu của các lớp đất, phá vỡ mái các hang cát-xtơ, gây ra sụt lún.
Do đó, để hạn chế và giảm thiểu tình trạng sụt lún đất, nhất là những hố sâu, lớn, sụt bất ngờ, nguy hiểm, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân trước khi xây dựng các công trình cần thực hiện khoan khảo sát địa chất để có cơ sở đánh giá nền địa chất, từ đó chủ động các giải pháp xử lý móng, nền phù hợp. Với các trường hợp khoan giếng khai thác nước ngầm cần được thực hiện bởi các đơn vị có chức năng, được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Người dân không được tự ý khai thác, sử dụng nước ngầm. Mặt khác cần đẩy mạnh các dự án cấp nước sạch, bảo đảm người dân nông thôn, khu vực ngoại thành được tiếp cận và sử dụng nước sạch. Về lâu dài, cần tiếp tục có những nghiên cứu, đánh giá khoa học về địa chất từng khu vực trên địa bàn để xác định được các hang động hoặc các tầng chứa nước, khuyến cáo người dân không tự ý khoan giếng khai thác nước ngầm để giảm thiểu tình trạng sụt lún, sạt lở.