Theo báo cáo, trong kỳ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành nhiều văn bản nhằm thể chế hóa và triển khai đường lối, chủ trương của Đảng. Trong đó, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành 4 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; 233 văn bản chỉ đạo, điều hành tổ chức thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân.
Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã tiếp 11.041 lượt với 16.566 công dân, chủ yếu liên quan đến việc thu hồi đất, phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, việc cưỡng chế giải tỏa thu hồi đất, khiếu nại việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; tranh chấp đất đai… Trong đó, vụ việc tiếp công dân được phân loại thuộc lĩnh vực hành chính chiếm 82,1%.
Cơ quan chức năng đã thụ lý và giải quyết 100% số trường hợp. Trong đó, có 93,8% số vụ việc đã giải quyết xong; 84% số vụ việc giải quyết đúng thời hạn; 98% quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực.
Cũng trong kỳ, UBND tỉnh Đăk Nông tiếp nhận 41 đơn, gồm 30 đơn khiếu nại, 11 đơn tố cáo do Quốc hội, Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội chuyển đến; đã giải quyết 41 đơn và có văn bản trả lời cho các cơ quan chuyển đến hoặc trả lời cho công dân biết.
Tại buổi làm việc, tỉnh Đắk Nông kiến nghị Đoàn Giám sát có ý kiến với Thanh tra Chính phủ xem xét bổ sung quy định cho phép lưu đơn đối với đơn trùng nội dung đã được xử lý để bảo đảm hiệu quả công tác quản lý Nhà nước. Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật, xử lý các bất cập, nội dung còn chồng chéo để điều chỉnh, thay thế cho phù hợp. Việc sửa đổi Luật Đất đai theo hướng đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước về đất đai cho chính quyền cấp tỉnh...
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, thời gian qua, Đắk Nông có sự chuyển biến mạnh mẽ, hiệu quả trong giải quyết khiếu nại tố cáo. Đồng thời đề nghị, tỉnh phân tích, chỉ rõ tồn tại, hạn chế, bất cập trong việc giải quyết, khiếu nại về đất đai vì đây là nội dung chiếm tỷ lệ cao; tiếp tục đề xuất các định hướng, giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng và tỷ lệ giải quyết đơn thư trong thời gian tới.
Cũng theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, các ý kiến tham gia tại phiên họp sẽ là cơ sở quan trọng để Đoàn giám sát nghiên cứu, chuẩn bị xây dựng dự thảo Báo cáo kết quả giám sát, dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp tháng 8/2022 và trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ tư.