Giám sát chuyên đề việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo

NDO -

Ngày 22/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào Đề cương báo cáo của Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021”.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu cho ý kiến vào nội dung phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu cho ý kiến vào nội dung phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)

Mục đích của giám sát chuyên đề là xem xét, theo dõi, đánh giá toàn diện, khách quan việc thực hiện tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật của các đối tượng chịu sự giám sát, một số cơ quan có liên quan. Kịp thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị giải pháp nhằm thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; hoàn thiện các quy định của pháp luật có liên quan. Nâng cao trách nhiệm giải trình, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, nhất là người đứng đầu cơ quan chịu sự giám sát trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; nâng cao năng lực, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, nhất là lĩnh vực đất đai; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý các cơ quan, cá nhân vi phạm.

Theo đó, giám sát chuyên đề sẽ xem xét, nghiên cứu làm rõ những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong một số lĩnh vực quản lý nhà nước phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo hiện nay.

Cụ thể như: Bộ Tài nguyên và Môi trường về công tác quản lý đất đai, việc thực hiện thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng theo Điều 62 Luật Đất đai 2013…; Bộ Xây dựng về quy hoạch, cấp giấy phép xây dựng (nhất là quy hoạch bổ sung, cấp phép bổ sung) đối với chủ đầu tư dự án chung cư thương mại; về quản lý, vận hành, quỹ bảo trì, tổ chức ban quản trị nhà chung cư...; Thanh tra Chính phủ về kiểm tra, rà soát các vụ việc khiếu nại đông người, phức tạp, kéo dài; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về giải quyết các đơn thư về chính sách người có công, về quản lý đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài...; Bộ Công an về công tác Công an tham gia giải quyết khiếu kiện góp phần giữ vững ổn định tình hình an ninh, trật tự, nhất là những vụ việc khiếu nại, tố cáo có tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn về an ninh, trật tự; Tòa án Nhân dân tối cáo và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm...

Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý: Việc giám sát nội dung này cần phải trả lời cho được câu hỏi: Vì sao tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo còn có những diễn biến rất phức tạp, trong đó nhiều vụ việc nổi cộm, kéo dài dẫn đến việc khiếu nại, khiếu kiện đông người kéo dài, tác động đến tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội của địa phương, tiềm ẩn rủi ro, tạo điểm nóng. Nhất là hiện nay, việc tác động lớn của dịch Covid-19 dự báo còn nhiều khó khăn, phức tạp. Công tác tiếp công dân còn chưa đi vào nề nếp, nếu xử lý từ sớm, từ xa tình hình khiếu nại, tố cáo sẽ giảm.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, báo cáo giám sát phải chỉ ra được nguyên nhân khách quan, chủ quan. Nguyên nhân nào liên quan đến pháp luật, chính sách, thể chế nhất là trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên và môi trường, thường chiếm 73 đến 75 % vụ khiếu nại, tố cáo.

Báo cáo giám sát phải phác thảo được bức tranh tổng thể về vấn đề giải quyết khiếu nại, tố cáo. Cần phân loại các vụ việc theo mức độ quan trọng, tập trung những vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài, chuyển đơn thư lòng vòng, nhạy cảm, phức tạp, kéo dài. Giám sát cũng phải chỉ ra được những địa chỉ cụ thể bộ, ngành, địa phương, cá nhân làm tốt, chỗ còn yếu kém, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, kết quả của cuộc giám sát phải kiến nghị được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội những ràng buộc về thời hạn giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là những vụ việc phức tạp kéo dài để các cơ quan liên ngành tập trung giải quyết.

Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cần phải làm tốt công tác truyền thông, để người dân hiểu, việc giám sát tối cao là một trong những giải pháp để cả hệ thống chính trị vào cuộc, đưa công tác giám sát trở nên ngày càng nề nếp, có chất lượng cao hơn. Một cuộc giám sát tối cao của Quốc hội hay Ủy ban Thường vụ Quốc hội không phải là công cụ vạn năng có thể giải quyết mọi việc, mọi vấn đề.

Giám sát chuyên đề việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo -0
 Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu kết luận nội dung phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh: Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, giám sát khiếu nại, tố cáo là chuyên đề rất quan trọng, phạm vi rộng, liên quan đến nhiều luật, bộ, ngành, ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống xã hội, cũng là đề tài mà được Đảng, Nhà nước rất quan tâm, nhân dân đồng tình ủng hộ và kỳ vọng. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cao như dự thảo kế hoạch giám sát.

Ông đề nghị, báo cáo giám sát cần thiết lập đề cương, mẫu biểu, chỉ dẫn cụ thể nhằm làm cơ sở xây dựng cơ sở dữ liệu phân loại lĩnh vực, mức độ quan trọng của các loại khiếu nại, tố cáo. Đồng thời, lựa chọn một số vụ việc phức tạp, phối hợp các cơ quan, tập trung giải quyết, không để số lượng vụ việc cũ, vụ việc chưa giải quyết xong lại phát sinh vụ việc mới.