Lộ trình cụ thể là năm 2018 có 22 đơn vị, năm 2019 có 24 đơn vị, năm 2020 có 24 đơn vị và năm 2021 có 129 đơn vị nâng mức tự chủ tài chính. Thế nhưng, đến cuối năm 2020, mới có 56 đơn vị của thành phố đã nâng mức tự chủ tài chính, đạt 80% so với kế hoạch giai đoạn từ năm 2018 đến 2020.
Theo kế hoạch, trong năm 2021, Hà Nội có 129 đơn vị nâng mức tự chủ tài chính. Trong đó, không có đơn vị nào tự chủ chi đầu tư và chi thường xuyên, 129 tự chủ chi thường xuyên. Nhưng dự kiến chỉ có 19 đơn vị bảo đảm theo lộ trình tự chủ chi thường xuyên. 110 đơn vị không bảo đảm theo lộ trình tự chủ chi thường xuyên, chủ yếu là các trung tâm y tế, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên các quận, huyện, các trung tâm văn hóa-thông tin và thể thao…
Như vậy, đến hết năm 2021, thành phố có 75 đơn vị nâng mức tự chủ, đạt 37,7% so với kế hoạch, nâng tổng số ĐVSN tự bảo đảm chi thường xuyên là 175 đơn vị, chiếm 6,8% tổng ĐVSN công lập của toàn thành phố.
Nguyên nhân các ĐVSN chậm chuyển sang cơ chế tự chủ là do một số sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và ĐVSN chưa tập trung tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp đã nêu tại Kế hoạch số 44/KH-UBND ngày 19-2-2019 của UBND thành phố Hà Nội, nhất là các giải pháp tăng nguồn thu, giảm chi thường xuyên để nâng mức tự chủ tài chính như: xây dựng đề án cho thuê, liên danh, liên kết tài sản công, xây dựng định mức kinh tế-kỹ thuật đối với những lĩnh vực đã có Thông tư hướng dẫn, đơn giá dịch vụ sự nghiệp công trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Bên cạnh đó, trong những tháng đầu năm nay, dịch Covid-19 diễn ra đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và hoạt động sự nghiệp của các ĐVSN công lập. Nhiều đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên đã bị giảm nguồn thu lớn, tỷ lệ tự bảo đảm chi thường xuyên giảm so với phương án tự chủ tài chính đã được phê duyệt. Vì vậy một số đơn vị đề nghị xin lùi thời hạn nâng mức tự chủ tài chính so với kế hoạch thành phố đề ra.