Trọng tâm là chính sách tài khóa
Phóng viên: So với bức tranh kinh tế-xã hội năm 2022 như Báo cáo đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên của Trường đại học Kinh tế quốc dân vừa công bố, tình hình kinh tế vĩ mô quý I/2023 đã có nhiều thay đổi. Theo ông, những yếu tố nào đang ảnh hưởng đến nền tảng vĩ mô của nền kinh tế Việt Nam?
Giáo sư Tô Trung Thành: Kinh tế Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức lớn. Các yếu tố tiêu cực ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam là sự suy giảm trong cầu hàng hoá, dịch vụ trên thế giới tác động đến tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu.
Chính sách tiền tệ thắt chặt trên diện rộng và môi trường lãi suất cao dẫn đến điều kiện tài chính không thuận lợi. Hơn nữa, lạm phát thế giới vẫn ở mức cao, tác động đến lạm phát và ổn định vĩ mô trong nước.
Tiêu dùng của thị trường trong nước bật tăng trở lại sau đại dịch Covid-19 là yếu tố đóng góp quan trọng nhất vào tăng trưởng năm 2022. Tuy nhiên, tốc độ tăng chi tiêu đã giảm trong quý I/2023 phản ánh thách thức từ gia tăng lạm phát, khiến chi tiêu của người dân không còn tăng mạnh như trước.
Điểm nghẽn cản trở sự phát triển kinh tế hiện nay là thị trường bất động sản. Sự biến động mạnh của thị trường quan trọng này đã gây rủi ro chéo với thị trường tài chính và ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.
Giáo sư Tô Trung Thành
Giá năng lượng duy trì ở mức cao cộng thêm các chi phí đầu vào khác gia tăng vẫn tiếp tục là những khó khăn mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt, ảnh hưởng đến động lực đầu tư tư nhân trong nước.
Điểm nghẽn cản trở sự phát triển kinh tế hiện nay là thị trường bất động sản. Sự biến động mạnh của thị trường quan trọng này đã gây rủi ro chéo với thị trường tài chính và ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.
Một trong những thách thức lớn đặt ra là hiện nay là “sức khỏe” của doanh nghiệp đang suy giảm. Lần đầu tiên có tình trạng số lượng doanh nghiệp phá sản, tạm dừng hoạt động cao hơn số doanh nghiệp thành lập mới và tái gia nhập thị trường, nguyên nhân do thị trường đầu ra khó khăn còn các chi phí đầu vào tăng lên. Đây là thách thức rất lớn cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Phóng viên: Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội đã hiệu lực hoặc thực hiện không hiệu quả. Theo ông, có thể tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách nào?
Giáo sư Tô Trung Thành: Trọng tâm của các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phải hướng đến mục tiêu giảm chi phí đầu vào thông qua giảm các loại thuế, phí. Đây là những giải pháp rất quan trọng giúp người dân, doanh nghiệp cải thiện thanh khoản, dành nguồn lực tập trung cho sản xuất kinh doanh.
Các chính sách nên được thiết kế theo hướng chủ yếu hỗ trợ chi phí thay vì lợi nhuận. Để đẩy nhanh giải ngân các gói hỗ trợ, Chính phủ cần có những đánh giá kịp thời việc thực hiện chính sách để phát hiện những bất cập, từ đó kịp thời điều chỉnh về điều kiện hỗ trợ cũng như cách thức thực hiện.
Quan trọng là chính sách hỗ trợ cần rõ ràng và minh bạch về thủ tục cũng như đối tượng được thụ hưởng, giảm thiểu những phiền hà về thủ tục và quy trình tiếp cận. Theo quan điểm của chúng tôi, những chính sách không phát huy được hiệu quả như gói cấp bù lãi suất 2% nên cân nhắc, xem xét dừng lại để điều chuyển nguồn lực sang chính sách khác có hiệu quả hơn.
Kiên trì cải thiện nền tảng vĩ mô
Phóng viên: Những khó khăn của doanh nghiệp có nguyên nhân từ suy giảm dòng tiền, thiếu thanh khoản, khó tiếp cận tín dụng. Chính sách tiền tệ đóng vai trò gì trong thời điểm này, thưa ông?
Chính sách tiền tệ năm vừa qua chịu sức ép quá lớn từ thế giới, phải giữ ổn định về tỷ giá hay lạm phát nhưng trong ràng buộc "bộ ba bất khả thi" bắt buộc phải hy sinh những mục tiêu khác. Ba trụ cột trong tam giác "bộ ba bất khả thi" gồm có tỷ giá cố định; tự do lưu chuyển vốn; tính độc lập của chính sách tiền tệ.
Trong đó, một mục tiêu rất quan trọng để hỗ trợ tăng trưởng là tính độc lập của chính sách tiền tệ. Nhưng do chưa thể linh hoạt tỷ giá cho nên tính độc lập của chính sách tiền tệ bị thu hẹp. Vì dư địa chính sách tiền tệ đang bị thu hẹp đáng kể cho nên khả năng tăng nhanh tín dụng và giảm nhanh lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng là khó khăn.
Điều mà cộng đồng doanh nghiệp mong mỏi là được hỗ trợ, tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng cũng như tháo gỡ những khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán để mở ra các kênh huy động vốn.
Chúng tôi cho rằng, song hành với những giải pháp ngắn hạn đang thực hiện nhằm khôi phục kinh tế sau đại dịch, Chính phủ cần kiên trì cải thiện nền tảng vĩ mô, đổi mới thể chế kinh tế và giảm thiểu rủi ro trong tương lai.
Giáo sư Tô Trung Thành
Phóng viên: Nhiều dự báo đều cho rằng kinh tế sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong những quý cuối năm. Theo ông, động lực tăng trưởng năm 2023 đến từ các yếu tố nào?
Giáo sư Tô Trung Thành: Theo đánh giá của chúng tôi, sau giai đoạn khó khăn của đại dịch Covid-19, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đang có sức bật trở lại với sự hỗ trợ của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Ngành dịch vụ du lịch và lưu trú đang phục hồi với lượng khách quốc tế tăng cao đến từ chính sách nới lỏng các biện pháp phong tỏa ở nhiều nước, nhất là từ Trung Quốc.
Đáng lưu ý, đầu tư công được kỳ vọng trở thành động lực tăng trưởng chính của năm 2023 do nguồn vốn đầu tư công tăng cao nhất từ trước đến nay và Chính phủ đang quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để từ đó lan toả, đóng góp lớn vào đầu tư xã hội, tạo ra tăng trưởng cho nền kinh tế.
Yếu tố quan trọng khác là việc thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội với quyết tâm mạnh mẽ hơn ở năm cuối cùng sẽ góp phần hỗ trợ tăng trưởng. Đó là những yếu tố cơ bản so triển vọng tốt cho tăng trưởng những quý còn lại của năm 2023.
Phóng viên: Nhóm nghiên cứu Trường đại học Kinh tế quốc dân dự báo như thế nào về triển vọng tăng trưởng năm 2023 và khuyến nghị chính sách gì để đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra, thưa ông?
Giáo sư Tô Trung Thành: Tác động của các yếu tố bất lợi từ tình hình kinh tế thế giới cũng như các điểm nghẽn tăng trưởng trong nước đã khiến cho những dự báo triển vọng tăng trưởng của Việt Nam năm 2023 đều được điều chỉnh giảm so với năm trước.
Cụ thể, các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Việt Nam năm 2023 tăng trưởng 6,2%, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,3%... Tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ đề ra mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,5%. Tuy nhiên, mức tăng trưởng 3,32% trong quý I thấp hơn nhiều so với kịch bản điều hành, khiến mục tiêu tăng trưởng 6,5% trở nên thách thức.
Chúng tôi cho rằng, song hành với những giải pháp ngắn hạn đang thực hiện nhằm khôi phục kinh tế sau đại dịch, Chính phủ cần kiên trì cải thiện nền tảng vĩ mô, đổi mới thể chế kinh tế và giảm thiểu rủi ro trong tương lai.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!