Gỡ "nút thắt" cho các cụm công nghiệp ở Thái Nguyên

Hiện nay, hệ thống bất động sản công nghiệp tại Thái Nguyên gần như không còn vì hạ tầng các khu công nghiệp mới đang thực hiện các thủ tục chuẩn bị xây dựng. Trong khi đó, các cụm công nghiệp đã có chủ đầu tư lại phải đối mặt với "nút thắt" lớn là giải phóng mặt bằng, dẫn đến chậm tiến độ, mà nguyên nhân chủ yếu là do chậm thực hiện tái định cư cho người dân.
0:00 / 0:00
0:00
Cụm công nghiệp Bảo Lý-Xuân Phương ở huyện Phú Bình đang hoàn thiện hạ tầng để xây dựng nhà máy cuối năm 2024.
Cụm công nghiệp Bảo Lý-Xuân Phương ở huyện Phú Bình đang hoàn thiện hạ tầng để xây dựng nhà máy cuối năm 2024.

Để tháo gỡ những vướng mắc này, tỉnh Thái Nguyên đang tích cực chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án tái định cư nhằm sớm bàn giao mặt bằng sạch để các chủ đầu tư hoàn thiện hạ tầng các cụm công nghiệp, thúc đẩy thu hút đầu tư.

Vướng mắc về mặt bằng

Theo Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030 đã được phê duyệt, tỉnh có 41 cụm công nghiệp với tổng diện tích 2.067 ha. Đến nay, 27 cụm công nghiệp đã được thành lập, trong đó có 12 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động với 62 doanh nghiệp thứ cấp đầu tư, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động. Tuy nhiên, nhiều cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động và đầu tư xây dựng mới gần đây gặp khó khăn về giải phóng mặt bằng, khiến việc hoàn thiện hạ tầng bị chậm.

Cụm công nghiệp số 3 cảng Đa Phúc ở phường Thuận Thành, thành phố Phổ Yên được quy hoạch hơn 20 ha, đã đi vào hoạt động từ năm 2014, thu hút các doanh nghiệp chế tạo cơ khí, sản xuất ván ép, vật liệu xây dựng, chế biến than, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 1.000 lao động, nhưng đến nay vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng.

Giám đốc Quản lý Cụm công nghiệp số 3 cảng Đa Phúc Vũ Quốc Huy cho biết: "Đến nay chúng tôi còn khoảng 11% diện tích theo quy hoạch chưa giải phóng được mặt bằng, cho nên không thể xây tường rào bao ranh giới dẫn đến khó khăn trong quản lý, bảo vệ an ninh cụm công nghiệp. Điều này cũng dẫn đến việc một số hộ dân chung quanh lấn chiếm đất cây xanh, bồi lấp mương thoát nước, gây ngập úng cục bộ, ảnh hưởng đến sản xuất".

Cũng trên địa bàn thành phố Phổ Yên, các dự án xây dựng Cụm công nghiệp Tân Phú I, Tân Phú II với diện tích hơn 100 ha đã được trao Giấy chứng nhận đầu tư với số vốn khoảng 800 tỷ đồng, xây dựng gần đường cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên, từng được kỳ vọng sẽ nhanh chóng được hoàn thiện hệ thống hạ tầng, thu hút các nhà đầu tư. Nhưng đến nay, dự án vẫn chưa được triển khai cho dù đã hết thời gian thực hiện. Nguyên nhân chủ yếu là địa phương chưa giải phóng xong mặt bằng, giao thông kết nối chưa được xây dựng và năng lực nhà đầu tư còn hạn chế.

Tương tự, thành phố Thái Nguyên có đến bảy cụm công nghiệp được thành lập mới thời gian qua với tổng số vốn đăng ký đầu tư hạ tầng là hơn 1.700 tỷ đồng, nhưng việc giải phóng mặt bằng cũng đang gặp nhiều khó khăn. Điển hình là dự án xây dựng Cụm công nghiệp Sơn Cẩm I có diện tích hơn 70 ha, thời gian thực hiện dự án đã hết mà mới giải phóng mặt bằng được gần 60 ha. Nguyên nhân chủ yếu là do thành phố Thái Nguyên chưa bố trí được quỹ đất tái định cư cho người dân trong phạm vi dự án.

Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNG Nguyễn Văn Thời, chủ đầu tư dự án Cụm công nghiệp Sơn Cẩm I, đơn vị phải lập hồ sơ đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên gia hạn thực hiện dự án thì mới có thể hoàn thiện cụm công nghiệp theo quy hoạch đã được phê duyệt.

Bên cạnh việc vướng mặt bằng do chưa bố trí tái định cư cho người dân kịp thời, nhiều cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên còn gặp khó khăn trong việc di chuyển hệ thống đường điện, chồng lấn quy hoạch khoáng sản; hệ thống hạ tầng ngoài hàng rào chưa được đầu tư kịp thời, năng lực một số chủ đầu tư chưa đáp ứng. Những điều này đã ảnh hưởng tiến độ đầu tư, khiến nhiều nhà đầu tư phải chờ đợi thuê đất xây dựng nhà máy sản xuất, kinh doanh.

Cần sự vào cuộc đồng bộ

Dự án xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp Sơn Cẩm I ở thành phố Thái Nguyên đã hết thời gian thực hiện mà vẫn chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thái Nguyên Nguyễn Văn Tuệ giải thích: "Thời gian qua, chúng tôi phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh quy hoạch để bố trí quỹ đất tái định cư, xây dựng dự án đầu tư khu tái định cư, giải phóng mặt bằng khu tái định cư, bố trí vốn mất rất nhiều thời gian. Gần đây những công việc này được giải quyết, chúng tôi đang đẩy mạnh xây dựng ba khu tái định cư để chuyển dân trong phạm vi quy hoạch các cụm công nghiệp đến sinh sống, trong đó Cụm công nghiệp Sơn Cẩm I sẽ hoàn thành giải phóng mặt bằng vào tháng 12 năm nay".

Các địa phương khác trong tỉnh Thái Nguyên cũng gặp tình trạng tương tự. Đơn cử như huyện Phú Bình có sáu cụm công nghiệp được thành lập mới, trong đó các cụm công nghiệp Điềm Thụy và Hạnh Phúc-Xuân Phương cũng đang gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư cho người dân. Theo lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện Phú Bình, địa phương đã quy hoạch ba khu tái định cư, thời gian tới bố trí được nguồn vốn hoặc các nhà đầu tư ứng tiền thì địa phương sẽ xây dựng ngay các khu tái định cư.

Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải, Sở Công thương đã xây dựng kế hoạch, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên có giải pháp triển khai xây dựng các công trình điện, nước, giao thông kết nối ngoài hàng rào các cụm công nghiệp. Giám đốc Sở Công thương Thái Nguyên Nguyễn Bá Chính cho biết: "Sở đã tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư kết nối hạ tầng điện, hướng dẫn các nhà đầu tư gia hạn tiến độ dự án cụm công nghiệp khi hết hạn. Đồng thời, đôn đốc các chủ kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật về môi trường, nhất là các công trình xử lý nước thải, khí thải".

Mới đây, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã triệu tập lãnh đạo các sở, ngành, địa phương và các chủ đầu tư để bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp trên địa bàn. Sau khi rà soát, đánh giá đối với từng dự án, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lê Quang Tiến yêu cầu lãnh đạo các huyện, thành phố làm việc ngay với chủ đầu tư và phải có cam kết tiến độ giải phóng mặt bằng, giao mặt bằng cụ thể cho từng chủ đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp. Các địa phương phải ưu tiên đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu tái định cư để khẩn trương giải phóng mặt bằng các cụm công nghiệp đã và đang thực hiện. Bên cạnh đó, cần chủ động xây dựng trước các khu tái định cư để tạo thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng, góp phần bảo đảm xây dựng các cụm công nghiệp theo đúng kế hoạch, tiến độ để đẩy mạnh thu hút đầu tư thứ cấp.