Giải trình về trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử

NDO -

Sáng 4/5, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và Ủy ban Xã hội của Quốc hội phối hợp tổ chức Phiên giải trình "Trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng". Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội dự và chỉ đạo phiên giải trình.

0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh Phiên giải trình Trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. (Ảnh: Duy Linh)
Toàn cảnh Phiên giải trình Trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. (Ảnh: Duy Linh)

Phiên giải trình nhằm nhận diện rõ tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; thực trạng tình hình việc mua bán, sử dụng, xử lý và phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; làm rõ những tồn tại, hạn chế và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.

Cần phòng ngừa, bảo vệ thanh, thiếu niên khỏi các chất gây nghiện

Phát biểu ý kiến tại phiên giải trình, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn hoan nghênh Ủy ban Xã hội chủ trì, phối hợp Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức phiên giải trình về trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Đây cũng là hoạt động thực hiện Nghị quyết số 969 ngày 25/1/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc hướng dẫn tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.

Giải trình về trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử ảnh 1

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên giải trình.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: Phiên giải trình không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong việc đưa ra các kiến nghị, giải pháp thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, mà còn thể hiện trách nhiệm của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đối với việc phòng ngừa, bảo vệ thanh niên, thiếu niên khỏi các chất gây nghiện, góp phần hoàn thiện tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Công tác phòng, chống tác hại thuốc lá, kiểm soát và hạn chế thuốc lá nói chung đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong thời gian vừa qua, với sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành liên quan và các địa phương. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong các nhóm đối tượng có xu hướng giảm dần. Công tác phòng, chống buôn lậu thuốc lá, xử lý vi phạm được tăng cường và đạt những kết quả bước đầu tích cực.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội chỉ rõ, vẫn còn những mặt hạn chế, cần có giải pháp khắc phục. Cụ thể, Việt Nam vẫn là một trong 15 nước có số lượng nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới. Thuốc lá điện tử đang xâm nhập và được sử dụng ngày càng nhiều và gia tăng ở nước ta, nhất là trong thanh niên, thiếu niên, lứa tuổi học sinh. Thậm chí, có những lo ngại đối với thanh niên, thiếu niên khi thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có xu hướng đang dần thay thế cho thuốc lá truyền thống.

Tình hình nhập lậu thuốc lá, buôn bán, vận chuyển, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trên thị trường, qua không gian mạng ngày càng tăng về quy mô và mức độ nghiêm trọng; đặc biệt là tình trạng mua bán, sử dụng thuốc lá điện tử, pha trộn ma túy (cần sa, ma túy tổng hợp) đang diễn biến phức tạp và gia tăng rất nhanh. Tác hại của thuốc lá điện tử đến sức khoẻ được đánh giá như thuốc lá truyền thống.

Đặc biệt, đối với thanh niên, thiếu niên, làm suy yếu sự phát triển não bộ của trẻ em, vị thành niên, gây nghiện, rối loạn nhận thức và cảm xúc; giảm khả năng học tập và rối loạn tâm thần; ảnh hưởng tới sức khỏe bà mẹ và bào thai trong tương lai; tác động tiêu cực đến chất lượng nguồn nhân lực, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội và phát triển kinh tế-xã hội.

Bên cạnh đó, chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá hiện hành chưa đủ bao quát để điều chỉnh cả về công tác quản lý, kiểm soát cũng như phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, các văn bản hướng dẫn chưa quy định cụ thể về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, dẫn đến thiếu quy định về cơ chế quản lý, chế tài xử phạt đủ mạnh đối với hành vi vi phạm.

Để phiên giải trình đạt hiệu quả thiết thực, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị: thứ nhất, cần nhận diện đúng về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, đánh giá tác hại của các loại thuốc lá này. Có thông điệp rõ ràng, cụ thể đến người dân và chính kiến về trách nhiệm của Nhà nước đối với vấn đề này.

Thứ hai, làm rõ tồn tại, hạn chế trong phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; xác định cụ thể nguyên nhân và trách nhiệm của từng bộ, ngành, địa phương.

Thứ ba, cần đưa ra những kiến nghị cụ thể, rõ ràng. Đối với những kiến nghị về hoàn thiện pháp luật; bảo đảm về tính khả thi, tính thống nhất của hệ thống pháp luật và có giải pháp thực hiện phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Thứ tư, quản lý nhưng phải trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, bằng chứng thực tiễn, cũng như trên cơ sở phân tích các tác động đến người tiêu dùng, doanh nghiệp, năng lực cơ quan quản lý nhà nước.

Sau phiên giải trình, đề nghị lãnh đạo các Bộ cần nghiêm túc triển khai các kiến nghị; Ủy ban Xã hội giám sát và Báo cáo thẩm tra về tình hình quản lý, sử dụng Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá hằng năm gửi kỳ họp Quốc hội.

Đồng chí Trần Thanh Mẫn cũng cũng nhấn mạnh công tác tuyên truyền, vận động, các cơ quan chức năng, cơ quan truyền thông, báo chí phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa. Bên cạnh đó, còn là trách nhiệm của gia đình, nhà trường, xã hội, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục, nâng cao nhận thức về phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Hoàn thiện hành lang pháp lý và tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước

Trước đó, phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, trước thực trạng sử dụng thuốc lá mới và những hệ lụy của việc sử dụng các sản phẩm này đối với mỗi cá nhân, gia đình và xã hội, qua công tác theo dõi, giám sát, Ủy ban Xã hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, nhận thức, quan điểm về phương thức quản lý các sản phẩm này chưa được thống nhất, công tác quản lý nhà nước trong phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có những khó khăn, bất cập, hạn chế.

Giải trình về trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử ảnh 3

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu khai mạc.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết: Luật phòng chống tác hại thuốc lá được Quốc hội khóa XIII thông qua và có hiệu lực ngày 1/5/2013. Qua hơn 10 năm thực hiện đã đạt nhiều kết quả đáng kể, các ngành các cấp đã tập trung tổ chức triển khai thực hiện Luật và các văn bản dưới Luật, nhận thức người dân từng bước được nâng lên.


Các kết quả nghiên cứu, khảo sát cho thấy: Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tại Việt Nam ngày càng tăng, nhất là ở giới trẻ, học sinh, sinh viên. Cụ thể: tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở người từ 15 tuổi trở lên tăng 18 lần từ năm 2015 (0,2%) đến năm 2020 (3,6%), cao nhất tập trung ở nhóm tuổi từ 15-24 (7,3%); tỷ lệ sử dụng trong học sinh ở nhóm tuổi 13-17 tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023; ở nhóm tuổi 13-15, tỷ lệ này của năm 2023 (8%) đã tăng hơn gấp đôi so năm 2022 (3,5%); 1,8% học sinh đã từng sử dụng thuốc lá nung nóng, trong đó, tỷ lệ học sinh ở nhóm tuổi từ 13-17 đang sử dụng thuốc lá nung nóng là 1,1%...

Tuy nhiên, những năm gần đây, bên cạnh thuốc lá “truyền thống”, xuất hiện những loại hình thuốc lá mới như thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử và loại kết hợp giữa thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Tình hình trở nên phức tạp khi tỷ lệ sử dụng các loại thuốc lá này ngày càng tăng, nhất là ở giới trẻ, đặc biệt là đối với học sinh - nhóm đối tượng hiểu biết chưa đầy đủ và dễ bị tác động, lôi kéo.

Trên thị trường, hiện đã xuất hiện tình trạng pha trộn, tẩm ướp các chất gây nghiện trong sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; trong khi đó, việc quảng cáo, mua bán qua mạng xã hội tràn lan, thiếu kiểm soát chất lượng, nhất là các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nhập lậu.

Đã có các báo cáo, nhiều bằng chứng khoa học cho rằng, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng gây ra nhiều tác hại đến sức khỏe thể chất và tinh thần của người sử dụng, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh các tệ nạn xã hội, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội. Việc sử dụng các sản phẩm được tẩm ướp ma túy và các chất gây nghiện, chất kích thích còn tăng gánh nặng kinh tế đối với cá nhân, gia đình khi vừa phải mất tiền mua thuốc lá, đồng thời phải chi tiền để điều trị bệnh gây ra bởi chính sản phẩm thuốc lá mình mua, giảm khả năng và năng suất lao động. Về lâu dài, có nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng dân số, ở các đối tượng trẻ - tương lai của đất nước.

Tại phiên giải trình, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan đã giải trình cụ thể về trách nhiệm quản lý nhà nước, đưa ra giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc, bất cập về phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.